Người trẻ 'giữ lửa' văn hóa truyền thống
Giữa dòng chảy của hội nhập và toàn cầu hóa, sự phát triển chóng mặt của công nghệ đã, đang và sẽ có nguy cơ 'xâm lấn' những giá trị văn hóa truyền thống vốn là hồn cốt của một quốc gia, dân tộc. Vì vậy, vai trò của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng.
Mỗi thanh niên là một sứ giả văn hóa
Tối thứ 7 hằng tuần, tiếng hát then đằm thắm, mượt mà, tiếng đàn tính trầm bổng của thành viên câu lạc bộ (CLB) hát then của xóm Bản Nưa, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) lại vang lên. CLB được thành lập từ năm 2017 và hiện có 40 thành viên, do chị Hà Thị Hương Nhài, Phó Bí thư đoàn xã (sinh năm 2001), làm chủ nhiệm.
Chị Hà Thị Hương Nhài: "Trong guồng quay cuộc sống hiện đại, tôi nhận thấy, nhiều người trẻ không còn mặn mà với những câu hát, điệu múa của dân tộc mình nếu không tìm cách gìn giữ và bảo tồn. Với niềm trăn trở đó, tôi đã về địa phương, tham gia và duy trì CLB hát then để tiếp nối niềm đam mê, tình yêu nghệ thuật hát then, đàn tính và lan tỏa trong thế hệ của mình".
Thành viên của CLB đủ các lứa tuổi, nhỏ nhất là 14, lớn nhất là gần 70 tuổi. Tất cả họ đều có mong muốn cùng khơi dậy đam mê, gìn giữ để văn hóa dân tộc Tày không bị mai một. Nhiều thành viên thường xuyên tham gia các liên hoan nghệ thuật quần chúng, các dịp lễ, hội do huyện tổ chức, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả và du khách gần xa.
Còn anh Bàn Văn Linh, người dân tộc Dao ở xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông (Đại Từ), đã giới thiệu văn hóa dân tộc Dao tới các du khách từ mọi miền đất nước tại mô hình khu du lịch sinh thái Cửa Tử Homestay do mình làm chủ. Anh khéo léo lồng ghép những nét văn hóa của người Dao bằng các hoạt động trải nghiệm tại nhà người dân bản địa như giới thiệu về chữ viết, trang phục, ẩm thực... Đồng thời, thành lập một đội văn nghệ với 18 thành viên, đều là người địa phương trình diễn các điệu múa được sân khấu hóa từ những nghi lễ truyền thống cấp sắc hay Tết Nhảy để giới thiệu đến du khách.
Anh Bàn Văn Linh: Tôi muốn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa này, gắn với du lịch văn hóa sinh thái, tâm linh của địa phương. Trung bình mỗi năm, chúng tôi giới thiệu văn hóa dân tộc Dao tới hơn 1.200 du khách trong và ngoài nước.
Chị Hà Thị Hương Nhài và anh Bàn Văn Linh đều là những người trẻ. Với tình yêu, sự đam mê và tâm huyết, sáng tạo, họ đã và đang từng bước biến di sản văn hóa thành nguồn cảm hứng; đánh thức sức sống, sự độc đáo của văn hóa dân tộc trong thế hệ mình, lan tỏa trong cộng đồng mình.
Bảo tồn, phát huy di sản bằng công nghệ số
Xác định giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tiên phong, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng và gắn mã QR tại hầu hết các địa chỉ đỏ, điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là mới đây, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã khánh thành công trình thanh niên số hóa Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). Việc số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh về khu di tích lịch sử bằng công nghệ VR360 mang đến trải nghiệm sinh động, chân thực nhất cho phép người sử dụng nhanh chóng tiếp cận các thông tin, hình ảnh các điểm cảnh và toàn cảnh của khu di tích. Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên, trong thời gian tới sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh.
Có thể thấy rằng thanh niên trên địa bàn tỉnh hiện nay đang dành nhiều sự quan tâm hơn đến các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng làm sao để thực sự lưu giữ lại bản sắc trong khi vẫn có thể lan tỏa những giá trị này theo một cách sáng tạo, gần gũi đòi hỏi sự nghiêm túc và niềm đam mê ở trong mỗi người trẻ.
Bởi hơn hết, với tình yêu lớn lao dành cho văn hóa truyền thống dân tộc, họ đang ngày ngày thổi một làn gió mới đầy năng động, trẻ trung, nhiệt huyết, góp một phần công sức của mình để những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc được lan tỏa và biết tới nhiều hơn nữa.