Xứng danh Đại học Vùng
Trong bối cảnh khoa học - công nghệ đang thay đổi từng ngày, nước ta đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 như: Vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới.... Nắm bắt được xu thế phát triển, Đại học Thái Nguyên đã thay đổi tích cực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và quá trình hội nhập...
Phát huy lợi thế đại học vùng
Cùng với Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) là 1 trong 3 đại học vùng, được thành lập từ năm 1994 theo Nghị định 31/CP của Chính phủ. ĐHTN hiện có trên 3.600 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có trên 2.400 cán bộ giảng dạy, với gần 1.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ; hơn 180 giáo sư, phó giáo sư. Quy mô đào tạo toàn Đại học đạt trên 81 nghìn người học đến từ 42 tỉnh, thành trong cả nước; gần 900 sinh viên quốc tế đến từ hơn 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
ĐHTN đang đào tạo 142 ngành đào tạo trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo; 63 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; 32 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 20 ngành đào tạo chuyên khoa y dược, 4 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Trong đó, có những ngành đặc thù phục vụ phát triển các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, như: Ngành Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (chuyên ngành: dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Nùng); ngành Sư phạm Tiếng H’Mông. Đặc biệt, trong năm 2024, có 3 cơ sở giáo dục thuộc ĐHTN mở ngành đào tạo và tuyển sinh ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)...
ĐHTN đang triển khai 9 chương trình tiên tiến, 15 chương trình đào tạo trọng điểm định hướng chất lượng cao và 20 chương trình dạy học bằng tiếng Anh; 29 chương trình liên kết đào tạo quốc tế trình độ đại học và sau sau học với các nước và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippin, Đài Loan, Nhật Bản; 2 chương trình liên kết đào tạo ngắn hạn với các trường đại học của Trung Quốc...
ĐHTN phấn đấu phát triển một chỉnh thể thống nhất về mục tiêu, sứ mạng và nhiệm vụ chung, để phát huy sức mạnh nội lực, trở thành một bộ phận không tách rời của các địa phương trong vùng và cạnh tranh toàn cầu; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng của đất nước.
Bởi vậy, các chương trình đào tạo, đặc biệt là các ngành trọng điểm của ĐHTN sẽ tiếp cận chương trình đào tạo của các trường đại học có xếp hạng cao của thế giới, gắn với các nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, kiến tạo môi trường học thuật đổi mới và sáng tạo....
Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN, sự thay đổi không ngừng về công nghệ mang đến diện mạo mới cho đất nước, địa phương, trong đó tỷ trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá lớn. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu mới trong tình hình mới, ĐHTN đã xác định phát triển một số ngành đào tạo trọng điểm trình độ đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế; phát triển các ngành đào tạo liên ngành, xuyên ngành và các ngành khoa học cơ bản.
ĐHTN sẽ tiếp tục phát triển các chuyên ngành đào tạo nền tảng nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và kế hoạch của tỉnh Thái Nguyên đề ra đến năm 2030 đào tạo 4.500 lao động phục vụ ngành bán dẫn, công nghệ - thông tin và trí tuệ nhân tạo. - PGS.TS Hoàng Văn Hùng
Nhằm cụ thể hóa định hướng và mục tiêu trên, trong thời gian tới, ĐHTN lựa chọn đào tạo một số ngành trọng điểm thuộc các lĩnh vực: Lĩnh vực Công nghiệp - Công nghệ thông tin, gắn với các sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ trong giải quyết các vấn đề thực tiễn; nông - lâm nghiệp, gắn với công nghệ cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điều khiển và tự động hóa, trải nghiệm tại doanh nghiệp,…; lĩnh vực Công nghệ y sinh, gắn với công nghệ sản xuất thuốc, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong y học, phát triển doanh nghiệp sản xuất dược liệu và các sản phẩm nông nghiệp,…; lĩnh vực khoa học xã hội, ngôn ngữ và văn hóa, gắn với việc phát triển kinh tế vùng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển vùng; lĩnh vực tài nguyên - môi trường, gắn với phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng GPS và viễn thám...
Bên cạnh đó, ĐHTN đẩy mạnh phát triển chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài nhằm triển khai có hiệu quả Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nêu rõ “tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”; xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; hoàn thiện phần mềm quản lý đào tạo chung cho toàn ĐHTN; phát triển chương trình giáo dục khởi nghiệp cho người học; tăng cường nguồn lực đội ngũ giảng viên, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị đào tạo thuộc ĐHTN với Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Hà Giang trong tổ chức và quản lý đào tạo các ngành khi địa phương có nhu cầu...
Với mục tiêu chiến lược và giải pháp đồng bộ, ĐHTN tiếp tục đào tạo sinh viên có thể chất, tinh thần tốt; có trình độ tay nghề cao, khả năng lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề, có những phẩm chất xã hội tốt đẹp; sẵn sàng hòa nhập, thích nghi làm việc trong môi trường đa văn hóa, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Thái Nguyên, khu vực các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và cả nước...