Làm sáng tỏ tầm vóc quốc tế của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Các tham luận tại hội thảo là cơ sở để Việt Nam, Hưng Yên và Hà Tĩnh phát huy hơn nữa di sản Đại danh y để lại, góp phần nâng tầm văn hóa đất nước trên trường quốc tế.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Sáng 20/12, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ, GS.TS Lê Gia Vinh Chủ tịch Hội hình thái học Việt Nam và PGS.TS Biện Minh Điền - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh (Nghệ An) chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Hưng Yên, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài.

Về phía Hà Tĩnh, có Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cùng dự.

 Chủ trì điều hành hội thảo.

Chủ trì điều hành hội thảo.

Xứng tầm danh nhân được UNESCO vinh danh

Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ vui mừng khi tỉnh Hưng Yên, Hà Tĩnh và các bộ, ban, ngành, đơn vị đã phối hợp tổ chức một hội thảo ý nghĩa. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ niềm tự hào khi ngày 21/11/2023, Đại hội đồng Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) họp lần thứ 42 tại Paris, đã thông qua Nghị quyết vinh danh và tham gia kỷ niệm các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử thế giới” niên khóa 2024-2025, trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Lê Hữu Trác (Hiệu: Hải Thượng Lãn Ông) là con của Thị lang Bộ Công, Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và bà Bùi Thị Thưởng người làng Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Hai vùng quê có bề dày lịch sử, văn hiến và dòng tộc Lê Hữu ở quê hương Liêu Xá nổi tiếng “danh gia vọng tộc”, có truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt cao đã góp phần hun đúc nên tâm hồn, trí tuệ, tài năng và nhân cách vĩ đại của Lê Hữu Trác. Tầm vóc danh nhân và giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (qua hồ sơ khoa học do ban soạn thảo thực hiện) có sức thuyết phục đặc biệt đối với bạn bè quốc tế và Đại hội đồng UNESCO khóa 42, thể hiện rõ qua những nội dung cơ bản, cốt lõi như: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa mang tầm vóc quốc tế, xứng đáng được nhân loại tôn vinh, là bậc Đại danh y, ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam, là người thầy thuốc đồng thời là thầy giáo hết lòng vì dân, vì sự sống và sự tiến bộ của con người. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa có ảnh hưởng tích cực và sức truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới thông qua khối di sản lớn, đặc biệt là bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh với nhiều giá trị vượt thời gian.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị hội thảo tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị mang tầm vóc quốc tế của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thông qua con người và di sản Đại danh y để lại. Qua đó, phát huy giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và góp phần xây dựng quê hương đất nước.

 Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa trình bày đề dẫn hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa trình bày đề dẫn hội thảo.

Trình bày đề dẫn hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nêu rõ: Thực hiện cam kết với Tổ chức UNESCO, đồng thời trên tinh thần tôn vinh, tri ân, học tập, tiếp thu và phát huy giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong thời đại ngày nay, Hội thảo khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” nhằm công bố rộng rãi việc UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024). Đồng thời khởi tạo bầu không khí tinh thần mới trong tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận và phát huy giá trị di sản văn hóa của danh nhân.

Đây cũng là dịp nhìn lại lịch sử tiếp nhận và công bố những nghiên cứu mới, qua đó, góp phần khai mở hướng tiếp cận mới về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với tư cách là danh nhân đã được UNESCO vinh danh. Hội thảo cũng nhằm xác định trách nhiệm của hậu thế trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã tạo lập.

 Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài.

Tiếp tục phát huy hơn nữa di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hội thảo khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” đã nhận được gần 100 tham luận gửi đến từ nhiều nơi ở trong nước và ngoài nước.

Tại hội thảo đã có 10 tham luận trình bày, thể hiện những quan tâm, tìm tòi, khám phá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong nước và trên thế giới đối với cuộc đời, sự nghiệp và di sản to lớn mà Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại cho đời sau.

 Ông Richard Okai larmie tham luận thay TS. Ann Bates (Royal London Hospital) & A. W. Bates (Royal Free Hospital, London) với chủ đề "Lãn Ông Lê Hữu Trác và truyền thống y học Việt Nam".

Ông Richard Okai larmie tham luận thay TS. Ann Bates (Royal London Hospital) & A. W. Bates (Royal Free Hospital, London) với chủ đề "Lãn Ông Lê Hữu Trác và truyền thống y học Việt Nam".

Các tham luận tập trung làm rõ các nội dung chính: Những vấn đề khái quát về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, trước tác và dịch thuật tác phẩm của danh nhân; vấn đề thân thế, sự nghiệp, quê hương và thời đại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác danh y, danh nhân và giá trị di sản; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong thời đại ngày nay.

 Tiến sỹ Trang Thu Quân (Trung Quốc) tham luận với chủ đề "Lược thuật các công trình nghiên cứu về Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh Toàn Trật" tại Trung quốc".

Tiến sỹ Trang Thu Quân (Trung Quốc) tham luận với chủ đề "Lược thuật các công trình nghiên cứu về Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh Toàn Trật" tại Trung quốc".

