Ký ức đồi C1

'Những ngày tháng khoét núi ngủ hầm, chiến đấu trong đói, rét, nhận cơm tiếp tế thấy dính máu đồng đội do bị thương… những gian khổ, hi sinh đó càng tiếp thêm sức mạnh để mỗi chiến sĩ Điện Biên chiến đấu anh dũng, quả cảm hướng đến ngày chiến thắng' - Đó là chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Đức Am, ở số nhà 46, đường Nguyễn Khắc Cần, thuộc khối 7, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn về ký ức tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 71 năm.

Ông Nguyễn Đức Am bên tấm huân chương được trao vì lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Đức Am bên tấm huân chương được trao vì lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong không khí những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi đến thăm, trò chuyện với ông Nguyễn Đức Am để hiểu hơn về lịch sử hào hùng, chiến công oanh liệt của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã trực tiếp làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dù đã ở tuổi gần 90 nhưng ông vẫn minh mẫn, nhất là khi kể về ký ức những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong chiến dịch, ánh mắt ông đầy tự hào.

Từ pháo thủ số 1 của tiểu đội

Ông Nguyễn Đức Am quê ở huyện Quỳnh Côi (nay là huyện Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình. Ông nhập ngũ tháng 2/1953 tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Côi. Đến tháng 8/1953, ông và nhiều đồng đội được huy động bổ sung cho bộ đội chủ lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bấy giờ, ông thuộc Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại hội 56 (đại đội trợ chiến, chuyên về súng hỏa lực cối 82mm và ĐKZ), thuộc Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Sau quá trình vừa hành quân vừa huấn luyện, đến tháng 1/1954 đơn vị ông có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Tại Điện Biên, khi Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đơn vị ông được lệnh rút về hậu cứ phía Đông Nam cánh đồng Mường Thanh.

Trước đợt 2 của chiến dịch, ông cùng đơn vị có nhiệm vụ làm đường kéo pháo, đào hầm hào từ hậu cứ đến các cứ điểm Điện Biên Phủ. Theo lời kể của ông Am, trong đợt 2 của chiến dịch, từ ngày 30/3 đến ngày 1/5/1954, ông và tiểu đội gồm 19 đồng chí thực hiện nhiệm vụ dùng hỏa lực yểm trợ bằng súng cối 82mm để bộ binh ta tiến lên cứ điểm đồi C1. Khi ấy, ông là pháo thủ số 1 của tiểu đội.

Thời gian đó, quân ta từ tiến công chuyển sang đánh địch phản kích, rồi tổ chức phòng ngự giằng co với địch từng tấc đất. Giằng co, đánh chiếm đến đâu, bộ binh ta dùng vải dù đánh dấu đến đó để tránh hỏa lực của ta bắn nhầm. Bộ binh ta còn lấy cây nâng mũ cối nhấp nhô dọc giao thông hào để nhử địch bắn trả, từ đó giúp ta phát hiện để nã hỏa lực làm tiêu hao sinh lực địch.

Đang hào sảng kể với chúng tôi về những trận đánh, giọng ông Am trùng xuống khi nhắc đến đồng chí Nguyễn Văn Phiệt, quê quán tỉnh Nghệ An, khẩu đội trưởng của tiểu đội. "Tôi vẫn nhớ như in, khoảng 14 giờ ngày 13/4/1954, anh Phiệt đang chỉ huy tiểu đội chiến đấu thì bất ngờ bị trúng mảnh đạn cối vào bụng do địch phản kích. Anh em chúng tôi đưa vào hầm sơ cứu, nhưng do vết thượng nặng, anh ấy đã hi sinh. Trước lúc hi sinh, anh ấy giao nhiệm vụ cho tôi: Đồng chí Am, từ giờ phút này đồng chí thay tôi chỉ huy khẩu đội; cho anh em củng cố công sự, sửa chữa súng, pháo, địch nó phản kích rồi đấy”...

