Đại lễ Vesak 2025: Từ bi và hòa bình là nền tảng để xã hội phát triển bền vững

Tại hội thảo nằm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế nhận định từ bi và hòa bình chính là nền tảng để xây dựng một thế giới an lạc và phát triển bền vững.

Ngày 7-5, Đại lễ Vesak 2025 bước vào trọng tâm với chương trình Hội thảo quốc tế kéo dài cả ngày. Diễn đàn chính được tổ chức toàn thể tại hội trường lớn, xoay quanh chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”.

Sau phiên toàn thể, Hội thảo quốc tế Vesak 2025 tiếp tục với năm diễn đàn thảo luận song song bằng tiếng Việt và tiếng Anh, xoay quanh các chủ đề phụ, gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu

Tại mỗi diễn đàn, các tăng, ni, Phật tử đã lắng nghe nhiều chia sẻ sâu sắc từ các chuyên gia, học giả trong và ngoài giới Phật giáo.

 Phiên hội thảo chủ đề "Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người” thu hút sự quan tâm của các tăng, ni, Phật tử.

Phiên hội thảo chủ đề "Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người” thu hút sự quan tâm của các tăng, ni, Phật tử.

Trong đó, chủ đề "Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người” thu hút sự quan tâm đặc biệt.

Phiên tọa đàm này do Thượng tọa Thích Quang Thạnh (Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM) và Ni sư Thích Nữ Tuệ Liên (Ủy viên thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) đồng chủ trì.

Từ bi và hòa bình là nền tảng

 Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Phát biểu tại đây, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế – nhấn mạnh hai giá trị cốt lõi của đạo Phật: Từ bi và hòa bình.

Theo ngài, từ bi không chỉ là cảm xúc mà là hành động cụ thể của lòng trắc ẩn. Đây chính là khả năng mang niềm vui, xoa dịu nỗi khổ cho tất cả mọi người.

Hòa bình, theo tinh thần Phật giáo, không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh, mà còn là trạng thái yên bình trong tâm hồn và sự hòa hợp trong xã hội. Đó là nền tảng cần thiết để xây dựng một thế giới an lạc và phát triển bền vững.

"Hãy lặng yên một chút để nhìn lại thế giới hôm nay...Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, nghèo đói, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt... vẫn diễn ra liên tục và đang gây ra thảm họa lớn cho con người. Có lẽ, chính chúng ta phải tự nhìn nhận lại tâm tư và nghiệp quả của mình, để tìm ra cách thức giải quyết, bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhưng thiết thực trong cuộc sống” - Hòa thượng Thích Hải Ấn bày tỏ.

Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phật giáo không xem hòa bình là kết quả từ bên ngoài, mà khởi nguồn từ chính hành động của mỗi cá nhân. Nếu xã hội được vận hành bởi từ bi và trí tuệ, con người sẽ biết sống hòa thuận, giảm bớt khổ đau và tiến gần đến giác ngộ.

Do đó, Hòa thượng Thích Hải Ấn mong rằng mỗi người nên sống với lòng từ bi, làm những việc thiện để góp phần tạo dựng một xã hội an lành cho tất cả mọi người.

 Thượng tọa Thích Quảng Hợp (chùa Song Quỳnh, tỉnh Bắc Ninh).

Thượng tọa Thích Quảng Hợp (chùa Song Quỳnh, tỉnh Bắc Ninh).

Cũng tại phiên thảo luận, Thượng tọa Thích Quảng Hợp (chùa Song Quỳnh, tỉnh Bắc Ninh) bày tỏ để Phật giáo được phát triển bền vững trong tương lai, Giáo hội Phật giáo Quốc tế, các quốc gia, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cần tích cực quảng bá giáo lý này thông qua các hội thảo khoa học, đặc biệt vào các dịp lễ hội Phật giáo, để mọi người trên thế giới có thể hiểu rõ hơn.

"Để góp phần xây dựng một xã hội an bình và phát triển đạo pháp bền vững, mỗi tu sĩ Phật giáo cần học và thực hành chánh niệm một cách nghiêm túc” - Thượng tọa Thích Quảng Hợp đề nghị.

Phật giáo đóng vai trò quan trọng

Tham dự hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Hà Nội nhận định Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam từ khi du nhập đến nay.

 PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Hà Nội

"Các giá trị trong Phật giáo như sự giản dị, trách nhiệm và lòng vị tha đã trở thành kim chỉ nam để giải quyết các vấn đề đạo đức, khủng hoảng giá trị cuộc sống và lối sống tiêu cực trong xã hội hiện đại.

Cạnh đó, Phật giáo còn tích cực tham vào các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người nghèo, giúp đỡ các nhóm yếu thế và đóng góp vào việc giảm bất bình đẳng xã hội. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều tổ chức Phật giáo đã phát động các phong trào như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên” - PGS.TS Ngọc nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng nhận định, các lễ hội và nghi lễ Phật giáo cũng là dịp để gắn kết cộng đồng, duy trì và phát huy các hệ thống truyền thông văn hóa có giá trị. Để từ đó, chúng ta có thể ứng dụng các giá trị tư tưởng Phật giáo trong sự xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

"Bên cạnh xã hội và kinh tế, về môi trường, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong công việc giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên và duy trì sự cân bằng sinh thái thông qua các hoạt động giảng dạy và thực hành đạo đức.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ những giá trị nhân văn và hành động thiết thực, Phật giáo đã tạo nên những giá trị lâu dài, góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững, nhân văn và hòa bình” - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc bày tỏ.

THĂNG BÌNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-le-vesak-2025-tu-bi-va-hoa-binh-la-nen-tang-de-xa-hoi-phat-trien-ben-vung-post848470.html
Zalo