Đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia một số nội dung về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Sáng nay, 15/2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã tham gia một số nội dung về Dự án luận này.
Đối với quy định tại Điều 2 dự thảo về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, đại biểu cho rằng: Quy định như Khoản 1, Điều 2 chưa có gì đổi mới, chưa phù hợp với xu hướng tinh gọn bộ máy hiện nay. Bởi lẽ, chủ trương của Đảng qua nhiều kỳ đại hội gần đây đều chỉ đạo phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm nông thôn, hải đảo.
![Đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia một số nội dung về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương - Ảnh: TT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_450_51482248/264f9cbaaff446aa1fe5.jpg)
Đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia một số nội dung về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương - Ảnh: TT
Thực tiễn cũng cho thấy, sau khi sửa Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và đến nay là TP. Hải phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị một cấp và cho thấy mang lại hiệu quả rất tốt.
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại, phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn. Điều này cũng không trái với Hiến pháp.
Do đó, đại biểu đã đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, trong khi chưa đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đã đề nghị đánh giá lại sự cần thiết của quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 của Điều này; trong trường hợp không cần thiết thì có thể xem xét đưa ra khỏi dự thảo.
Liên quan đến quy định tại Điều 3 của dự thảo về phân loại đơn vị hành chính, quyền chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: không nên phân loại đơn vị hành chính; bởi vì các đơn vị hành chính được thành lập phải căn cứ vào an ninh, quốc phòng, vị trí địa lý, yêu cầu quản lý kinh tế xã hội là chính. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chủ yếu chỉ dựa vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự là chuẩn xác. Đại biểu lấy ví dụ: tỉnh đông dân thì quan trọng hơn hay tỉnh diện tích rộng hơn thì quan trọng hơn.
Dự thảo quy định “Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương ...” sẽ dẫn đến dễ nảy sinh sự phân biệt về chính sách giữa các đơn vị hành chính và phân biệt đội ngũ CBCC,... Vì vậy, nên xem xét bỏ điều này.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đã tham gia góp ý theo quy định tại Điều 4 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương: Theo đại biểu, trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa thấy đề cập đến phân quyền, phân cấp và yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương khi được phân quyền mạnh.
Đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc này. Liên quan đến quy định tại Khoản 3, Điều 4 không nên quy định “tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương” như khẩu hiệu, mà cần sửa đổi lại, việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phải “phù hợp với nguyên tắc những việc của địa phương phải do địa phương quyết, địa phương thực hiện và địa phương chịu trách nhiệm”.
Ở khía cạnh khác, đại biểu cho rằng tại Khoản 4, Điều 4 không nên quy định như dự thảo “Quản trị địa phương hiện đại, minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình”. Dự thảo Luật cần phải giải thích từ ngữ “Quản trị địa phương” là gì thì mới quy định chuẩn nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh các quy định tại: Khoản 4, Điều 4 như sau“Đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch và phát huy được hết các nguồn lực của địa phương”; Khoản 5, Điều 4 là “Đảm bảo mục tiêu Tinh- Gọn- Mạnh- Hiệu năng- Hiệu lực- Hiệu quả”; Khoản 6, Điều 4 phải bảo đảm nguyên tắc là “nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm và phục vụ nhân dân”...
Về quy định tại Điều 6 Ủy ban nhân dân; hiện nay, một TP. trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hải phòng đang thực hiện ở quận hoặc ở phường không tổ chức HĐND. Nhưng UBND vẫn là chính quyền địa phương. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, bổ sung thêm quy định về UBND ở những nơi không tổ chức HĐND.
Đại biểu cũng đề cập: (i) Tại Khoản 2, Điều 9 không nên quy định chung điều kiện như dự thảo đối với việc sáp nhập, thành lập, giải thể, ... mà cần phải quy định riêng điều kiện thành lập với điều kiện sáp nhập, điều kiện giải thể và trường hợp đặc biệt nào mới thực hiện việc chia tách đơn vị hành chính; (ii) tại Điểm h, Khoản 2, Điều 12 quy định nguyên tắc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện khác thì rất khó thực hiện, vì vậy, nên xem xét bỏ quy định về nguyên tắc này; (iii) đối với Khoản 1, Điều 36 không nên giao Chính phủ quy định các ủy viên UBND mà cần quy định cụ thể trong Luật về cơ cấu tổ chức của UBND, hơn nữa, không nên bao gồm các ủy viên là giám đốc các sở, ngành.
Bởi lẽ, các sở, ngành chỉ là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND tỉnh. Do vậy, cơ cấu tổ chức của UBND chỉ nên gồm: chủ tịch, phó Chủ tịch, người đứng đầu đơn vị quân đội và công an cùng cấp. Tương tự, đối với UBND nơi không tổ chức HĐND thì cũng nên đưa người đứng đầu quân đội và công an cùng cấp tham gia cơ cấu tổ chức UBND vì đó cũng là chính quyền địa phương.