Lo ngại doanh nghiệp trục lợi từ chính sách ưu đãi

Thảo luận tại Quốc hội sáng 16/5, đại biểu lo ngại rằng nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì các chính sách hỗ trợ rất dễ trở thành kẽ hở giúp các 'công ty ma' lợi dụng để trục lợi.

Cơ chế hậu kiểm phải đủ mạnh

Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng dự thảo Nghị quyết đã tiếp cận cởi mở, thực tiễn, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Trong đó, Điều 4 của dự thảo quy định về nguyên tắc quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh. Đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, bà Việt Nga góp ý, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các “công ty ma” lợi dụng.

“Thực tiễn cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh. Có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp 'ma' xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng”, đại biểu Nga nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất cần bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm; liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát và chế tài đủ sức răn đe.

Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.

Kỳ vọng nghị quyết này như "một luồng gió thổi cánh diều kinh tế tư nhân bay xa", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ cho rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ mới phát triển được.

Ông kiến nghị loại bỏ các quy định trùng lắp pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.

"Doanh nghiệp cũng cần sự ổn định của chính sách. Nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp rất khó khăn nhưng chính sách thay đổi liên tục. Doanh nghiệp sợ nhất vừa dồn lực đầu tư chính sách lại thay đổi khiến họ phải quay lại điểm xuất phát", đại biểu nêu thực tế.

Kiến nghị nâng thời hạn miễn thuế cho doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp (tại khoản 1, Điều 10), để tạo “không gian tài chính” đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

“Đặc thù của nhóm doanh nghiệp này là phải đầu tư rất lớn và kéo dài cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ lõi, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đồng thời phải liên tục điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường.

Trong suốt quá trình đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ cao và kéo dài, thậm chí có thể không có lãi trong 5-7 năm đầu”, ông Nguyễn Như So dẫn chứng.

Vì vậy, chính sách thuế, theo ông So, cần được thiết kế theo hướng thực sự đồng hành với doanh nghiệp trong suốt giai đoạn hình thành và tích lũy nội lực ban đầu, thay vì dừng lại ở hỗ trợ ngắn hạn. Việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (tại khoản 3, Điều 10). Đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ, đổi mới sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường.

Đại biểu Nguyễn Như So. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Như So. Ảnh: QH

“Thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia có chính sách cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Đơn cử, Thái Lan miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược. Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được bước đột phá về công nghệ trong dài hạn”, ông Nguyễn Như So nói.

Liên quan đến nội dung Chương V dự thảo Nghị quyết quy định về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đại biểu đề xuất bổ sung một điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý thủ tục liên quan, đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Như So, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển mạnh sang mô hình dựa trên tri thức, tài sản vô hình - đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) - ngày càng đóng vai trò quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Với các startup, sản phẩm cốt lõi là công nghệ, thuật toán hoặc ý tưởng độc quyền; nếu không được bảo hộ kịp thời, doanh nghiệp dễ bị mất thị trường, bị sao chép công nghệ hoặc gặp rủi ro pháp lý nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, phần lớn startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ năng lực tài chính, pháp lý để thực hiện đăng ký SHTT đúng chuẩn và đúng thời điểm. Nhiều trường hợp đã mất nhãn hiệu, bị chiếm tên miền, hoặc không thể gọi vốn do thiếu chứng nhận quyền sở hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị doanh nghiệp và năng lực phát triển ra thị trường quốc tế.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lo-ngai-doanh-nghiep-truc-loi-tu-chinh-sach-uu-dai-2401682.html
Zalo