Dự án sản xuất máy thở 600 triệu USD siêu thần tốc của hãng xe Ford
Bốn mươi ngày sau cuộc gọi đầu tiên của Baumbick với Nhà Trắng, lô PAPR đầu tiên đã rời xưởng và thẳng hướng New York, nơi có hơn 8.000 người đã thiệt mạng.
Những người Mỹ nhiễm Covid-19 đang ngạt thở đến chết, và các bệnh viện lại không có đủ thiết bị để cứu họ. Thêm nữa, các nhân viên y tế hiện chịu trách nhiệm điều trị cho một cơn lũ bệnh nhân Covid liên tục gia tăng đang phải hít thở trong một bầu không khí ô nhiễm mà không có các thiết bị bảo hộ cần thiết.
Rốt cuộc, Baumbick tổ chức nhóm của mình xoay quanh ba sản phẩm. Một nhóm sẽ nghiên cứu chế tạo PAPR dành cho các nhân viên cấp cứu. Trong vòng hai ngày, các kỹ sư của ông đã quay lại với một bản vẽ tay cho một thiết bị sử dụng mô tơ quạt gió từ bộ phận điều hòa không khí của xe tải F-150 và pin từ dụng cụ điện DeWalt được sử dụng trên dây chuyền lắp ráp loại xe này gắn vào một bộ lọc không khí và một chiếc mũ trùm đầu.
Một nhà máy của Ford ở Michigan, trước đó đã sản xuất mẫu xe Mustang cơ bắp trong suốt 50 năm, được chuyển đổi chỉ trong vài ngày và nhanh chóng sản xuất ra những chiếc mũ trùm đầu vàng chóe được gắn với các ống giúp lưu thông không khí sạch. Họ gọi chúng là “PAPR giật gấu vá vai”.
Một nhóm khác tập trung vào máy thở. Trump đang nói rằng nước Mỹ cần 100.000 máy thở, nhu cầu này còn lớn hơn số máy thở được sản xuất ra mỗi năm.
Tấm che mặt và máy lọc không khí tương đối đơn giản; còn máy thở có đến hàng nghìn bộ phận, mỗi bộ phận cần được hiệu chỉnh chính xác để có thể thay thế khả năng tự thở của cơ thể. Ngay cả khi có thể sản xuất thêm máy thở, một vấn đề nghiêm trọng vẫn nảy sinh.
Các quan chức y tế công cộng đang bàn về - và trong một số trường hợp đã đang bắt tay vào xây dựng - các bệnh viện dã chiến theo phong cách quân đội để tiếp nhận các bệnh nhân sau khi các bệnh viện đã quá tải. Những cơ sở này nhiều khả năng sẽ không có nhiều ổ cắm điện rỗi.
Nhóm của Baumbick tìm ra một công ty ở Florida, Airon, đã thiết kế được một hệ thống khí nén chạy bằng áp suất không khí chứ không cần đến điện. Nếu Ford có thể chế tạo máy thở, chiếc máy thở đó có thể hoạt động hoàn toàn nhờ các bình ô xy chứ không cần cắm điện.
Baumbick báo cáo cho Hackett những tiến triển mà ông đã đạt được. Ông ước tính dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 600 triệu đô la, số tiền mà Ford, trong tình hình doanh thu đang cạn kiệt và phải mang trên vai gánh nặng khổng lồ đến từ các khoản nợ cũng như cổ tức phải trả, không dễ gì chi ra. “Đừng dừng lại. Đừng kiêng dè ai”, Hackett nói với ông. “Nếu ai dám gây khó dễ cho anh, bảo họ gọi cho tôi”.
Đó là một thời điểm ngàn năm có một để thực hiện một cú phóng lên mặt trăng. Đối với những người chỉ trích, Ford đã bị mắc kẹt với cung cách làm ăn cũ của mình và nhường đất thi triển thế hệ ôtô tiếp theo - loại ôtô của tương lai, tự hành, chạy điện, chất ngầu - cho các đối thủ ở Trung Quốc và Thung lũng Silicon, nơi Tesla đang sản xuất những chiếc ôtô có thể lướt êm ru như một lời thủ thỉ nhưng lại phô bày một cách đanh thép vẻ mạnh mẽ và tinh tế.
Hackett đã cố gắng đẩy nhanh đà tiến của công ty, sao cho nó linh hoạt hơn và giảm bớt tình trạng cát cứ phòng ban. Trên thực tế, thời điểm đó là lúc Ford đang ở giữa giai đoạn thiết kế phiên bản chạy điện của mẫu xe tải mang tính biểu tượng của công ty, F-150, được đặt tên là Lightning.
Lịch trình của dự án đòi hỏi phải làm xong một sản phẩm mẫu trong chưa đầy hai năm, tức là sẽ ngắn hơn hai năm so với khoảng thời gian Ford vẫn luôn cần để thiết kế và chế tạo một mẫu xe mới. Nhưng quá trình thay đổi văn hóa công ty diễn ra rất chậm chạp và khó khăn: Trước nay các kỹ sư có xu hướng chi phối Ford, và chủ nghĩa tiến bộ tự nhiên cũng như niềm đam mê mày mò và cải tiến của họ đã ăn sâu vào văn hóa công ty.
Nhưng có lẽ hơn bất cứ công ty Mỹ nào, Ford có một niềm tin sâu sắc và được gìn giữ có chủ đích rằng trong thời điểm khủng hoảng, công ty nên giúp đỡ đất nước. Gia tộc sáng lập nên nó, hiện vẫn kiểm soát công ty thông qua các cổ phiếu siêu biểu quyết, từ lâu đã cảm thấy rằng họ có bổn phận phải bước ra nơi đầu sóng ngọn gió mỗi khi tổ quốc lâm nguy.
Trong thập niên 1940, công ty đã sản xuất máy phổi sắt dành cho các bệnh nhân bại liệt. Trong Thế chiến II, nó đã ngừng hoạt động sản xuất phương tiện dân sự để dồn nguồn lực cho nỗ lực chiến tranh, cho ra lò hàng chục nghìn máy bay, động cơ, tàu lượn, và máy phát điện - bất chấp thực tế rằng Henry Ford, lúc đó đã gần 80 tuổi và vẫn là CEO của công ty, là một tín đồ nhiệt thành của chủ nghĩa hòa bình và luôn phản đối việc nước Mỹ tham chiến.
Bốn mươi ngày sau cuộc gọi đầu tiên của Baumbick với Nhà Trắng, lô PAPR đầu tiên đã rời xưởng và thẳng hướng New York, nơi có hơn 8.000 người đã thiệt mạng. Đến cuối tháng 7, Ford sẽ sản xuất được hơn 40.000 chiếc.
Một cơ sở in 3D ở Tây Ban Nha, nơi từng sản xuất ra các nguyên mẫu vô lăng và trục khuỷu mới có khả năng quay vòng nhanh, đã cho ra lò 5.000 tấm che mặt mỗi ngày. Các kỹ sư của Ford đã lái xe từ trụ sở ở Michigan đến một cơ sở 3M ở Nam Dakota, nơi đang sản xuất mẫu khẩu trang quan trọng N95, để giúp cải tiến dây chuyền lắp ráp của nó sao cho hiệu quả hơn.
Ford đã làm tất cả những điều này trong khi vẫn phải cố gắng, và đôi khi thất bại, trong việc giữ an toàn cho người lao động của mình. Trong khi các nhân viên văn phòng trên khắp thế giới rút về phòng làm việc tại tư gia và bàn bếp tại nhà, những người này ban đầu có phần hớn hở và về sau lại thành ra cáu kỉnh khi đại dịch kéo dài, thì hàng triệu người lao động Mỹ - và nhiều người lao động khác trên khắp thế giới - không được hưởng cung cách làm việc xa xỉ đó.
Họ tiếp tục có mặt tại các xưởng sản xuất và nhà máy đóng gói thịt, chất hàng hóa lên kệ và lái xe nâng trong nhà kho, lái máy bay phản lực và xe buýt trong thành phố trong khi con virus chết người rình rập tứ phía.