Cấp thiết mở rộng và tái cơ cấu thị trường xuất khẩu gỗ

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) NGÔ SỸ HOÀI, từ câu chuyện thuế đối ứng của Hoa Kỳ, doanh nghiệp ngành gỗ cần nhìn lại mô hình tăng trưởng của mình và cải thiện năng lực 'miễn dịch' với những rung lắc, thậm chí là những cơn 'địa chấn' của thị trường.

Xuất khẩu quý I tăng hơn 11%

- Ông có thể khái quát bức tranh xuất khẩu gỗ trong 3 tháng đầu năm 2025?

- Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD; tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ, nhóm chế biến sâu đạt 2,68 tỷ USD; tăng 11,1% so với 3 tháng đầu năm 2024. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 667,7 triệu USD; tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2024. Nhìn chung đây là mức tăng trưởng chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh đầy biến động chủ yếu do các yếu tố từ bên ngoài.

 Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài

Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài

Về thị trường, xuất khẩu gỗ giữ mức tăng trưởng đồng đều ở 5 thị trường top đầu; xuất khẩu đi Mỹ tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất đi Nhật Bản chủ yếu dăm gỗ, viên nén vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt; xuất đi Trung Quốc, dăm gỗ vẫn giữ được giá ổn định. Các thị trường Hàn Quốc, châu Âu (EU) vẫn giữ được mức tăng trưởng bình thường, không có nhiều đột biến.

- Thưa ông, việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao đối với ngành gỗ. Trước thông tin này, doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ đã có phản ứng thế nào?

- Hiện, sản phẩm gỗ Việt Nam xuất Mỹ nhiều, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Nhưng từ ngày 3.4.2025, sản phẩm gỗ chủ yếu là các đồ gỗ nội ngoại thất xuất khẩu vào Mỹ đang chịu tác động của sắc lệnh áp thuế đối ứng 46%. Nếu áp toàn bộ mức thuế này, chi phí sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,14 tỷ USD mỗi năm, từ đó làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Với thông tin này các doanh nghiệp ngành hàng gỗ đang chịu đựng cú sốc lớn. Hầu hết doanh nghiệp gỗ và chế biến lâm sản có quy mô nhỏ và vừa, do đó điều này gây khó khăn trong việc làm chủ toàn bộ chuỗi hàng, đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất, chế biến để tiết giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất gỗ, chế biến lâm sản cũng đang là yếu tố bất lợi.

Ngoài ra, từ đầu tháng 3.2025, Tổng thống Donald Trump đã ra sắc lệnh điều tra theo Mục 232 của Đạo luật thương mại mở rộng (1962) của Mỹ để có thể áp đặt thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu khi một mặt hàng nhập khẩu có thể đe dọa an ninh quốc gia. Gỗ và các sản phẩm phái sinh từ rừng thuộc đối tượng điều tra 232.

Ngành hàng gỗ và lâm sản khác có khoảng trên dưới 10% sản phẩm đang bị điều tra 232, trong thời gian 270 ngày, bắt đầu từ 1.3.2025. Hầu hết các loại ván gỗ và đặc sản rừng (song, mây, tre…) xuất khẩu vào Mỹ đang bị điều tra và có nguy cơ bị áp thuế. Điều này làm gia tăng áp lực nhiều hơn tới ngành hàng gỗ so với các ngành hàng khác.

- Trước thực tiễn đó, ngành đã có kịch bản ứng phó thế nào?

- Chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là hoạt động sản xuất - kinh doanh “lấy công làm lãi”, biên độ lợi nhuận không rộng, do đó bất cứ 1% thuế nào đánh vào sản phẩm gỗ từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng gây khó khăn cho cả hai bên, một bên là các doanh nghiệp gỗ Việt, và bên còn lại là các nhà nhập khẩu, phân phối và cả khách hàng Mỹ.

Theo đề nghị của các bộ, ngành có liên quan và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đưa thuế suất nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Mỹ vào Việt Nam xuống 0% nhằm giảm áp lực thuế đối ứng từ phía Mỹ.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp kỳ vọng thông qua đàm phán tới đây sẽ có một giải pháp “win-win” chấp nhận được cho cả hai phía.

Cạnh tranh bằng chất lượng

- Năm 2025, ngành phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường chính là Mỹ gặp phải rào cản về thuế quan, liệu con số này còn khả thi?

- Những chỉ tiêu trong cơ chế thị trường chỉ nên là con số mang tính định hướng, đặc biệt là đối với ngành hàng xuất khẩu nhiều, còn phụ thuộc vào biến động nằm ngoài sự kiểm soát của Việt Nam.

Thời điểm này, cả Hiệp hội và cả các doanh nghiệp không chỉ tìm cách tồn tại và vượt qua thử thách, không để đứt gãy thanh khoản và cố gắng giữ liên hệ với khách hàng, với đối tác mà họ đã mất nhiều công sức để gây dựng. Lúc này có thể hy sinh tăng trưởng để duy trì tính thanh khoản.

Việc Mỹ đánh thuế đối ứng các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại mô hình tăng trưởng của mình. Phải làm sao để có thể tăng khả năng thích ứng, ứng phó với biến động với thị trường bên ngoài. Không thể tăng trưởng dựa vào những lợi thế so sánh như nguyên liệu giá rẻ, chi phí nhân công lao động giá thấp; phải chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu.

Điều nữa là lâu nay chúng ta chỉ “bỏ trứng vào một giỏ”, nên việc mở rộng và tái cơ cấu thị trường xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết. Cần đa dạng hóa thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường quá nhiều. Một loạt quốc gia có nhiều tiềm năng như Trung Quốc (sản phẩm mây tre đan); Nhật Bản (xuất khẩu nội thất gỗ); các thị trường khác như Anh, Nga, Trung Đông, Nam Mỹ hay ASEAN cũng chưa được tận dụng, khai phá hiệu quả.

- Ông có khuyến nghị gì với cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong thời điểm này?

- Doanh nghiệp ngành gỗ hiện đang trải qua thời khắc rất căng thẳng, đặc biệt là đối với thị trường Mỹ. Thời điểm này, doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng vào kết quả đàm phán giữa hai Chính phủ. Người Mỹ vẫn cần đến đồ nội thất bằng gỗ và Việt Nam cũng đã chứng tỏ năng lực của mình sau hơn 2 thập kỷ tăng trưởng chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Mỹ. Mọi khó khăn rồi sẽ qua đi, sau những thử thách lớn như vậy, doanh nghiệp gỗ Việt sẽ đứng dậy, mạnh mẽ hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Trúc Oanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cap-thiet-mo-rong-va-tai-co-cau-thi-truong-xuat-khau-go-post410481.html
Zalo