Liên thông trong đào tạo: Tìm tiếng nói chung
Trường cao đẳng nghề và trường đại học chưa tìm được tiếng nói chung trong quy đổi tín chỉ, liên thông đào tạo...
Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đều đề cập đến liên thông giữa các trình độ từ thấp đến cao; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học. Tuy nhiên, do chương trình đào tạo khác nhau nên trường cao đẳng nghề và trường đại học chưa tìm được tiếng nói chung trong quy đổi tín chỉ, liên thông đào tạo.
Hai bên đều gặp khó
Trường Cao đẳng Thương mại (Đà Nẵng) đã ký kết hợp tác với một số trường đại học như Trường Đại học Hàng hải, Trường Đại học Sao đỏ, Trường Đại học Việt Trì, trong đó có tổ chức đào tạo liên thông. Thế nhưng, sau 2 - 3 năm ký kết hợp tác, vẫn chưa tuyển sinh được khóa đào tạo liên thông nào.
TS Võ Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại cho biết: “Dù người học có nhu cầu nâng cao trình độ, học lên bậc đại học nhưng mỗi ngành học lại yêu cầu bổ sung kiến thức khác nhau. Rất khó cho trường đại học nếu tổ chức lớp bổ sung kiến thức mà chỉ có vài người học. Ví dụ khi rà soát, đối chiếu các môn học, ở bậc cao đẳng, môn Kinh tế vi mô chỉ có 2 tín chỉ, khi liên thông lên đại học thì cần phải bổ sung thêm 3 tín chỉ nữa. Mà mỗi ngành đào tạo lại có một yêu cầu bổ sung kiến thức khác nhau khi đối chiếu chương trình học”.
Có cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn - Viện trưởng Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin (Đại học Huế) thông tin, khi tổ chức đào tạo liên thông từ cao đẳng nghề nghiệp lên bậc đại học, Viện phải sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học để rà soát, đối chiếu, từ tên môn học, số lượng tín chỉ… để tính toán lượng kiến thức cần bổ sung.
Gần như mỗi học viên sẽ có một danh sách các môn học và số tín chỉ bổ sung khác nhau nên khó để tổ chức chung thành một lớp. Chính vì vậy, những năm gần đây, Viện chưa tổ chức tuyển sinh đào tạo liên thông.
Chưa kể, theo như TS Võ Hồng Sơn, người học tốt nghiệp các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, khi muốn học liên thông lên giáo dục đại học buộc phải thi đầu vào như tuyển sinh đại học chính quy chứ không được sử dụng kết quả quá trình học cao đẳng nghề. Đây cũng là rào cản với người học khi phải “bắt tay làm lại từ đầu”.
Chia sẻ về công tác liên thông tại Đại học Đà Nẵng, TS Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng ban Đào tạo và Kiểm định chất lượng, cho hay, trong những năm gần đây, số lượng thí sinh được đào tạo liên thông rất ít.
Có 2 lý do chính, trước hết số lượng người học đăng ký dự tuyển đào tạo liên thông ở hầu hết ngành đào tạo rất thấp, có thể do người học tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng không có nhu cầu học tiếp lên bậc đại học, hoặc do đa số người học có nguyện vọng học đại học đã vào đại học nhờ việc tuyển sinh vào đại học hiện nay dễ dàng. Hơn nữa, các trường đại học dành một số lượng hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông để đảm bảo chất lượng hệ này.
Cần chuẩn đầu ra thống nhất
Khoản 1 Điều 10 Luật Giáo dục quy định: “Liên thông trong giáo dục là sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định “Liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.
Khi liên thông với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học, quy định hiện nay giao cho các trường đại học tự chủ trong việc quyết định khối lượng kiến thức, học phần được công nhận chuyển đổi, tích lũy dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Theo TS Trần Đình Khôi Quốc, đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng đào tạo liên thông tương tự đào tạo toàn thời gian của mỗi trường đại học.
Để gỡ khó cho người học trong liên thông từ cao đẳng lên trình độ cao hơn, đặc biệt việc công nhận và miễn trừ các tín chỉ đã tích lũy, theo TS Võ Hồng Sơn, từ năm 2022, Trường CĐ Thương mại bắt đầu rà soát chương trình đào tạo của các ngành học, có tham khảo chương trình của các trường đại học.
Còn TS Trương Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định lại cho rằng, công tác đào tạo liên thông trình độ cao đẳng lên đại học đối với ngành Điều dưỡng còn nhiều khó khăn do chất lượng đào tạo không đồng đều, thiếu hụt nguồn lực và trang thiết bị.
Một trong những nguyên nhân là do thiếu liên kết giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo. Vì vậy, trong đào tạo liên thông đối với ngành Điều dưỡng, ngoài đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ, phát triển đội ngũ giảng viên, tăng cường các chính sách hỗ trợ tài chính, cần hoàn thiện khung chương trình đào tạo và tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
PGS.TS Hoàng Bùi Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) kiến nghị bổ sung trình độ cao đẳng vào hệ thống trình độ đào tạo đại học. Điều này phù hợp với mô hình phát triển giáo dục của các nước tiên tiến cũng như chủ trương sáp nhập hệ thống đào tạo nghề trong thời gian sắp tới, tạo điều kiện cho đào tạo liên thông.