Năm 2025 và tương lai của vàng
Giới chuyên gia cho rằng thị trường vàng trong năm 2025 sẽ được đánh dấu bằng sự tương tác phức tạp giữa môi trường rủi ro kinh tế và địa chính trị.
Một năm sóng gió
Năm 2024 giá vàng SJC từ 75 triệu đồng/lượng hồi đầu năm chạm mốc 89 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Nhiều thời điểm trong năm, người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng nóng, buộc cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thực hiện liên tiếp nhiều giải pháp bình ổn. Ban đầu cơ quan này thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối. Từ tháng 4 đến tháng 5, NHNN tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu 48.500 lượng (tương đương 1,82 tấn vàng được cung cấp ra thị trường). Sau đó, từ ngày 3/6 đến 29/10, NHNN tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương 11,46 tấn vàng).
“Vấn đề cốt lõi của thị trường vàng hiện nay nằm ở tư duy quản lý. Chúng ta không thể mãi điều tiết thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính. Nếu muốn ổn định thị trường, Việt Nam cần chấp nhận sự liên thông chặt chẽ với thị trường thế giới, đồng thời áp dụng các biện pháp kinh tế linh hoạt như điều chỉnh thuế nhập khẩu vàng, tăng nguồn cung nội địa và giảm bớt chênh lệch giá trong nước và quốc tế”.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng
Hoạt động mua bán vàng từ giữa năm 2024 bỗng nhiên rơi vào “im ắng”, bởi mua vàng rất khó khăn. Người dân từ chỗ xếp hàng mua vàng thì nay phần lớn đặt mua vàng qua ứng dụng của ngân hàng được cấp phép, mà chưa chắc đã thành công.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, Việt Nam không sản xuất vàng và hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Thị trường vàng nội địa bị tác động bởi những cơn sóng lớn của giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngoài yếu tố nguồn cung, thị trường vàng trong nước còn chịu tác động từ những bất cập trong chính sách quản lý. Nghị định 24/2012/NĐ-CP, được kỳ vọng tạo khung pháp lý ổn định cho thị trường vàng, đã lộ rõ nhiều điểm hạn chế sau hơn một thập kỷ áp dụng. Việc độc quyền nhập khẩu vàng qua NHNN, cùng với việc hạn chế số lượng doanh nghiệp được giao dịch vàng miếng, đã làm giảm tính cạnh tranh và sự minh bạch trên thị trường.
Chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới cũng là một vấn đề lớn. Tại nhiều thời điểm, dù giá vàng thế giới đang giảm mạnh, giá vàng trong nước vẫn duy trì mức cao. Đặc biệt, khi giá vàng thế giới giảm, người dân mua vàng trong nước thường gặp rủi ro lớn vì mức giảm không đồng nhất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu vấn đề trong phiên chất vấn Quốc hội hồi tháng 11/2024: NHNN cần nghiên cứu giải pháp để khuyến khích người dân bán vàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thay vì tích trữ. Vậy làm thế nào để chuyển dòng tiền từ vàng – một tài sản “chết” – vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao hơn như sản xuất, kinh doanh hay khởi nghiệp?
Quốc hội yêu cầu triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghiên cứu, thiết kế các chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng; tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu vàng; ...
Nghị quyết của Quốc hội còn yêu cầu chậm nhất tháng 6/2025, tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Quản lý cần phù hợp với thông lệ quốc tế
Trao đổi về giải pháp ổn định thị trường vàng, ông Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, "điểm nghẽn" của thị trường vàng chính là Nghị định 24/2012/NĐ-CP và cần được tháo gỡ ngay. Hãy trao lại cho thị trường các quyền năng vốn có của nó. Đó chính là cung - cầu, tạo điều kiện nhập khẩu, chế tác...
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật Anvi cho rằng, vàng là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến tỷ giá, lạm phát, nên không thể quản lý như những mặt hàng thông thường. Nói cách khác, không thể để tự do hóa thị trường vàng, mà cần có sự can thiệp của NHNN, nếu không sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Năm 2025, dưới góc nhìn của một số chuyên gia, có nhiều yếu tố tác động lên giá vàng. Trong đó đáng chú ý là tình hình địa chính trị trên thế giới. Còn nhiều căng thẳng ở một số quốc gia Trung Đông, nên nhiều nhà đầu tư vẫn muốn “hầm trú ẩn vàng”.
Chưa kể so với các kênh đầu tư khác, vàng hiện vẫn được xem là kênh đầu tư “sáng”. Trung bình giá vàng tăng không dưới 25% trong một năm, lợi nhuận thu về cao hơn các kênh đầu tư chứng khoán, tiết kiệm… Điều này cho thấy, nhu cầu vàng trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, cần mở cửa thị trường vàng, bỏ quy định độc quyền nhập khẩu vàng, tăng đầu mối được quyền nhập khẩu vàng với cơ chế quản lý, kiểm soát phù hợp. Cần thành lập sàn giao dịch vàng phù hợp quy định quốc tế về tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng bộ máy quản lý sàn giao dịch hợp lý.
Các ngân hàng nên điều tiết lãi suất huy động, phát triển các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán, hoặc hướng dòng tiền đầu tư vào khởi nghiệp, phát triển kinh doanh…
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu vàng, giảm tình trạng đầu cơ, trục lợi.
Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, quản lý thị trường cần có sự linh hoạt và nhạy bén với tình hình quốc tế, nhằm đảm bảo thị trường vàng trong nước không bị ảnh hưởng quá lớn bởi các yếu tố bên ngoài. Các biện pháp giám sát cũng cần thắt chặt để ngăn chặn đầu cơ và bảo vệ quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng một bộ phận tích trữ vàng để đẩy giá và hưởng lợi.
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất: Thứ nhất, giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng. Cụ thể, không nên để độc quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng nhằm liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới. Đồng thời cũng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư tích trữ của người dân.
Ngoài ra, sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn. Cụ thể, cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng. Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Để đảm bảo tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do NHNN phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của NHNN và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.
Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.
Đồng bộ với những bước đi trên, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn.