Giá trị của 'đạo hiếu' trong đời sống Đạo
Với sự từ bi, nhân ái, triết lý nhân sinh cao cả và nhân văn sâu sắc, đạo hiếu trong Phật giáo rất gần gũi với đạo hiếu truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tác giả: Ths Triết học Lê Minh Phong
Khoa Lý luận Cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa
Dẫn nhập
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Tư tưởng Phật giáo chứa đựng nhiều quan điểm triết học sâu sắc, Phật giáo khuyến khích con người hướng đến sự tỉnh thức, lòng từ bi và trí tuệ trong đời sống hàng ngày. Trải qua hơn 2.500 năm hình thành và phát triển, những tư tưởng đó đã góp phần tạo nên nhiều giá trị văn hóa và tinh thần phong phú cho nhân loại trong đó có quan niệm về đạo hiếu.
Đạo hiếu trong Phật giáo là một giá trị đạo đức cốt lõi, nhấn mạnh lòng biết ơn và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Phật giáo không chỉ xem hiếu đạo là bổn phận mà còn là một phần của con đường tu tập, góp phần nuôi dưỡng lòng từ bi và trí tuệ. Tinh thần hiếu thảo trong giáo lý nhà Phật được thể hiện qua nhiều kinh điển, như Kinh Vu Lan Bồn, nơi đức Phật dạy về cách báo hiếu cha mẹ không chỉ qua hành động mà còn qua sự giác ngộ và tu hành đúng chính pháp. Đạo hiếu vì thế không chỉ hướng tới gia đình mà còn mở rộng tới tất cả chúng sinh, khuyến khích lối sống từ bi và hài hòa góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
1. Nghĩa của “Đạo hiếu” trong Phật giáo
Khi nghiên cứu Phật giáo, chúng ta phải thừa nhận rằng đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến hiếu hạnh và làm thế nào để báo đáp hiếu hạnh có hiệu quả cao và công đức lớn. Các kinh điển Phật giáo dạy về hiếu hạnh có thể kể đến:
Kinh Vu-lan-bồn nêu gương hiếu hạnh của đức Mục-kiền-liên, cứu thoát mẹ ra khỏi cảnh giới u minh, nhờ vào đạo đức tập thể của các bậc cao tăng và a-la-hán. Kinh Báo Ân Cha Mẹ nói rõ công lao sinh thành, nuôi dưỡng khó khăn của cha mẹ, theo đó dạy cách báo đáp công ơn trời biển đó.
Kinh Thai Cốt và Kinh Huyết Bồn cũng có nội dung tương tự như hai kinh trên nhưng đặc biệt nhấn mạnh công đức của cha mẹ.
Kinh Hiếu Tử dạy về các phương thức báo hiếu.
Kinh Tâm Ðịa Quán với phẩm thứ hai là phẩm báo ân, dạy cách đền ơn cha mẹ của người xuất gia và người tại gia.
Kinh Ðại Phương Tiện Phật Báo Ân có đến hai phẩm nói về hiếu hạnh của Phật và Bồ tát trong các đời sống quá khứ.
Kinh Ðịa Tạng kể về hiếu hạnh của Bồ tát Ðịa Tạng và thông qua đó hướng dẫn cách đền ơn cha mẹ ở hiện đời cũng như các đời sống quá khứ.
Kinh Sám Pháp MụcKiền Liên dạy về cách sám hối và hướng dẫn cha mẹ về chính pháp của đức Phật.
Kinh Thiện Sinh hay Giáo thọ Thi-ca-la-việt (thuộc kinh điển Pali) dạy về đời sống và các mối quan hệ đạo đức của xã hội loài người, trong đó có đề cập đến năm nguyên tắc đạo đức của các bậc cha mẹ đối với con cái và năm nguyên tắc đạo đức của con cái đối với cha mẹ.
Ngoài ra, những lời dạy về hiếu hạnh cũng được đề cập trong kinh Tăng Chi thuộc kinh tạng Pali và nhiều kinh sách khác nhắc đến chữ Hiếu ở nhiều góc độ khác nhau.
Phật giáo quan niệm về “Đạo Hiếu” rằng Hiếu là hiếu kính, hiếu thuận, hiếu dưỡng. Đạo là lẽ tất nhiên, hoặc là con đường mà nhất định phải đi qua. Hợp cả hai lại: Đạo Hiếu là chính đạo mà người con, người đệ tử đối với cha mẹ, sư trưởng... đều cung kính, thuận theo, cúng dàng, phụng dưỡng. Người con phải cung kính, thuận theo lời cha mẹ, phụng dưỡng khi người sống, cúng dường khi người mất đi, đấy chính là đạo hiếu. Nội hàm quan niệm đạo hiếu của Phật giáo rất phong phú. Tuy nhiên, qua đối tượng mà đạo hiếu hướng tới ta có thể nhận thức vấn đề này dưới hai khía cạnh.
