Lo ngại chất lượng suất ăn giá rẻ

Nhiều cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngại đưa ra giá thấp để cạnh tranh, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm

Ngày 8-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM phối hợp cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi khảo sát công tác quản lý ATTP tại Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Tú Anh (Công ty Tú Anh, quận Bình Tân).

Tìm kiếm nguồn hàng an toàn, phù hợp

Qua quá trình khảo sát bếp và không gian lưu trữ thực phẩm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nhận xét Công ty Tú Anh có quy trình sản xuất rõ ràng, cẩn thận ở các khâu.

Dù vậy, ông Nhựt đặt vấn đề doanh nghiệp (DN) có quy trình kiểm soát nguyên liệu đầu vào chặt chẽ không, đối tác cung cấp nguyên liệu có đạt chứng chỉ ATTP? DN xây dựng kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm như thế nào? Có lấy mẫu thường xuyên để ngăn ngừa thực phẩm không đạt chất lượng?

Ông Nguyễn Quốc Doãn, Trưởng Phòng Sản xuất Công ty Tú Anh, cho biết về quy trình, sau khi nấu chín, bộ phận bếp phải lưu mẫu và dán niêm phong kỹ càng trong vòng 24 giờ ở nhiệt độ 2-8 độ C; các mẫu đều được kiểm tra định kỳ. Khi phát hiện rủi ro, DN có thể truy xuất để ngăn chặn kịp thời.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM kiểm tra khu sản xuất suất ăn của Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Tú Anh

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM kiểm tra khu sản xuất suất ăn của Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Tú Anh

"Chúng tôi còn tổ chức những buổi kiểm tra bất chợt đối với nhà cung cấp nhằm bảo đảm ATTP đầu vào. Bên cạnh đó, DN còn test nhanh nguyên liệu bằng dụng cụ chuyên dùng để xác định độ tươi. Nếu thực phẩm không đạt sẽ tiêu hủy hoặc trả lại nhà cung cấp" - ông Doãn nêu rõ.

Đại diện Sở Công Thương TP HCM gợi ý DN có thể tham gia các chương trình kết nối hàng hóa, vùng nguyên liệu với các tỉnh, thành mà sở đang triển khai để tìm kiếm nguồn hàng an toàn, phù hợp với hoạt động kinh doanh. Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cũng góp ý DN có thể thực hiện kế hoạch theo Quyết định 1039/QĐ-UBND năm 2022 về triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc 2021-2030 để truy xuất nguồn gốc nguyên liệu chế biến thức ăn nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Nụ, Giám đốc Công ty Tú Anh, cho hay DN đang cung cấp khoảng 40.000 suất ăn/ngày. Công ty có 1 điểm cung cấp suất ăn sẵn tại quận Bình Tân và 20 điểm có bếp ăn tập thể cố định tại các công ty, xí nghiệp... trong các khu công nghiệp (KCN) - khu chế xuất lớn như: KCN Tân Tạo, KCN Bình Tân, KCN Tân Phú Trung, KCN Vĩnh Lộc (TP HCM), KCN Trảng Bàng - Tây Ninh...

"DN đã hoạt động 24 năm và chưa từng xảy ra vụ việc liên quan ngộ độc thực phẩm. Để đạt kết quả đó, DN đã chuyển dần từ việc cung cấp suất ăn sẵn sang đầu tư xây dựng bếp ăn tại chỗ, ký hợp đồng nấu ăn tại chỗ. Nguồn nguyên liệu thực phẩm tươi sống được tiếp nhận từ các cơ sở có chứng nhập VietGAP; thực phẩm bao gói được mua từ những cơ sở có chứng nhận HACCP, ISO 22000; tuân thủ nguyên tắc bảo đảm thời gian từ lúc chế biến xong đến lúc phục vụ không quá 2 giờ..." - bà Nụ khẳng định.

Tuy vậy, theo bà Nụ, công ty đang gặp nhiều khó khăn do nhiều DN, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngại đưa ra giá thật thấp để cạnh tranh không lành mạnh. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP từ nguồn thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc.

"Giá thực phẩm ngày càng tăng, trong khi giá mỗi suất ăn của họ vẫn giữ ở mức 18.000 - 20.000 đồng như nhiều năm trước. Điều này gây khó khăn cho DN khác trong việc cung ứng suất ăn bảo đảm vệ sinh, đủ dinh dưỡng" - bà Nụ băn khoăn.

Thống nhất đầu mối kiểm tra

Để bảo đảm những suất ăn đạt tiêu chuẩn ATTP, bà Nụ đề xuất nên có quy định về giá sàn. Chẳng hạn, giá tối thiểu mỗi suất ăn là 22.000 - 25.000 đồng (chưa bao gồm thuế). Suất ăn trong trường học nên ở mức 40.000 đồng/bữa (gồm ăn trưa và ăn xế).

Bà Nụ cũng cho rằng cần thống nhất một cơ quan đầu mối, có chuyên môn về ATTP để kiểm tra các cơ sở theo định kỳ hằng năm; tránh việc có quá nhiều cơ quan kiểm tra cùng một nội dung về ATTP, gây ra nhiều khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, Sở ATTP cùng các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp không giấy phép, không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho DN.

"Ngoài ra, cần điều chỉnh mức thuế thu nhập DN đối với các công ty cung cấp suất ăn sẵn; có cơ chế ưu tiên nhằm khuyến khích DN tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc thu hút đầu tư" - bà Nụ kiến nghị.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP HCM, nhìn nhận những điều mà DN phản ánh đều đúng. Mỗi đơn vị chỉ được thanh tra theo kế hoạch 1 lần/năm, tránh tình trạng tất cả các ngành thanh tra, ảnh hưởng đến DN. Tuy nhiên, khi có thông tin về rủi ro ATTP, sở vẫn có quyền kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn rủi ro ngộ độc thực phẩm.

Đối với suất ăn tại trường học, thành phố đã có nghị quyết về giá trần 35.000 đồng/suất nhưng chưa có giá sàn, gây rủi ro cao về ATTP. "Đối với những DN có suất ăn giá rẻ bất thường, sở sẽ liên tục thanh tra nhằm gián tiếp giúp công nhân có bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và làm việc tốt hơn, đồng thời tăng hiệu quả kiểm soát ATTP" - bà Lan nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, đề nghị DN cần phải tăng cường test nhanh nguồn nguyên liệu đầu vào, kiểm tra chéo và bất chợt để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm. DN cũng cần lên sẵn kịch bản phòng trường hợp rủi ro ngộ độc xảy ra, từ đó xử lý tốt và hiệu quả, tránh gây cho đối tác và dư luận hoang mang.

Ông Bình gợi ý: "DN nên xây dựng quy trình logistics khép kín, vùng sản xuất nguyên vật liệu, chế biến rau củ quả, vùng nuôi gia cầm, gia súc, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ tăng hiệu quả kinh doanh. Nếu được, DN mở rộng cung ứng cho các DN khác nếu họ cần bếp ăn hoàn chỉnh và cơ sở vật chất để sản xuất suất ăn có sẵn. Trải qua 24 năm chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm, DN cần tiếp tục giữ vững để bảo đảm suất ăn an toàn".

Bài và ảnh: Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lo-ngai-chat-luong-suat-an-gia-re-196240808202820522.htm
Zalo