WTO: Thuế quan gây thiệt hại nhiều nhất cho người nghèo
Báo cáo của WTO chỉ trích điều mà định chế này cho là chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và chống lại thị trường mở...
Thuế quan nhập khẩu có khuynh hướng gây thiệt hại nhiều hơn cho các hộ gia đình thu nhập thấp - Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định trong một báo cáo công bố ngày 9/9, như một sự chỉ trích nhằm vào điều mà định chế này cho là chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và chống lại thị trường mở.
Theo hãng tin Reuters, Tổng giám đốc WTI Ngozi Okonjo-Iweala nói rằng Báo cáo Thương mại Thế giới (World Trade Report) 2024 tái khẳng định vai trò của thương mại trong xóa đói giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng, “trái ngược với quan điểm đang thịnh hành hiện nay” rằng thương mại đang tạo ra một thế giới bất bình đẳng hơn.
WTO nói rằng trên phạm vi toàn cầu, các chính sách hạn chế thương mại thường có tác động lớn hơn rơi vào các hộ gia đình thu nhập thấp, phụ nữ và các công ty nhỏ hơn vốn dĩ có thể đã phải trầy trật vì chi phí cố định trong thương mại gia tăng.
Bản báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch tăng thuế quan áp lên một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện. Canada cũng đưa ra kế hoạch áp thuế lên xe điện nhập khẩu tương tự như Mỹ, và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã triển khai kế hoạch áp thuế xe điện nhập khẩu của riêng mình. Trong khi đó, Trung Quốc đã đáp trả các động thái trên bằng cách mở các cuộc điều tra nhằm vào sản phẩm sữa, thịt lợn và rượu mạnh từ EU, và hạt cải dầu từ Canada.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng cử viên của Đảng Cộng hòa cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng 11 năm nay - đề xuất áp thuế quan 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu và một mức thuế cao hơn nữa đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
ẢNH HƯỞNG TAI HẠI CỦA THUẾ QUAN
WTO khẳng định xét về tổng thể, các hộ gia đình thu nhập thấp phải chịu gánh nặng lớn hơn từ sự gia tăng của hàng rào thuế quan.
Ở Mỹ, hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc hiện được miễn thuế quan chủ yếu được vận chuyển tới các khu vực thu nhập thấp, mang lại lợi ích cho các hộ gia đình nghèo. Trái lại, các hộ gia đình giàu hơn tiêu thụ một tỷ trọng lớn hơn trong hàng hóa nhập khẩu từ các nước thu nhập cao.
Chuyên gia của WTO cho rằng các chính sách bảo hộ có thể thất bại vì những chính sách như vậy thường dẫn tới giá cả hàng hóa trong nước tăng lên, kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm xuống. Chưa kể, bảo hộ thương mại còn có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa gây thiệt hại lớn từ phía các nước đối tác thương mại.
Về mặt chính trị, thuế quan đã cho thấy tính chất khó dỡ bỏ ngay cả khi sự bảo hộ đối với một lĩnh vực nào đó là không cần thiết. Điều này dẫn tới việc giá cả bị “khóa” ở mức cao hơn bình thường.
Báo cáo của WTO cho rằng các công ty đa quốc gia giữ vai trò chủ lực trong việc đa dạng hóa và nâng cấp xuất khẩu tại nhiều nền kinh tế phát triển. “Ví dụ về những nền kinh tế mà ở đó vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia đã dẫn tới sự dịch chuyển trong lợi thế, từ những sản phẩm đòi hỏi kỹ năng tương đối thấp sang những sản phẩm mới đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn, bao gồm Costa Rica, Malaysia Morocco và Việt Nam”, báo cáo viết. “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể giúp đẩy mạnh hiệu suất kinh tế thông qua cải thiện năng suất lao động”.
“Điểm lớn nhất rút ra từ báo cáo này là sự tái khẳng định về vai trò tạo ra sự chuyển biến tích cực của thương mại trong giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng chung. Điểm quan trọng thứ hai là chúng ta còn nhiều việc phải làm để đưa thương mại và WTO mang lại lợi ích lớn hơn cho các nền kinh tế và những người bị tụt lại phía sau trong 30 năm toàn cầu hóa vừa qua”, bà Okonjo-Iweala nói.
Báo cáo của WTO được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc gửi “yêu cầu tham vấn” với Canada tại WTO về mức thuế bổ sung của Canada đối với xe điện và các sản phẩm thép và nhôm từ Trung Quốc.
Theo chân Mỹ, Canada hôm 26/8 áp mức thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc và mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một tuần sau, Trung Quốc đáp trả bằng cách công bố điều tra chống bán phá giá đối với cải dầu từ Canada.
VAI TRÒ RÚT NGẮN CHÊNH LỆCH THU NHẬP CỦA THƯƠNG MẠI
Báo cáo Thương mại Thế giới năm 2024 cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tham gia thương mại và sự thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nền kinh tế.
Từ năm 1996 đến năm 2021, tỷ trọng thương mại cao trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có mối tương quan đáng kể với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, giúp các nước này rút ngắn khoảng cách về GDP bình quân đầu người với các nền kinh tế có thu nhập cao.
Hơn nữa, địa vị thành viên của WTO và tiền thân của định chế này là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) đã thúc đẩy thương mại giữa các thành viên tăng bình quân 140%. Các nền kinh tế trải qua các cuộc đàm phán gia nhập WTO nghiêm ngặt cũng cho thấy mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn 1,5 điểm phần trăm trong thời kỳ gia nhập.
“Phân tích sâu hơn cho thấy việc cắt giảm chi phí thương mại từ năm 1995 đến năm 2020 đã giúp đẩy nhanh 20-35% tốc độ rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình với các nền kinh tế có thu nhập cao”, báo cáo viết.
“Trái ngược với quan niệm thường thấy, báo cáo cho thấy mối tương quan yếu giữa độ mở thương mại và bất bình đẳng thu nhập tại một quốc gia, dựa trên so sánh chỉ số bất bình đẳng Gini năm 2021 và chỉ số độ mở thương mại của 157 nền kinh tế.
Mặc dù tình trạng bất bình đẳng về thu nhập vẫn ở mức cao nhưng việc này không liên quan một cách có hệ thống đến cạnh tranh thương mại và nhập khẩu”, theo WTO.
Báo cáo cũng nêu bật những thách thức liên quan tới thương mại, lưu ý rằng nhiều nền kinh tế có mức độ tham gia thương mại yếu và phụ thuộc nhiều vào hàng hóa cơ bản đã bị tụt lại phía sau.
“Từ năm 1996 đến năm 2021, các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với nền kinh tế có thu nhập cao trung bình - xét về thu nhập bình quân đầu người - chiếm 13% dân số toàn cầu, và chủ yếu là các nước ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông”, báo cáo cho hay.
WTO kêu gọi các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm chi phí thương mại, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và cập nhật quy tắc của WTO để phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ, kỹ thuật số và năng lượng xanh. “Đẩy mạnh hợp tác thương mại quốc tế là điều cần thiết để giải quyết những thách thức đang gia tăng trong các lĩnh vực quan trọng đối với tương lai của thương mại”, báo cáo viết.