Các tham luận tiêu biểu được trình bày tại hội thảo gồm:

1. Y khoa hiện đại học gì từ những Di sản của Hải Thượng Lãn Ông.
2. Lược thuật các công trình nghiên cứu về Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh Toàn Trật tại Trung quốc.
3. Dịch thuật và nghiên cứu về Lê Hữu Trác, nhìn dưới góc độ mỹ học tiếp nhận.
4. Lãn Ông Lê Hữu Trác và truyền thống y học Việt Nam.
5. Kiểu tác giả văn sĩ - nho sĩ - thầy thuốc Lê Hữu Trác trong “Thượng kinh ký sự”.
6. Nghiên cứu so sánh định lượng thư tịch Y học cổ các nước khu vực đồng văn.
7. Khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua sự kiện UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân Văn hóa và sự trở mình của nền y học cổ truyền nước nhà.
8. Di sản văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đại danh y - Danh nhân văn hóa thế giới.
9. Quá trình tu bổ tôn tạo quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn, Hà Tĩnh (2004–2013).
10. Tư liệu mới phát hiện về Tham đốc Tình Quận công và và gia đình Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác qua gia phả dòng họ Lê Hữu tại Hương Sơn, Hà Tĩnh.

 GS.TS. Thiếu tướng Lê Năm (Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác) tham luận với chủ đề: "Quá trình tu bổ tôn tạo quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn, Hà Tĩnh (2004–2013)".

GS.TS. Thiếu tướng Lê Năm (Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác) tham luận với chủ đề: "Quá trình tu bổ tôn tạo quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn, Hà Tĩnh (2004–2013)".

Bế mạc, tổng kết hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thay mặt ban chủ trì bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn tới các đại biểu ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã dành sự quan tâm tham dự và phát biểu tại hội thảo. Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024).

 Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng tổng kết, bế mạc hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng tổng kết, bế mạc hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh, hội thảo đã khẳng định, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa kiệt xuất, có nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà, vươn tầm thế giới, vươn tầm thời đại. Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - người hội đủ các yếu tố của: Nhà văn hóa, Nhà giáo, Nhà tư tưởng, nhà Triết học, Nho sỹ, Văn học, Danh y - Người thầy thuốc hết lòng vì Nhân dân. Tư tưởng y học của ông đề cao y đức, thể hiện tinh thần thương người như thể thương thân, lấy mục tiêu trị bệnh, cứu người, bảo vệ sức khỏe, sự sống của con người với sự khổ học, tự học là tối thượng của y học, là trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc.

Với các di sản Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông để lại, chúng ta vô cùng tự hào, tìm thấy sự tương đồng giữa Hải Thượng với nhiều danh y nổi tiếng của thế giới, của Hy Lạp Hi - pô - cờ - rát và các danh y nổi tiếng của Trung Quốc Tôn Tư Mạc, Lý Thời Trân.

Hội thảo khẳng định giá trị trường tồn của bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm lĩnh”, chắt lọc những tinh hoa và thành tựu của nền y học cổ truyền dân tộc. Bộ sách được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dày công nghiên cứu, biên soạn trong hơn 10 năm, được xem là “Bách khoa thư y học cổ truyền Việt Nam”, chứa đựng giá trị trên nhiều phương diện.

Tư tưởng, di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mang tầm ảnh hưởng lớn, có sức lan tỏa sâu rộng, trường tồn mãi với thời gian. Hội thảo đã làm nổi bật công lao đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác kết nối, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, di sản của ông mang giá trị định hướng việc giao lưu văn hóa, hợp tác khoa học giữa các quốc gia, nhất là trong lĩnh vực y - dược học cổ truyền. Quan điểm, tư tưởng và ứng xử vượt tầm thời đại của Hải Thượng Lãn Ông trong cuộc đời chữa bệnh cứu người cũng đồng nhất với sứ mệnh của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO), trong đó lấy văn hóa, khoa học là cầu nối, kết nối vì sự tiến bộ chung của nhân loại.

Qua hội thảo, mối quan hệ giữa hai dòng của hai vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng Hưng Yên - Hà Tĩnh được thể hiện rõ. Nhiều tham luận đã làm rõ hơn lịch sử dòng họ Lê ở Hưng Yên, dòng họ Bùi ở Hà Tĩnh; mối quan hệ “thông gia” giữa hai dòng họ ở hai vùng đất văn hóa, cách mạng, là cội nguồn sinh thành, dưỡng dục nên một Đại danh y kiệt xuất.

Đặc biệt, hội thảo đã đề ra hướng đi mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Lê Hữu Trác; gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như:số hóa di sản Hải Thượng Lãn Ông; xây dựng bảo tàng và không gian văn hóa Lê Hữu Trác gắn với quảng bá, giới thiệu những thành tựu nổi bật của Đại danh y, tạo cơ sở để ứng dụng y học cổ truyền vào y học hiện đại; dịch thuật và chuyển ngữ các công trình của Hải Thượng Lãn Ông sang nhiều ngôn ngữ nhằm giới thiệu, quảng bá những thành tựu của nền y học Việt Nam cho thế giới.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: Sự thành công của hội thảo thêm một lần nữa khẳng định tầm vóc nhân loại về con người và di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Kết quả hội thảo không chỉ có nhiều giá trị khoa học lịch sử mà có giá trị thực tiễn sâu sắc, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, góp phần lan tỏa tư tưởng và di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đến với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/lam-sang-to-tam-voc-quoc-te-cua-hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-post279435.html
Zalo