TPS khắc phục tình trạng chứng khoán diện cảnh báo như thế nào?

Cổ phiếu ORS vào diện cảnh báo kể từ ngày 16/4/2025 do nhận được ý kiến ngoại trừ của kiểm toán liên quan đến các lô trái phiếu do các công ty trong hệ sinh thái Bamboo Capital phát hành.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HoSE: ORS) vừa có văn bản giải trình lý do và lộ trình khắc phục cổ phiếu vào diện bị cảnh báo.

Trước đó, cổ phiếu ORS vào diện cảnh báo kể từ ngày 16/4/2025 theo Quyết định số 205/QĐ-SGDHCM ngày 9/4/2025 của HoSE, do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, tổ chức kiểm toán có ý kiến rằng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi của hơn 28 tỷ đồng khoản phải thu của Chứng khoán Tiên Phong từ các lô trái phiếu do các công ty trong hệ sinh thái Bamboo Capital phát hành. Các khoản phải thu này là phí dịch vụ liên quan đến các lô trái phiếu mà công ty đã tư vấn và làm đại lý.

Theo giải trình của Chứng khoán Tiên Phong, nguyên nhân dẫn đến ý kiến ngoại trừ là sự kiện phát sinh sau cuộc kiểm toán năm 2024 (sự kiện phát sinh vào tháng 2/2025) các gói trái phiếu do Chứng khoán Tiên Phong thực hiện dịch vụ tư vấn phát hành, tư vấn lưu ký,... gồm các mã BCR12010, HIC12103, GKC12101, GKC12102 và TCD12202 đã bị HNX tạm ngừng giao dịch theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, TPS cho biết đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp phát hành gồm BCG Land, Gia Khang, Helios và Tracodi để thu hồi khoản công nợ hơn 28 tỷ đồng nêu trên trong thời gian sớm nhất và sẽ báo cáo khi hoàn tất.

Các lo ngại liên quan đến nhóm Bamboo Capital cũng được cho là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ORS của Công ty giảm mạnh từ vùng 15.800 đồng/cp, thậm chí sau đó chịu thêm áp lực giảm sốc toàn thị trường chứng khoán Việt Nam do tin tức liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ, đẩy lùi giá cổ phiếu về chỉ còn 7.680 đồng/cp tại kết phiên ngày 16/04.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không những cổ phiếu lao dốc, tình hình nhân sự tại TPS gần đây cũng có nhiều biến động lớn.

Trước đó, vào ngày 18/03, Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Tú nộp đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. Cụ thể, ông Tú đề nghị được từ nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026, qua đó từ bỏ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT theo quy định pháp luật, quy định nội bộ của Công ty. “Tôi cam kết không can thiệp, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào liên quan đến các nội dung này” - đơn từ nhiệm nêu rõ.

Hay mới đây, Chứng khoán Tiên Phong cũng vừa thông qua việc miễn nhiệm bà Bùi Thị Thanh Trà khỏi chức vụ tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Thay thế bà Trà là bà Đặng Sĩ Thùy Tâm – người từng có thời gian dài gắn bó với công ty từ giai đoạn còn hoạt động dưới tên gọi công ty chứng khoán Phương Đông.

Bà Trà từng là nhân sự chủ chốt tại TPS từ năm 2019, giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trước khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc vào tháng 7/2022.

Trong khi đó, tân tổng giám đốc là người có thâm niên hoạt động trong ngành chứng khoán và từng giữ vai trò thành viên Ban Kiểm soát TPS nhiệm kỳ 2020–2024.

Cùng với bà Tâm, bà Nguyễn Thị Lệ Tùng – thành viên HĐQT và ông Nguyễn Trát Minh Phương – người được ủy quyền công bố thông tin – sẽ đại diện công ty hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan đến thay đổi người đại diện pháp luật và điều chỉnh giấy phép hoạt động.

Chỉ một ngày trước quyết định bổ nhiệm bà Tâm, TPS cũng đã thông báo giao ông Nguyễn Trọng Thanh phụ trách mảng ngân hàng đầu tư, đồng thời giữ chức giám đốc tư vấn thị trường vốn.

Minh Vy

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/tps-khac-phuc-tinh-trang-chung-khoan-dien-canh-bao-nhu-the-nao-245070.html
Zalo