Lầu Năm Góc: Mỹ 'không phản bội' Ukraine
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Putin không phải là cách Mỹ bỏ rơi Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_522_51473350/e727de21ef6f06315f7e.jpg)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (bên phải) tại hội nghị của NATO (ảnh: Reuters)
“Không phản bội”
Phát biểu hôm 13/2 tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels (Bỉ), ông Pete Hegseth – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – bảo vệ quan điểm của ông Trump về nỗ lực ngừng bắn và hướng tới chấm dứt xung đột ở Ukraine.
“Chắc chắn đó không phải sự phản bội”, ông Hegseth nói, nhấn mạnh rằng Mỹ đã viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine.
“Không có quốc gia nào, như Tổng thống Trump đã chỉ ra, cam kết hỗ trợ Ukraine nhiều như Mỹ. Với 300 tỷ USD viện trợ để Ukraine ổn định tiền tuyến trong chiến dịch quân sự của Nga”, ông Hegseth nói.
“Không có sự phản bội nào ở đây, chỉ có sự công nhận rằng, toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ, đều quan tâm đến hòa bình cho Ukraine. Hòa bình có được thông qua đàm phán. Như Tổng thống Trump đã nói: ‘Ngừng chết chóc’”, ông Hegseth nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 12/2, Tổng thống Mỹ Trump cho biết, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin về tình hình xung đột ở Ukraine. Trong cuộc điện đàm, 2 nhà lãnh đạo nhất trí quan điểm cần nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine và khởi động tiến trình đàm phán.
Ngay sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump đã nhấc máy gọi cho Tổng thống Ukraine Zelensky. Theo các tuyên bố từ Kiev, ông Zelensky cũng ủng hộ đàm phán “ngay lập tức”.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_522_51473350/42ec78ea49a4a0faf9b5.jpg)
Ông Zelensky lo Kiev bị loại khỏi các cuộc đàm phán (ảnh: CNN)
Không thể loại bỏ Kiev
Phát biểu với các phóng viên hôm 13/2, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận song phương nào giữa Nga – Mỹ về Ukraine mà không có sự tham gia của Ukraine.
Ông Zelensky cũng kêu gọi các nước châu Âu cùng ngồi vào bàn đàm phán.
“Điều quan trọng là không để mọi thứ diễn ra theo kế hoạch của Nga. Họ muốn biến cuộc đàm phán này thành vấn đề song phương với Mỹ”, ông Zelensky nói.
Ông Zelensky tiết lộ, trong cuộc điện đàm hôm 12/2 với ông Trump, có 2 vấn đề không được nhắc tới là tư cách thành viên NATO của Ukraine và bầu cử tổng thống ở Ukraine.
Cùng ngày 13/2, trả lời phòng vấn của Le Monde (báo Pháp), Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho rằng, Ukraine và châu Âu không nên bị loại khỏi bàn đàm phán về tình hình Ukraine.
“Không thể đàm phán bất cứ điều gì về Ukraine mà không có sự tham gia của Ukraine, hoặc thảo luận về châu Âu mà không có các đại diện từ châu Âu”, ông Sybiha nói.
Theo ông Sybiha, để Ukraine gia nhập NATO vẫn là cách tốt nhất nhằm bảo đảm an ninh của nước này.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_522_51473350/45c378c5498ba0d5f99a.jpg)
Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở Pokrovsk (ảnh: Reuters)
Châu Âu không ủng hộ ông Trump?
Hành động quyết đoán về Ukraine của chính quyền ông Trump khiến châu Âu “bàng hoàng”, theo Reuters.
Bà Kaja Kallas, lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU, hôm 13/2 cho biết, EU sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine nếu nước này phản đối các điều khoản bị Nga và Mỹ áp đặt.
Bà Kallas cho biết, EU và Ukraine cần tham gia vào các cuộc đàm phán và sẽ là “không hay” nếu Mỹ, Ukraine nhượng bộ tất cả các yêu cầu từ phía Nga.
Đồng quan điểm này, Thủ tướng Đức Scholz hôm 13/2 cho biết, sẽ không có hòa bình “bị áp đặt” ở Ukraine.
“Đối với tôi, rõ ràng là không có giải pháp nào mà không có sự tham gia của Mỹ. Nhiệm vụ tiếp theo là đảm bảo rằng, không có hòa bình bị áp đặt ở Ukraine”, ông Scholz nói.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng, Mỹ không nên nhượng bộ Nga và “sẽ tốt hơn” nếu thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập NATO.
Hôm 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho rằng, không nên có “hòa bình thông qua sự yếu đuối” khi tìm cách giải quyết xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey nêu quan điểm Ukraine phải là “trung tâm của các cuộc đàm phán”.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa họ đến vị thế tốt nhất để bảo đảm hòa bình lâu dài thông qua sức mạnh”, ông Healey nói.