Độc đáo mâm cỗ xứ Mường
Là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất cội nguồn, đồng bào dân tộc Mường, huyện Yên Lập vẫn giữ được cho mình những bản sắc truyền thống về ngôn ngữ, trang phục và đặc biệt là nét độc đáo món ăn, trong đó có cỗ lá.
Cùng chị Nguyễn Thị Thanh Mai ở khu Hon, xã Xuân An chuẩn bị một mâm cỗ lá truyền thống, vừa làm, chúng tôi vừa được chị giới thiệu tỉ mỉ về những món ăn độc đáo của đồng bào mình. Chị Mai cho biết: “Người Mường rất mến khách. Khách phương xa đến chơi thì bao giờ người Mường cũng thết đãi bằng một mâm cỗ lá. Cỗ lá nghĩa là mâm cỗ được bày biện trên lá chuối. Lá chuối rừng sau khi chặt về được cắt tỉa phù hợp với kích thước mâm cỗ và đem hơ qua lửa làm tăng độ dẻo mềm cho lá. Hương vị lá chuối rừng quyện với hương vị của các món ăn sẽ tạo nên một hương vị đậm đà khó quên trong lòng thực khách. Với người Mường, mâm cỗ lá còn là nét tinh túy trong ẩm thực, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi".
Trong mâm cỗ lá, bao giờ cũng có đủ các món ăn được chế biến từ thịt lợn, gà, cá, cua đá, rau, củ, quả... Đây là những sản vật được bà con nuôi trồng và thu hái trong rừng. Đặc biệt món ăn không thể thiếu là món xôi ngũ sắc với ý nghĩa tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung. Những hạt xôi dẻo thơm được lựa chọn từ loại nếp Gà gáy, mang đậm hương thơm đặc trưng của cây cỏ nơi núi rừng. Hạt xôi mẩy đều, bóng đẹp, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn giữ được độ mềm, dẻo khiến cho món xôi ngũ sắc không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác.
Xen lẫn các món thịt là món măng luộc, món rau rừng đồ. Ngày xưa khi đi nương, đi rẫy người Mường thường mang theo giỏ để hái các loại rau rừng như: Đắng cảy, rau dớn, rau đáu, lá chìa, lá xẻn, măng, nấm, bắp chuối... Rau rừng thập cẩm được rửa sạch cho vào ống lam hoặc đồ trên chõ khoảng 30 - 40 phút. Rau rừng đồ được chấm với một loại nước chấm đặc biệt đó là dấm mẻ, khi ăn sẽ cảm nhận được hương vị đắng, chát, ngọt, bùi, cay... của các loại rau khi hòa quện vào với nhau. Đây cũng là một món ăn rất có lợi cho sức khỏe và hiện nay vẫn xuất hiện thường xuyên trong mâm cơm gia đình của người Mường.
Trong mâm cỗ lá, món hoa chuối rừng thường được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Nhưng phổ biến nhất vẫn là món bắp chuối lam sườn. Để làm món này, bắp chuối sẽ được thái mỏng, ngâm với dấm chua, hoặc nước cốt chanh để cho sợi bắp chuối trắng, không bị thâm nhựa. Sau đó vớt ra để ráo nước và trộn với gia vị muối, tiêu, lá thơm và thịt sườn băm. Khi ngấm đều gia vị sẽ cho vào ống nứa rồi nướng trên than hồng. Món bắp chuối lam sườn chín có vị bùi bùi của hoa chuối, vị béo giòn thơm của thịt sườn, làm cho mâm cỗ thêm phần hấp dẫn.
Ấn tượng nhất phải kể đến món cá nướng ngòi Lao của đồng bào Mường nơi đây. Cá được người dân đánh bắt thủ công sau đó đem về làm sạch để ráo nước. Cá sẽ được tẩm ướp gia vị và dùng kẹp tre kẹp lại thành từng gắp rồi nướng trên than củi cho đến khi cá chín vàng đều là được. Cá ngòi Lao chín trải đều trên lá chuối khi còn nóng mùi của cá nướng cộng với mùi của lá chuối tạo nên một mùi thơm hấp dẫn đánh thức khứu giác và vị giác.
Đồng chí Nguyễn Tám Ba - Chủ tịch UBND xã Xuân An cho biết: "Những món ăn trong mâm cỗ lá đều là những món ăn được hình thành trong quá trình lao động sản xuất của đồng bào dân tộc và được chế biến, gia giảm nguyên liệu, trở thành những món ăn đặc trưng của người Mường. Người Mường xem việc bày biện cỗ lá để đãi khách là biểu hiện của tình yêu thương đoàn kết gắn bó, của sự tôn trọng và lòng hiếu khách. Mâm cỗ lá thấm đẫm hương vị của núi rừng bao giờ cũng bày biện kỹ lưỡng theo hình tròn với đủ đầy các món ăn khác nhau, thể hiện sự giao thoa của đất trời cùng những ước vọng được đủ đầy, tròn vẹn, sung túc, ấm no, nhân khang vật thịnh của đồng bào Mường.
Qua mâm cỗ lá, người Mường đã thể hiện cách linh hoạt tính cộng đồng, tình cảm tương thân tương ái, nền nếp gia đình cũng như văn hóa của mình. Cỗ lá được xem là một trong những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực người Mường ở Yên Lập vào các dịp lễ Tết, lễ hội văn hóa truyền thống.