Thách thức và triển vọng về nhân lực của ngành công nghiệp chip bán dẫn Việt Nam

Các chuyên gia đánh giá, nước ta đang có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đó là lực lượng lao động trẻ, năng động, giàu kỹ năng công nghệ, có năng lực đổi mới sáng tạo... song cũng sẽ có không ít thách thức.

Trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu hiện đang có 3 khâu chính là thiết kế, sản xuất và kiểm thử. Do đó, để có thể phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn, thì trước hết cần phát triển nguồn nhân lực phù hợp với các khâu trong chuỗi sản xuất này.

Khảo sát của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có khoảng 240 trường, trong đó 160 trường có các chuyên ngành đào tạo về công nghiệp kỹ thuật và đang có khoảng 134.000 sinh viên đầu vào về ngành kỹ thuật. Dự kiến, mỗi năm sẽ có khoảng khoảng 1.400 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn.

Ảnh minh họa - KT

Ảnh minh họa - KT

Khi đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, phải quan tâm đến nhiều thách thức, như thị trường nhân lực bán dẫn thay đổi rất nhanh và chu kỳ ngắn, mà nền công nghiệp bán dẫn ở nước ta vẫn đang phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.

Thách thức thứ hai là sinh viên thường có nhu cầu lựa chọn các ngành phần mềm, hoặc các ngành khác dễ học hơn là ngành phần cứng. Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn còn đòi hỏi có chất lượng cao, chất lượng quốc tế, để có thể đáp ứng thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi cho biết: “Thị trường là toàn cầu, cơ hội của mình phải toàn cầu. Bởi vì dù sao thị trường ở trong nước vẫn là thị trường của các công ty FDI, mình phụ thuộc họ rất nhiều. Khi nói thị trường nhân lực, thì nên nói thị trường toàn cầu, thế giới đang thiếu. Nên là việc đào tạo ở Việt Nam mình không chỉ nghĩ cho thị trường trong nước, mà nên nghĩ đến việc là làm sao đào tạo ra một bạn sinh viên, mà bạn ấy có thể làm việc ở nước ngoài.

Ví dụ như là các thầy đào tạo đây 3 năm trong nước, sau đó chấp nhận là sinh viên của mình sang nước khác đào tạo và họ được dùng. Việc đào tạo 3 năm cơ bản ở Việt Nam và sau đó kết hợp với các trường nước ngoài hay các công ty nước ngoài sang bên kia đào tạo tiếp, sau đó các bạn làm việc, thì chúng ta sẽ có một lực lượng lao động cực kỳ lớn”.

Triển lãm Quốc tế Linh kiện điện tử và Sản xuất thông minh tại Việt Nam (từ ngày 28 - 30/11) có sự tham gia của hơn 100 nhà cung cấp, với khoảng 200 gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghệ sản xuất thông minh, linh kiện điển tử, dây cáp, thiết bị điện, công nghệ năng lượng mới, sản phẩm quang điện, pin dự phòng, robot công nghiệp,.. Đây là các sản phẩm thông minh, linh kiện điện tử… được sản xuất trong nước cũng như một số quốc gia khác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Triển lãm được kỳ vọng là “cầu nối” giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp linh kiện điện tử hàng đầu với các nhà máy, doanh nghiệp tại nước ta.

Mai Hạnh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/thach-thuc-va-trien-vong-ve-nhan-luc-cua-nganh-cong-nghiep-chip-ban-dan-viet-nam-post1139100.vov
Zalo