Kỳ vọng về một 'sân chim' tiêu biểu miền Trung ở Huế

Một hội thảo vừa được tổ chức ở Thừa Thiên-Huế nhằm hướng tới xây dựng mô hình 'sân chim' tiêu biểu ở miền Trung, góp phần bảo tồn, bảo vệ môi trường sống và phát triển các quần thể chim có giá trị.

Ngày 28/11, tại Tp.Huế, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (trực thuộc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên -Huế) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xác định các vùng nghiên cứu trọng điểm khu hệ chim miền Trung Việt Nam”.

Tham gia hội thảo có sự góp mặt của các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan quản lý, bảo tồn.

Tham gia hội thảo có sự góp mặt của các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan quản lý, bảo tồn.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên-Huế, hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phân tích, đánh giá hiện trạng và xác định vùng nghiên cứu trọng điểm khu hệ chim vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam để từ đó mời các nhà khoa học, các ngành và các địa phương tham gia đề xuất, chia sẻ các giải pháp, định hướng những bước đi phù hợp trong công tác bảo tồn các loài chim di cư, trú đông và các hệ sinh thái liên quan, góp phần hình thành “sân chim” gắn với công tác bảo tồn và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế).

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trình bày và thảo luận các báo cáo khoa học, chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất về đặc điểm phân bố khu hệ chim, dẫn liệu về sinh sản, đặc điểm môi trường sống và yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của khu hệ chim tại khu vực đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam.

TS. Lê Mạnh Hùng (Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật) chia sẻ, qua kết quả điều tra, nghiên cứu và thống kê vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam có tổng số 92 loài chim định cư, sinh sản thuộc 17 bộ và 47 họ đã được ghi nhận trong 5 khu vực nghiên cứu trọng điểm của vùng đầm phá duyên hải miền Trung. Trong số này có 2 loài được ghi nhận trong Danh lục đỏ của IUCN 2024 ở cấp Sắp bị đe dọa (NT) gồm Rẽ mỏ to Esacus recurvirostris và Vẹt đầu hồng Psittacula roseata. Các loài chim định cư, sinh sản tại khu vực Tam Giang - Cầu Hai chiếm tỉ lệ cao nhất với 70 loài, thứ 2 là đầm Trà Ổ với 63. Đứng thứ 3 là khu vực đầm Thủy Triều với 60 loài, tiếp theo là khu vực đầm An Khê với 53 loài và cuối cùng là khu vực đầm Thị Nại ghi nhận tổng số 52 loài định cư sinh sản.

Lần đầu tiên ghi nhận được loài chim Quắm đen ở vùng cửa sông Ô Lâu, thuộc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Ảnh: TS.Lê Mạnh Hùng).

Lần đầu tiên ghi nhận được loài chim Quắm đen ở vùng cửa sông Ô Lâu, thuộc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Ảnh: TS.Lê Mạnh Hùng).

Tại hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý đã trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển các quần thể chim có giá trị ở vùng đầm phá miền Trung Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng, cần đánh giá sự tác động của biến đổi khí hậu đối với khu hệ chim và các giải pháp để phục hồi đa dạng sinh học tại vùng đầm phá; ổ sung nghiên cứu mật độ quần thể của từng loài, đánh giá cụ thể các mối đe dọa đến các loài chim; Cần phân tích các đặc điểm sinh thái học về dinh dưỡng, tập trung nghiên cứu tại các vùng trọng điểm; phân khu trồng các loại cây bản địa phù hợp tạo nơi trú đậu cho các loài chim...

Ngoài ra, để xác định các vùng nghiên cứu trọng điểm khu hệ chim vùng đầm phá miền Trung Việt Nam, các nhà khoa học cũng đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung như: Việc xây dựng sân chim cần tính đến việc giảm thiểu tác động do hoạt động kinh tế - xã hội của con người đồng thời thực hiện các giải pháp kỹ thuật giải quyết những mâu thuẫn trong tương lai giữa hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế. Xem xét khả năng tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến sự phân bố và tập tính của các loài chim.

Bên cạnh đó, cần có thêm các đợt điều tra, khảo sát, giám sát sâu và rộng hơn về các dẫn liệu về sinh thái, sinh sản của các loài chim tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và vùng cửa sông Ô Lâu đặc biệt là các loài thường xuyên di cư, làm tổ tập đoàn cũng như một số loài hiện đang bị đe dọa được liệt kê trong Danh lục đỏ của IUCN và Sách đỏ Việt Nam đảm bảo luận cứ để hình thành và phát triển sân chim.

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng việc điều tra, khảo sát hiện trạng phân bố của các loài chim, xác định các vùng nghiên cứu trọng điểm khu hệ chim sẽ là cơ sở khoa học trong việc đề xuất, xây dựng mô hình “sân chim” tiêu biểu ở miền Trung Việt Nam, góp phần bảo tồn, bảo vệ môi trường sống và phát triển các quần thể chim có giá trị ở vùng đầm phá miền Trung Việt Nam.

Kiều Oanh - Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-vong-ve-mot-san-chim-tieu-bieu-mien-trung-o-hue-204241128183629353.htm
Zalo