Ông Trần Lưu Quang: Tăng trưởng hai con số không có gì là xa vời
Dẫn chứng Trung Quốc đi rất nhanh bằng khoa học và công nghệ, mà hiện tượng Deepseek là ví dụ, ông Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, cho rằng Nghị quyết 57 là con đường ngắn nhất để đưa nước ta tới một tương lai tươi sáng.
Phát biểu tại họp tổ Quốc hội chiều 14-2, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho rằng việc đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 giống như một “bước tập dượt” để bước vào ngưỡng tăng trưởng hai con số liên tục trong nhiều năm.
Con đường ngắn nhất để đưa đất nước tới tương lai tươi sáng
Ông Trần Lưu Quang nói chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số nhằm đạt được mục tiêu là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
“Từ chỉ tiêu đó, chúng ta tính ngược lại thì phải tăng trưởng hai con số mới đạt được. Đây là vấn đề nằm trong nghị quyết cho nên chúng ta phải phấn đấu”- ông Trần Lưu Quang nói.
Lý do thứ hai, theo ông Trần Lưu Quang, là chúng ta phải vượt cho được bẫy thu nhập trung bình. Hiện nay, trên thế giới chỉ có khoảng 5-7 nước vượt được, như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
![Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang. Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51479286/93d135bf07f1eeafb7e0.jpg)
Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang. Ảnh: PHẠM THẮNG
Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhấn mạnh nếu không có sự thay đổi, như việc áp dụng khoa học công nghệ để vượt qua giới hạn, thì không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
“Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay hơn 4.000 USD, chúng ta phải vượt qua được ngưỡng này”- ông Trần Lưu Quang nói thêm và lưu ý để đạt được mục tiêu trên, chúng ta phải có đường lối mạch lạc; tinh gọn bộ máy và thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tháo gỡ thể chế…
Đề cập đến Nghị quyết 57, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng đây là con đường ngắn nhất để đưa đất nước chúng ta tới một tương lai tươi sáng.
“Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy họ làm và rất thành công, điển hình là Trung Quốc”- ông Trần Lưu Quang dẫn chứng Trung Quốc đi rất nhanh bằng khoa học và công nghệ, mà hiện tượng Deepseek là một ví dụ.
Nói thêm về việc làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương khẳng định “không có gì là xa vời cả” và điều này vẫn nằm ở ba mũi đột phá gồm thể chế, nguồn lực và hạ tầng.
Cần dựa vào nguồn lực trong dân
Còn Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trên 8% là cần thiết. Trung ương cũng thể hiện sự quyết tâm, nếu không điều chỉnh thì không đạt được các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội 13 đề ra.
Vấn đề đặt ra là nguồn lực, động lực nào để hiện thực hóa mục tiêu này.
Theo ông Châu, thể chế, chính sách đặc thù chính là nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng. 10 địa phương đã có chính sách đặc thù, khi cơ chế, chính sách này “ngấm” vào rồi sẽ tạo động lực rất mạnh cho sự phát triển.
![Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu. Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51479286/5f4cfb22c96c2032797d.jpg)
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu. Ảnh: PHẠM THẮNG
Dẫn chứng Hải Phòng có 5 cơ chế đặc thù, dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ thiên tai, dịch bệnh… nhưng thành phố vẫn tăng trưởng hai con số, ông Lê Tiến Châu đề nghị tới đây phải nghiên cứu nhân rộng chính sách đặc thù.
“Tại kỳ họp tháng 5 tới, Hải Phòng sẽ trình Quốc hội Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 về cơ chế chính sách đặc thù, cái gì làm tốt đưa vào, cái gì không phù hợp bỏ ra và nghiên cứu thêm một loạt chính sách nữa”- theo ông Lê Tiến Châu.
Nói về nguồn lực tài chính, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nói chỉ có thể dựa vào vốn vay và nguồn lực trong dân; nhưng việc này áp dụng linh hoạt như thế nào, cho địa phương nào, phải quy định rõ.
Theo ông, với địa phương cân đối được ngân sách, tự chi trả được thì trần nợ vay phải hạ xuống, cao quá không vay được sẽ không có nguồn lực.
Đặc biệt, ông Lê Tiến Châu cho rằng nguồn lực trong dân còn rất lớn nhưng chủ yếu gửi ngân hàng lấy lãi. Giờ phải làm sao để huy động được nguồn lực này đưa vào vận hành thì hiệu quả sẽ cao hơn.