Đạo hiếu theo nghĩa hẹp là phụng dưỡng cha mẹ, cung kính cha mẹ trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Đạo hiếu theo nghĩa hẹp chỉ dừng ở việc báo hiếu cha mẹ về vật chất, tinh thần ở hiện thời mà chưa có hiếu dưỡng đến cha mẹ trong ba đời, chưa mở rộng hiếu dưỡng với chúng sinh khác.
Đạo hiếu theo nghĩa rộng là thực hành đạo hiếu không những báo ân cha mẹ mà còn mở rộng báo ân cha mẹ mọi người trong thiên hạ, đạo hiếu mà Phật giáo đề cập tới sự báo ân cha mẹ không chỉ trong đời này mà trong ba đời, bảy đời thuộc quá khứ, rộng đến chúng sinh khắp nơi vì tất cả chúng sinh có thể là cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp của mình, có mối liên hệ gắn bó với nhau.
2. Biểu hiện của “Đạo hiếu” trong Phật giáo
Đạo hiếu trong Phật giáo không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách để phát triển tâm từ bi, yêu thương và hòa hợp với mọi người. Đối tượng của đạo hiếu trong Phật giáo không chỉ là cha mẹ mà còn rộng mở với nhiều đối tượng khác. Đạo hiếu trong Phật giáo mang ý nghĩa bao quát, đề cập đến “Tứ Ân”: Ân cha mẹ: Là ơn sinh thành, dưỡng dục. Ân thầy cô: Là ơn người đã dạy dỗ, mang lại kiến thức cho ta. Ân quốc gia xã hội: Là ơn đảm bảo cho chúng ta có cuộc sống ấm no, hòa bình, ổn định. Ân chúng sinh đồng bào: Là ơn những người sản xuất ra của cải vật chất giúp chúng ta tồn tại.
Tại sao đạo Phật lại đề cập đến những ân đức này? Đó là vì con người không thể tồn tại như một cá nhân đơn lẻ mà ngược lại con người sống cần có cộng đồng xã hội, cần có sự gắn kết giữa các cá nhân trong các mối quan hệ xã hội. Con người sống ở đời, ngoài sự nuôi dưỡng của cha mẹ vẫn cần sự khích lệ của bạn bè thân thuộc, cần sự hợp tác, giúp đỡ của mọi người.
Đối với cha mẹ: đây là đối tượng quan trọng nhất trong đạo hiếu. Trong Phật giáo, cha mẹ không chỉ là người sinh ra mà còn là người có công lớn trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Người Phật tử được khuyến khích thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, tôn kính cha mẹ qua những hành động cụ thể như chăm sóc sức khỏe, lắng nghe tâm tư của cha mẹ và cố gắng làm cho họ hạnh phúc. Việc báo đáp công ơn cha mẹ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách thể hiện lòng biết ơn sâu sắc.
Đối với tổ tiên: tôn kính tổ tiên là một phần quan trọng trong đạo hiếu. Người Phật tử thường thực hiện các nghi lễ cúng dàng và tưởng nhớ tổ tiên, nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã đi trước, đã xây dựng và gìn giữ truyền thống gia đình. Việc này không chỉ giúp củng cố mối liên kết giữa các thế hệ mà còn nhắc nhở người trẻ về nguồn gốc và truyền thống văn hóa của mình.
Đối với người thầy: trong đạo Phật, người thầy được xem như một người dẫn dắt, truyền đạt trí tuệ và giáo lý. Tôn trọng và biết ơn người thầy không chỉ thể hiện qua việc lắng nghe, học hỏi mà còn là hành động thực hành những điều được dạy. Người học trò có trách nhiệm phải thể hiện sự kính trọng, chăm sóc và hỗ trợ người thầy, đặc biệt khi người thầy gặp khó khăn.
Đối với người lớn tuổi: tôn trọng những người lớn tuổi trong cộng đồng là một phần không thể thiếu trong đạo hiếu. Người Phật tử được khuyến khích thể hiện sự quan tâm và chăm sóc đối với những người cao tuổi, như là cách để ghi nhận và tôn vinh những kinh nghiệm và trí tuệ mà họ đã tích lũy qua năm tháng. Điều này không chỉ góp phần tạo nên một xã hội hòa thuận mà còn mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống.
Đối với tất cả chúng sinh: một khía cạnh đặc biệt của đạo hiếu trong Phật giáo là mở rộng lòng từ bi đến tất cả chúng sinh. Điều này nhấn mạnh rằng hiếu kính không chỉ giới hạn trong gia đình mà còn bao gồm mọi người xung quanh. Hành động sống từ bi, giúp đỡ những người gặp khó khăn, thể hiện sự sẻ chia và yêu thương với tất cả mọi người là cách mà người Phật tử thực hành đạo hiếu.
