Làm gì để các nhà xuất khẩu 'làm chủ' truy xuất nguồn gốc sản phẩm?

Trước căng thẳng thuế quan, các đòn phòng vệ, cùng những rủi ro gian lận thương mại, yêu cầu cao từ thị trường nhập khẩu, đang đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải chuyển biến tích cực hơn trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hóa. Để 'làm chủ' việc này rất cần phía doanh nghiệp gắn chặt với công nghệ số.

Việc gia tăng những cuộc điều tra phòng vệ thương mại, chống bán phá giá của Mỹ, EU và các quốc gia khác trong thời gian tới đối với hàng hóa nhập khẩu là điều mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu (XK) của Việt Nam cần tiếp tục lưu tâm nhằm tránh rủi ro về lâu dài.

Bài học giữ vị thế cho hàng Việt

Riêng trong tháng 4/2025, mới nhất phải kể đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) với hộp nhựa Polypropylene nhập khẩu từ Việt Nam. Đáng chú ý khi tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc hồi năm 2024 chiếm 62,7% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm bị điều tra vào Hoa Kỳ.

Các nhà thu mua quốc tế quan tâm đến khả năng ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở ngành hàng nông sản Việt.

Hoặc như EU vừa quyết định áp thuế chống bán phá giá đến 12,1% đối với thép cán nóng Việt Nam. Nên biết, trong giai đoạn điều tra, các công ty Việt Nam đều nhập khẩu quặng sắt và than luyện cốc từ nhiều quốc gia trên thế giới do nguồn nguyên liệu trong nước không đảm bảo về số lượng và chất lượng. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào không phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu trong nước.

Chỉ với hai vụ việc như vậy thôi trong bối cảnh thị trường nhập khẩu ngày càng nặng tính bảo hộ, có thể xem là bài học để các DN xuất khẩu chú trọng hơn đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để tránh không bị lợi dụng, lách luật làm nơi “rửa nguồn” cho mặt hàng của quốc gia khác khi XK sang Mỹ. Không chỉ vậy, nếu để tình trạng “rửa nguồn”, tẩy xuất xứ còn kéo dài sẽ càng làm ngành sản xuất trong nước dễ bị tổn thương và điêu đứng, con đường XK sẽ càng gập ghềnh trước các đòn phòng vệ.

Như trước thương chiến Mỹ - Trung leo thang và áp lực về thuế quan, giới chuyên gia cho rằng các DN Việt phải thực thi nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ để ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam. Bởi vì đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm với giới chức thương mại Mỹ, và nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể phải đối mặt với các hình phạt bổ sung.

Nên nhắc thêm, trong văn bản vào trung tuần tháng 4/2025 gửi các hiệp hội ngành hàng XK và DN sản xuất, XK, Bộ Công Thương đã đề nghị các DN nên lưu ý cân nhắc nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hóa XK đảm bảo yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hóa XK.

Còn tại hội thảo bàn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia do CTCP công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) và Techfest Việt Nam tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 15/4, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại và đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp cho hàng Việt XK được thuận lợi hơn, tránh được các đòn phòng vệ thương mại hay áp thuế ở mức cao.

Như lưu ý của ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT của ACTIV, truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế tất yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay các quốc gia, các bên đều có quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để phục vụ cho việc áp mức thuế.

“Để các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam giữ vững được vị thế và phát triển thêm các thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc càng có vai trò quan trọng. Đối với XK hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh”, ông Thọ nói.

Nên gắn chặt với công nghệ số

Không những vậy, vị chủ tịch của ACTIV cũng chỉ rõ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường, tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xuất hiện tràn lan khiến cho DN điêu đứng. Do đó, muốn vươn ra biển lớn thì DN không chỉ đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng, mẫu mã, giá cả…mà điều trên hết là có giải pháp để đưa đến tay người tiêu dùng hàng thật của DN. Có như thế thì người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm của mình.

Và trong bối cảnh mới có nhiều biến động như hiện nay, câu hỏi đặt ra là làm cách nào để các nhà sản xuất, XK của Việt Nam có thể “làm chủ” việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm?

Theo Ts. Trịnh Bá Dương, Chủ tịch AseanHub, chuyên gia về đổi mới sáng tạo, nếu các DN Việt xem công nghệ là chìa khóa, thì truy xuất nguồn gốc phải là cánh cửa để họ mở ra một nền thương mại minh bạch. Họ cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa.

Vị chuyên gia này cũng khuyến khích các DN nên kết hợp ba công nghệ số là RFID (công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến) – Blockchain (chuỗi khối) – AI (Trí tuệ nhân tạo). Sự kết hợp ba công nghệ này tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính xác, minh bạch và tự động hóa, đủ sức đối phó với mọi hình thức gian lận thương mại.

Đơn cử như AI có thể phát hiện những điểm bất thường, cảnh báo rủi ro, hỗ trợ DN ra quyết định nhanh chóng. Thậm chí, AI còn có thể dự đoán khả năng gian lận hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng thông qua các thuật toán nhận diện hành vi.

“Việc truy xuất nguồn gốc bằng RFID – Blockchain – AI không còn là câu chuyện của tương lai. Nó đang diễn ra ngay từ hôm nay, và Việt Nam hoàn toàn có thể đi đầu trong xu hướng này, nếu chúng ta đồng lòng – đồng hành – và hành động quyết liệt”, ông Dương bộc bạch.

Vị chủ tịch của AseanHub mong rằng thời gian tới cần đẩy nhanh việc xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia về truy xuất nguồn gốc, có thể tích hợp các công nghệ như Blockchain, mở API (giao diện chương trình ứng dụng) cho các DN sử dụng. Đặc biệt là cần xúc tiến nhanh hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, dược liệu – nơi tính minh bạch và uy tín là yếu tố sống còn.

Ngoài ra, Ts. Dương đề xuất cần ưu tiên chính sách cho startup phát triển công nghệ lõi và giải pháp tích hợp truy xuất nguồn gốc, từ miễn giảm thuế, hỗ trợ thử nghiệm, đến bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Như vậy có thể thấy nếu muốn “làm chủ” truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang cần các nhà sản xuất, XK của Việt Nam nên gắn chặt với công nghệ số, đặc biệt là những công nghệ mới có tính hiệu quả cao. Điều này có thể giúp họ kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu, tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại. Từ đó các DN sẽ hạn chế được phần nào rủi ro từ phòng vệ thương mại, thương chiến, áp lực thuế quan và tận dụng cơ hội từ hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như bảo vệ sản xuất trong nước.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-cac-nha-xuat-khau-lam-chu-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-1106130.html
Zalo