Trong cuộc chiến giành giật từng tấc đất quê hương, rất nhiều đồng chí, đồng đội như khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Phiệt đã hi sinh. Trong giờ phút cuối cùng những chiến sĩ Điện Biên vẫn không màng tính mạng bản thân mà nghĩ tới đồng đội, động viên đồng đội chiến đấu. Khí phách đó càng làm tăng sức mạnh và tính đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta và có lẽ đó là một trong những yếu tố để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đến nhiệm vụ của khẩu đội trưởng

Nhận lệnh của khẩu đội trưởng giao, ông Nguyễn Đức Am đã đảm nhận tốt vai trò chỉ huy tiểu đội yểm trợ hỏa lực cho bộ binh đánh cứ điểm C1. Có một chi tiết rất ấn tượng qua lời kể của ông về cách bắn súng cối của quân ta. Đó là súng cối 82mm thường phải có giá súng để bắn chính xác, tuy nhiên do mang vác chúng lỉnh kỉnh, di chuyển khó khăn nên các chiến sĩ trong tiểu đội của ông đã đặt súng lên mặt đất và ôm nòng điều chỉnh bắn. Bằng kinh nghiệm, những loạt đạn súng cối của tiểu đội có độ chính xác cao, tiêu diệt được nhiều quân địch, mở đường đến bộ binh ta tiến lên giành giật và lấn dần cứ điểm C1.

Đến đợt 3 của chiến dịch, ngay trong ngày 1/5/1954, tiểu đoàn của ông Am đã góp phần giúp quân ta chiếm được cứ điểm C1. Những ngày sau đó, quân ta thừa thắng đẩy mạnh vây lấn, tiêu diệt cứ điểm C2 và lần lượt đánh chiếm các cứ điểm còn lại.

“Chiều 7/5/1954, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống, tất cả binh lính Pháp ra đầu hàng, chúng tôi vui mừng khôn xiết”. “Tôi và đồng đội ôm lấy nhau reo hò, người cầm xẻng, người cầm nồi gõ vang ăn mừng”, niềm hạnh phúc đó thật khó tả.

Nói về những gian khổ, hi sinh của quân và dân ta trong chiến dịch, ông Am bùi ngùi: Từ thời gian lui về hậu cứ, cho đến khi chiến đấu trên cứ điểm đồi C1, chúng tôi vừa chiến đấu vừa xây dựng công sự, đào hào trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự đánh phá của địch. Giữa “mưa bom bão đạn” chúng tôi tranh thủ từng phút, từng giây thay nhau đào từng mét hào. Không kể ngày hay đêm, đói, khát, chúng tôi luôn vững ý chí quyết tâm chiến thắng. Trong cuộc chiến, chúng tôi phải chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống khi thực hiện nhiệm vụ, riêng tiểu đội tôi có 19 đồng chí thì về sau chỉ còn 8 người; hay những nắm cơm nhận tiếp tế chúng tôi thấy dính máu của đồng đội bị thương trong quá trình vận chuyển… Tất cả càng tiếp thêm ý chí để mỗi chiến sĩ Điện Biên chiến đấu anh dũng, quả cảm, giành giật từng tấc đất với quân địch cho đến ngày chiến thắng.

Với những chiến công đó, ông Nguyễn Đức Am đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, do trực tiếp đồng chí Vũ Lăng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 trao trong đợt 2 của chiến dịch và được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì khi tổng kết chiến dịch Điện Biên phủ.

Sau chiến dịch, ông Am tiếp tục tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ trong quân đội. Sau đó, ông đi học Trường Văn hóa Quân đội, rồi Trường Kinh tế Kế hoạch Trung ương. Ra trường, ông công tác tại Mỏ than Na Dương (nay là Công ty Than Na Dương), huyện Lộc Bình, đến năm 1994 ông nghỉ hưu. Những năm sau đó ông tiếp tục tham gia nhiều hoạt động tại địa phương.

Ông Đàm Khải Hoàn, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay trên địa bàn phường còn 3 cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó ông Nguyễn Đức Am ở khối 7. Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nuôi dạy con, cháu trưởng thành và tiếp tục có những cống hiến cho xã hội, tích cực tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ sống có lý tưởng cao đẹp, ra sức học tập, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng với những hi sinh của ông cha ta vì độc lập, tự do cho hôm nay.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ với ông Nguyễn Đức Am và những chiến sĩ Điện Biên sẽ mãi không thể nào quên được. Được trò chuyện, được nghe ông kể về những câu chuyện bi tráng, hào hùng, thế hệ trẻ chúng tôi càng thấy trân trọng hơn những giá trị lịch sử và tri ân sâu sắc trước những cống hiến, hi sinh của cha ông ta. Câu chuyện về những chiến sĩ Điện Biên là bản hùng ca vang mãi đến hôm nay và mai sau…

HOÀNG HUẤN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tran-chien-tren-doi-c1-ky-uc-khong-quen-cua-chien-si-dien-bien-nguyen-duc-am-5046123.html
Zalo