3. Giá trị của “Đạo hiếu” trong đời sống hiện nay
Đạo hiếu trong Phật giáo có vai trò quan trọng trong đời sống, góp phần dựng xây và phát triển xã hội đề cao tinh thần từ bi, hòa ái và bao dung. Đạo hiếu trong Phật giáo thể hiện những giá trị:
Góp phần củng cố nền tảng đạo đức gia đình: gia đình được xem là “tế bào của xã hội,” nơi hình thành và nuôi dưỡng các giá trị đạo đức. Khi mỗi cá nhân sống hiếu thảo, gia đình sẽ trở thành môi trường hòa thuận, yêu thương và gắn kết. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều gia đình đang phải đối mặt với sự thiếu gắn kết giữa các thế hệ do áp lực kinh tế và xu hướng sống độc lập. Đạo hiếu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ bền chặt và sự hòa hợp trong gia đình. Đạo hiếu trong Phật giáo nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc rèn luyện con người, đặc biệt là thông qua mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Điều này giúp định hình nhân cách và đạo đức của các thế hệ trẻ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Tăng cường trách nhiệm đối với đấng sinh thành: Đạo hiếu trong Phật giáo bắt nguồn từ tư tưởng tôn vinh công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Theo quan niệm Phật giáo, cha mẹ không chỉ là người ban cho con cái cuộc sống mà còn là hai vị “Phật sống” gần gũi nhất mà mỗi người cần biết ơn vàphụng dưỡng. Trong kinh Vu Lan, Đức Phật dạy rằng hiếu thảo là một trong những con đường tu tập quan trọng nhất để tích lũy công đức. Việc chăm sóc cha mẹ không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách thực hành từ bi và lòng tri ân trong đời sống thường ngày.
Hạn chế sự suy thoái về đạo đức: sự phát triển kinh tế và xã hội hiện đại mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc và giá trị gia đình, làm xuất hiện các vấn đề suy thoái đạo đức như bạo lực gia đình, vô cảm và bất hiếu. Đạo hiếu trong Phật giáo như một kim chỉ nam, giúp con người quay về với những giá trị cốt lõi, đặc biệt là lòng biết ơn và sự trân trọng đối với cha mẹ. Việc nhấn mạnh bổn phận chăm sóc cha mẹ không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng bỏ rơi người già, mà còn hạn chế các xung đột trong gia đình. Đồng thời, giáo lý này cũng giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của các thế hệ trẻ, định hình những hành vi đúng đắn trong quan hệ gia đình và xã hội.
Góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái: đạo hiếu trong Phật giáo không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn mở rộng ra toàn xã hội, thông qua các giá trị từ bi và nhân ái. Người sống hiếu thảo thường có ý thức sâu sắc về lòng biết ơn và trách nhiệm đối với cộng đồng. Điều này thể hiện qua việc sẵn sàng giúp đỡ những người già neo đơn, người gặp khó khăn, coi đó như một cách thực hành đạo hiếu đối với “những người cha, người mẹ khác” trong xã hội.
Các lễ hội truyền thống như Vu Lan báo hiếu cũng là dịp để cộng đồng nâng cao ý thức đạo đức, thúc đẩy lòng nhân ái và đoàn kết. Đây là những giá trị cốt lõi giúp xây dựng một xã hội Việt Nam nhân văn, hài hòa và đầy tình yêu thương.
Thay lời kết
Đạo hiếu trong Phật giáo được tiếp cận dưới nhiều góc độ nhưng tựu chung lại đều đề cao ân đức của cha mẹ cũng như răn dạy người đời phải làm sao để báo đáp công đức ấy. Với sự từ bi, nhân ái, triết lý nhân sinh cao cả và nhân văn sâu sắc, đạo hiếu trong Phật giáo rất gần gũi với đạo hiếu truyền thống của dân tộc Việt Nam và đã đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước qua đó góp phần tạo nên truyền thống văn hóa giàu bản sắc.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng và nhiều mặt của thế giới đặc biệt là nền kinh tế thị trường đang tác động trực tiếp đến nhiều quốc gia, đã và đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung và giá trị đạo hiếu nói riêng - vốn được xem là truyền thống đạo đức của các dân tộc và toàn thể nhân loại. Trong bối cảnh đó, việc củng cố và thực hành đạo hiếu càng trở nên cấp thiết, cần được chú trọng hơn.
Tác giả: Ths Triết học Lê Minh Phong
Khoa Lý luận Cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa
***
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thế Đăng, Đức Hiếu, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 7 năm 2005.
2. Thích Minh Thành (2013), Đạo hiếu trong kinh Phật, Nxb Tôn giáo.
3. Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật gáo và Hạnh phúc con người, Nxb Tôn giáo.
4. Thích Trí Tinh (Việt dịch 2018), Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
5. Thích Nhuận Đạt (2012), Tư tưởng hiếu đạo trong Phật giáo, Nxb Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh.