Hiểm họa từ camera an ninh giá rẻ
Do nhu cầu lắp đặt camera giám sát tại nhà ngày càng tăng, những chiếc camera giá rẻ chỉ vài trăm ngàn đang trở thành hiểm họa khó lường khi nhiều hội nhóm ngày đêm chia sẻ cách thức dò IP để lén lút truy cập và lấy cắp dữ liệu hình ảnh. Hành vi này không chỉ xâm hại nghiêm trọng đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, mất an toàn xã hội khi các đối tượng cố tình đánh cắp dữ liệu camera nhằm phát tán hình ảnh 'nhạy cảm' lên mạng xã hội.
Đừng vì thiếu hiểu biết
Theo một nghiên cứu từ TelecomDaily, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng camera an ninh công cộng đang hoạt động. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 15 triệu camera công cộng. Trong khi đó, ở mảng doanh nghiệp và người dân, nhu cầu camera an ninh, giám sát dự báo lên đến cả trăm triệu chiếc.
Nhu cầu lớn là vậy, nhưng hầu hết các loại camera an ninh sử dụng trong gia đình lại chú trọng những sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài như: Dahua, imou, Yoosee... Nhiều loại trong số này gần như không có hoặc bị lược bỏ các tính năng an toàn cần thiết, đôi khi bỏ hẳn cả việc phải có tài khoản để đăng nhập hoặc chỉ sử dụng tài khoản mặc định, khó thay đổi.
Với nhiều người, khi có ý định hoặc lần đầu tiên tìm mua camera giám sát, đại đa số phải nhờ sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên lắp đặt camera tận nhà và hướng dẫn sử dụng cơ bản. Trong khi mỗi hãng sản xuất đều có phần mềm cài đặt khác nhau, các bước để thực hiện việc cài đặt này đôi khi quá rườm rà và khó hiểu. Việc để người khác cài đặt camera đã gián tiếp khiến hàng ngàn "con mắt an ninh" vẫn sử dụng mật khẩu mặc định như: admin, user, 0000, 1234... dù đã được sử dụng từ lâu. Chính đặc điểm này khiến camera an ninh của nhiều gia đình trở thành mục tiêu cho các đối tượng có ý đồ xấu.
Chị T.H (ngụ Q8, TPHCM) cho biết đã trang bị cho dãy phòng trọ của mình hệ thống camera giám sát, toàn bộ 10 cái chỉ với 4,5 triệu đồng, bao gồm công lắp đặt. "Do không có nhu cầu cao, chỉ sử dụng 2 chiếc camera ở ngoài nên tôi chọn loại rẻ tiền, tầm 300 ngàn đồng/cái. Sau khi lắp xong, thợ hướng dẫn cài đặt ứng dụng rồi cứ vậy mở ra xem" - chị H. cho biết. Sau khoảng 3 tháng sử dụng, 3 trong số 10 chiếc camera bắt đầu có dấu hiệu bị lỗi, sửa nhiều lần không được.
"Camera an ninh để giám sát nhưng lại bị lỗi liên tục, gọi cửa hàng bán để bảo hành thì nhiều lần họ không tới nữa, tôi đành tháo ra, lắp lại toàn bộ camera của một hãng uy tín hơn" - chị H. kể lại. Sau đó, chị bất ngờ phát hiện phía cửa hàng bán camera gọi lại hỏi lý do vì sao toàn bộ hệ thống camera đều không hoạt động nữa. "Trao đổi mới biết, họ có thể coi được camera của mình vì khi lắp đặt đã kết nối camera vào ứng dụng của kỹ thuật viên cửa hàng để kiểm tra và vẫn giữ mà không xóa đi. Lúc này tôi mới giật mình, nhờ người rành công nghệ reset tất cả các camera trong nhà và tự cài lại từ đầu".
Còn theo chị Thu Minh (29 tuổi, ngụ H.Bình Chánh), chị đã tháo bỏ camera lắp đặt trong phòng khách và phòng ngủ của mình vì các biểu hiện đáng ngờ. "Gia đình tôi có em bé nhỏ, phải thuê người trông trẻ khi cả tôi và chồng đều đi làm nên có nhu cầu lắp camera giám sát. Mọi thứ đều ổn cho đến khi tôi thấy có những biểu hiện bất thường. Sau khi mua và nhờ thợ lắp đặt xong hệ thống 3 camera wifi trong các phòng, tôi sử dụng liên tục suốt nửa năm mà không thấy vấn đề gì. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi vô tình phát hiện góc quay của các camera thỉnh thoảng có thay đổi nhỏ. Tôi hỏi chồng có xoay góc quay không thì anh nói không, nhưng rõ ràng góc quay thỉnh thoảng có thay đổi một chút, dù không đáng kể.
Chị Minh phát hiện việc này nhờ nhận thấy nhiều vật trang trí nhỏ, thường ngày vẫn thấy trong camera bỗng nhiên biến mất khỏi khung hình. Đọc báo thấy nhiều thông tin về các đối tượng lấy cắp hình ảnh camera "nhạy cảm" để tung lên mạng, chị đã rút dây cáp nguồn điện camera ngay lập tức và cho biết chỉ sử dụng lại sau khi tìm hiểu kỹ hơn các tính năng bảo mật, thay đổi mật khẩu...
Hack camera để rao bán hình ảnh
Không thể phủ nhận những lợi ích mà loại hình camera giám sát, an ninh đem lại. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng và không biết cách sử dụng, camera giám sát sẽ trở thành hiểm họa lớn về an ninh. Đó là chưa kể, camera đang bán ở Việt Nam hiện đang có giá cực kỳ rẻ, hầu hết là hàng xuất xứ nước ngoài và độ bảo mật cực thấp.
Ngày 26/9, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Quốc Việt (SN 1994, quê Quảng Trị) mức án 12 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, bị cáo cũng bị TAND Q.Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) tuyên án 3 năm 6 tháng tù về tội "cưỡng đoạt tài sản" và 4 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cáo trạng, Việt và vợ thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Viễn thông Gotech, hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông. Cuối năm 2022, Việt nhận lắp đặt 6 camera an ninh kèm theo đầu ghi tại nhà chị H. (Đà Nẵng).
Trong quá trình lắp đặt, Việt không thay đổi mật khẩu mà chỉ đăng nhập tài khoản camera cho chị H., đồng thời cũng kết nối camera này vào điện thoại của mình để quản lý. Tháng 9/2023, Việt vay nợ nhiều người và mất khả năng chi trả nên nảy sinh ý định lấy cắp hình ảnh camera nhắn tin đe dọa, tống tiền khách hàng. Sau đó, Việt truy cập vào camera nhà chị H., ghi lại nhiều clip "nhạy cảm" rồi gọi điện yêu cầu chị H. phải chi 130 triệu đồng để xóa video.
Chị H. thương lượng giảm giá xuống còn 110 triệu đồng, sau đó đến cơ quan Công an trình báo sự việc. Bên cạnh hành vi tống tiền, cơ quan chức năng còn xác định Việt đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tác làm ăn hơn 757 triệu đồng bằng thủ đoạn mua hàng trăm chiếc camera nhưng không thanh toán, nhận đặt cọc 690 camera từ khách nhưng không giao hàng.
Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ cũng đã bắt giữ Nguyễn Viết Lợi (SN 1996) về "tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" theo khoản 1, Điều 289 Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra cho thấy, cuối năm 2021, lợi dụng sự hiểu biết công nghệ, Lợi tìm kiếm và tải phần mềm chuyên hack camera trên mạng rồi chọn lọc các camera ở những góc quay "nhạy cảm" như phòng ngủ, phòng thay đồ của cửa hàng quần áo, khu vực chăm sóc khách hàng của thẩm mỹ viện... để xem và lưu trữ, sau đó bán lại trong nhóm ở ứng dụng Telegram. Ngoài ra, Lợi còn thu tiền phí từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng để cấp quyền xem trực tiếp camera này cho các thành viên trong nhóm.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, an toàn, bảo mật liên quan đến camera giám sát đang trở thành vấn đề nhức nhối khi nhiều vụ lộ, lọt thông tin cá nhân, dữ liệu hình ảnh camera riêng tư bị thu thập trái phép và tung lên mạng xã hội "gây bất an cho người sử dụng và làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh xã hội".
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bị xâm phạm camera, trong đó phổ biến là do người dùng không đổi mật khẩu khi lắp đặt, dùng mật khẩu có khả năng bảo mật thấp, một số đơn vị lắp đặt camera và chia sẻ quyền quản lý cho nhiều người...
Qua thống kê của Bộ Công an cho thấy, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam hiện nay rất nghiêm trọng, trong đó có 2 yếu tố chính là tội phạm đột nhập và đánh cắp dữ liệu cá nhân. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép được phát hiện lên tới hàng nghìn GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân, "nhạy cảm".
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam có trên 16 triệu thiết bị camera giám sát được nhập khẩu và triển khai, sử dụng trên thị trường trong 5 năm gần đây. Ước tính đến 2025, Việt Nam sẽ có hơn 20 triệu camera giám sát được sử dụng, bằng 1/5 dân số cả nước.
Trong tháng 8/2024, khi công bố dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho IP camera tại Việt Nam, Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, hệ thống giám sát đã phát hiện hơn 800 ngàn camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng Internet, trong đó 360 ngàn camera có nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng dễ bị khai thác tấn công, chiếm quyền điều khiển.