Lành mạnh hoạt động dạy thêm, học thêm: Hướng tới giá trị tốt đẹp
Để lành mạnh hoạt động dạy thêm, học thêm, việc ban hành Thông tư 29 cần thiết, nhưng chỉ là giải pháp ban đầu...
![Giờ ôn tập của học sinh lớp 12C1, Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_181_51476327/e4c57e1f4c51a50ffc40.jpg)
Giờ ôn tập của học sinh lớp 12C1, Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh minh họa.
"Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm mới với nhiều trường, nhưng không mới với chúng tôi. Việc chỉ tổ chức dạy thêm cho 3 nhóm học sinh (yếu, giỏi, cuối cấp) và không thu phí là hoạt động bình thường được nhà trường thực hiện bao năm nay. Thậm chí, dù dạy tăng cường miễn phí, thầy cô vẫn phải vận động để các em đi học”.
Đây là chia sẻ của hiệu trưởng một trường vùng khó tỉnh Lai Châu. Trước luồng ý kiến băn khoăn, lo ngại quy định mới khiến giáo viên mất đi một nguồn thu nhập, lời kể của thầy quả thực rất đáng suy nghĩ.
Nhiều năm nay, chúng ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh những học sinh với khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi, quá tải vì “chạy sô” đủ các lớp học thêm. Trò “chạy xô” học, thầy cô “chạy xô” dạy; thậm chí có hiện tượng quan tâm đến dạy thêm, học thêm hơn cả dạy và học chính khóa trên lớp. Tâm lý ỷ lại “đã có học thêm” dẫn đến cả thầy và trò chủ quan, lơ là, buông lỏng, không tập trung hết sức lực cho việc dạy và học chính khóa; và lẽ ra phải đóng “vai chính” thì có lớp, trường, dạy học chính khóa dần lùi thành “vai phụ”, nhường chỗ cho dạy - học thêm.
Không chỉ tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục, sự lệch lạc này còn ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh nhà giáo khi một bộ phận thầy cô vì quyền lợi, thu nhập mà tìm cách để ép học trò học thêm… Bối cảnh mà tiêu cực dạy thêm, học thêm đã trở thành vấn nạn trong ngành Giáo dục, thì sự nắn chỉnh mạnh mẽ như Thông tư 29 là cần thiết.
Thông tư 29 không cấm dạy học thêm mà chỉ cấm dạy học thêm có thu tiền trong nhà trường, cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền với học sinh của mình trên lớp. Điều này nhằm bảo đảm thầy cô toàn tâm, toàn ý thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và chương trình môn học; bảo đảm lợi ích học sinh và giữ gìn hình ảnh, sự tôn nghiêm của nhà giáo. Bởi về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Giáo viên vẫn được dạy thêm ngoài nhà trường và Thông tư quy định cụ thể nội dung này để thầy cô được đàng hoàng dạy thêm, có nguồn thu nhập minh bạch từ lao động chính đáng. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, những gì Thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới là vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp.
Để lành mạnh hoạt động dạy thêm, học thêm, việc ban hành Thông tư 29 cần thiết, nhưng chỉ là giải pháp ban đầu. Cùng đồng hành còn cần những thay đổi trong phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá…, làm sao để không cần học thêm, học sinh vẫn sẽ vượt qua các kỳ thi, tuyển sinh.
Quan trọng hơn nữa là thay đổi về nhận thức, xóa bỏ được bệnh thành tích trong giáo dục; coi trọng phát huy ở học sinh năng lực tự học; nâng cao sự tự tôn, tự trọng của mỗi nhà giáo. Có những chính sách quan tâm đến đời sống để thầy cô yên tâm công tác cũng là một giải pháp quan trọng cho vấn đề này.