Logistics xanh: Hướng đến phát triển bền vững
Logistics được đánh giá là ngành nghề sẽ tiếp tục có sự bứt phá và logistics xanh là mục tiêu doanh nghiệp phải thực hiện để phát triển bền vững.
Logistics đóng góp lớn vào phát thải carbon
Thông tin tại Hội thảo "Logistics xanh - đích đến bền vững” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức mới đây, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA cho biết biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ 21. Trong đó, riêng ngành logistics đang đóng góp đáng kể vào lượng phát thải carbon - CO2 ước tính ở mức 7-8%.
Nguyên nhân là do hiện nay, khoảng 75% hàng hóa vẫn được vận chuyển qua đường bộ, trong khi 12% hàng hóa được vận chuyển qua đường biển và chỉ 2% vận chuyển qua đường sắt; có đến 95% phương tiện giao thông tại Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch.
![Logistics xanh là giải pháp hướng đến phát triển bền vững (Ảnh: Viettel Post)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51477079/c7d92d681f26f678af37.jpg)
Logistics xanh là giải pháp hướng đến phát triển bền vững (Ảnh: Viettel Post)
Bên cạnh đó, thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Nếu doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 2,97 tỷ USD, đến năm 2024 đã đạt tới giá trị 25 tỷ USD, tương đương mức tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Trong thành công đó, logistics đóng vai trò rất quan trọng bởi đây là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch. Với 43,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân tham gia thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á và cũng cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành này luôn cần thiết.
Tuy nhiên, thương mại điện tử đã và đang bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững liên quan đến hoạt động logistics. Đối với logistics trong thương mại điện tử, hiện vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng cao hơn rất nhiều so các phương thức vận tải khác. Trong khi đó, lượng phát thải khí nhà kính của vận tải đường bộ cao gấp gần 22 lần so với hàng không, gấp gần 20 lần đường biển và gấp gần 250 lần đường sắt. Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán, trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85%. Lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam còn tiếp tục tăng trung bình 6-7% mỗi năm, dự báo các ngành vận tải trong nước sẽ phát thải tới 60 triệu tấn CO2 trong năm 2024 và 90 triệu tấn vào năm 2030.
Doanh nghiệp vào cuộc
Đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình vận chuyển để hướng tới logistics xanh, phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng mà các doanh nghiệp logistics đang hướng tới. Theo đó, là một trong những doanh nghiệp logistics đi đầu nhằm hướng tới mục tiêu phát triển logistics xanh, trong quá trình vận hành, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã cho áp dụng mô hình “bưu cục di động”. Các “bưu cục di động” này được thiết kế trên xe tải, được ứng dụng công nghệ chia sẻ dữ liệu để kết nối giữa các bưu cục với nhau cũng như bưu tá với bưu cục.
Hàng hóa của người gửi sẽ được chia chọn, phân tuyến trực tiếp ngay trên xe và thực hiện quy trình xuất nhập kho qua ứng dụng di động để nhanh chóng xử lý các công đoạn tiếp theo. Với mô hình này, Viettel Post đã cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển. Nhờ đó, hạn chế tần suất hoạt động của xe, giảm lượng khí thải ra môi trường; đồng thời, hạn chế luân chuyển hàng hóa giúp tối giản việc bọc các lớp nilon chống sốc cho bưu phẩm, giảm lượng chất thải ra môi trường.
![Vietnam Post đưa xe máy điện vào sử dụng trong hoạt động giao nhận (Ảnh: Quân Đỗ)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51477079/c2a831190357ea09b346.jpg)
Vietnam Post đưa xe máy điện vào sử dụng trong hoạt động giao nhận (Ảnh: Quân Đỗ)
Hoặc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cũng là doanh nghiệp nỗ lực chuyển sang phát triển xanh. Cụ thể, năm 2021, Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam phối hợp cùng Honda Việt Nam đưa xe máy điện vào sử dụng trong hoạt động giao nhận, giúp giảm phát thải ra thị trường.
Bà Phạm Thị Tình - Giám đốc thương mại chi nhánh Hà Nội - Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế Interlog cho biết, để phát triển xanh, phát triển bền vững, Interlog tập trung vào 3 trụ cột chính là nhận thức của nhân viên, tiếp đến là chuyển đổi năng lượng và có giải pháp tối ưu để cắt giảm chi phí.
Từ cuối năm 2022, Interlog đã tập trung vào đào tạo nội bộ từ cấp lãnh đạo đến nhân viên để tăng nhận thức về chuyển đổi xanh. Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để giảm giấy tờ trong quản lý, vận hành.
Công ty cũng đề xuất, giải pháp giúp giảm lượng phát thải carbon cho khách hàng thông qua tư vấn về tuyến đường giao hàng, giúp giảm nhiên liệu và chi phí vận chuyển.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhấn mạnh, dù chuyển đổi sang logistics xanh là tất yếu, song phát triển logistics xanh là áp lực lớn với các doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh với logistics sẽ bao gồm chuyển đổi năng lượng với các phương tiện, thay đổi phương thức vận tải.
Theo ông Hải, hiện nay vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận tải xanh có lợi thế lớn trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon. Ngoài ra, các biện pháp về quy trình làm việc, nâng cao hiệu suất của quá trình là yếu tố quan trọng trong phát triển logistics xanh. Quá trình giao nhận cần đơn giản, tối ưu hóa để mang lại hiệu quả. Cùng đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm “dấu chân” carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng. Có thể nói, hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải cacbon của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, hướng tới thương mại bền vững.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045. Một trong những nội dung của Dự thảo Chiến lược là nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số.