Nâng mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm lên 7%, nền kinh tế có 'chạy nước rút' về đích thành công?
8 tháng qua, 'cỗ xe tam mã' thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng có nhiều điểm sáng nổi bật. Các chuyên gia và tổ chức kinh tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, tuy nhiên bối cảnh đặt ra cho thấy vẫn có những rủi ro, thách thức và còn nhiều việc phải làm.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra tuần trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 6,8 - 7%, phấn đấu trên 7%. Trước đó, tại Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9 về điều hành dự toán ngân sách Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Có thể thấy mục tiêu của Chính phủ đã nhích lên khá nhiều so với mức 6 - 6,5% được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Nhiều động lực từ “cỗ xe tam mã”
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, 8 tháng đầu năm, nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch COVID-19, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Trong “cỗ xe tam mã”, xuất khẩu đã thể hiện vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế những tháng vừa qua và cả giai đoạn sau.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước 8 tháng đã đạt 511,11 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 19,07 tỷ USD.
"Trung bình mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu 250 container, cao hơn khoảng 20% so với năm 2023. Tăng trưởng này sẽ còn lớn hơn mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm", bà Lê Ngọc Mai, Trưởng phòng Kế hoạch, CTCP Woodsland cho hay. Nếu như giai đoạn tháng 4 đến tháng 8 hàng năm là mùa thấp điểm sản xuất đồ gỗ thì năm nay các nhà máy phải hoạt động không ngừng nghỉ để sẵn sàng cung ứng lượng lớn gỗ nội thất phục vụ mùa lễ hội cuối năm tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Không chỉ ngành gỗ đang trên đường về đích 14,2 tỷ USD, dệt may cũng tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu. Các ngành hàng khác như phần cứng, điện tử, máy móc cũng tăng trưởng ấn tượng.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) trong nửa đầu năm, động lực từ xuất khẩu công nghiệp chế biến chế tạo đã góp phần nâng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam lên cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 5% của nửa đầu năm ngoái. Bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cấp cao, WB tại Việt Nam cho biết: "Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu trong nửa đầu năm nay để tăng đơn hàng, nhất là ở các thị trường đối tác thương mại lớn. Sản lượng sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh, đóng góp đến 1/4 tăng trưởng GDP".
Ngoài xuất khẩu, hai nhân tố còn lại của “cỗ xe tam mã” cũng cho thấy nhiều điểm sáng. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Thu ngân sách 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ duy trì đà tăng khá. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, FDI đăng ký mới gần 12 tỷ USD, tăng 27%. Vốn FDI thực hiện khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.
"Chạy nước rút" liệu có thành công?
Không ít chuyên gia, tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên mức 6,5% (trước đó là 6%). Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) điều chỉnh mức tăng trưởng của Việt Nam tăng lên 6,3% năm 2024. Gần đây, WB cũng nâng dự báo kinh tế tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 (trước đó là 5,5%) và 6,5% trong các năm 2025 - 2026.
Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, với diễn biến kinh tế mạnh mẽ trong nửa đầu năm thì tăng trưởng kinh tế rất có thể đạt trên 6% cho cả năm nhờ sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất trong nước. Tuy nhiên có những yếu tố và rủi ro khiến mức tăng trưởng 7% trở nên khó khăn hơn.
“Tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2024 cũng phần nào phản ánh mức tăng trưởng yếu trong nửa đầu năm 2023. Sẽ khó đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong cả năm 2024. Ngoài ra, còn có những rủi ro như xuất khẩu có thể yếu đi, đặc biệt là nếu căng thẳng địa - chính trị gia tăng. Nhiều khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể cản trở khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu sự ổn định tài chính. Bên cạnh đó, nếu lạm phát bất ngờ tăng theo chiều hướng tích cực, có thể gây tổn hại đến tiêu dùng tư nhân”, vị chuyên gia phân tích.
WB trong dự báo của mình về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra một trong những rủi ro chính là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tại những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc.
“Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng”, WB giả định tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến chững lại trong nửa cuối năm, sau khi phục hồi 16,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm và nhu cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại, nhất là tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường bất động sản được nhận định có thể sẽ hồi phục lâu hơn dự kiến, tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị suy giảm. Chưa kể, thiên tai liên quan đến khí hậu gia tăng cũng có thể là một rủi ro tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Xác định còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro, biến động khó lường, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đề xuất các bộ ngành phối hợp chặt với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, cụ thể hóa các nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua đề xuất xây dựng như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Cùng đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; thu hút và sử dụng nhân lực trong, ngoài nước; rà soát, tháo gỡ triệt để, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực đang tồn đọng cho tăng trưởng, phát triển.
Với các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, cần có giải pháp làm mới. Bên cạnh đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chip bán dẫn, AI…
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Trên cơ sở kết quả 8 tháng, Tổng cục thống kê dự báo GDP quý III đạt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ (6,2 - 6,7%) và theo đó tăng trưởng năm 2024 có khả năng đạt được kịch bản phấn đấu của Chính phủ đề ra (6,5 - 7%). Để đạt mục tiêu, nền kinh tế cần được hỗ trợ hơn nữa từ các động lực chính là cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư đặc biệt là đầu tư công. Do đó cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy “cỗ xe tam mã” này.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Kinh tế Việt Nam trong thời gian tới hoàn toàn có thể tăng trưởng lên 6,5%, thậm chí tiệm cận mức 7% vì đang có nhiều động lực và cơ hội tốt để phát triển. Động lực tích cực chủ yếu giúp tăng trưởng kinh tế gồm: tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất nhập khẩu và vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam có hàng loạt động lực thúc đẩy tăng trưởng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, môi trường kinh doanh và cơ chế đặc thù.
Ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới
Trong nửa đầu năm nay nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính.