Khi nào xuất hiện nắng nóng, bắt đầu mùa hè năm 2025?

Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 3-4, nắng nóng có thể xảy ra chủ yếu ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ; cường độ nắng nóng có khả năng ít gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2024.

Nắng nóng có thể xuất hiện từ tháng 3

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tại, hiện tượng ENSO đang trong điều kiện La Nina, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương thấp hơn 0,6 độ C so với trung bình nhiều năm trong tuần đầu tháng 2. Từ tháng 3 đến tháng 5/2025, ENSO có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính với xác suất từ 60-70%.

Từ tháng 3-5 bão/áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông và tương đương với mức trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông có 0,9 cơn).

Nắng nóng có thể xuất hiện từ tháng 3.

Nắng nóng có thể xuất hiện từ tháng 3.

Trong tháng 3, hoạt động của không khí lạnh xấp xỉ trung bình nhiều năm với trung tâm áp cao lạnh lục địa có xu hướng lệch ra phía Đông nên gây ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù ở các tỉnh miền Bắc. Từ tháng 4/2025 hoạt động của không khí lạnh suy giảm dần.

Trong tháng 3, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một số ngày mưa rào rải rác và có nơi có dông. Từ tháng 4 mưa có khả năng xuất hiện sớm và gia tăng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ; khu vực Bắc Bộ mùa mưa xuất hiện tương đương với trung bình nhiều năm.

Nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ với số ngày nắng nóng ít hơn so với năm 2024. Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 3-4, nắng nóng có thể xảy ra chủ yếu ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ; cường độ nắng nóng có khả năng ít gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2024. Từ tháng 5/2025, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ lan dần sang phía Đông, khu vực Trung Bộ nắng nóng có khả năng gia tăng.

Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, trong thời kỳ này, không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền. Trên đất liền, không khí lạnh lệch đông và biến tính gây ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, đặc biệt ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ tác động đến các hoạt động dân sinh cũng như giao thông của người dân. Ngoài ra, trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh nguy hiểm. Các đợt nắng nóng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và sức khỏe cộng đồng.

Dự báo, tháng 3-5, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng tháng 5, nhiệt độ trung bình tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ cao hơn 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tháng 3-4, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (tổng lượng mưa tháng 3 phổ biến từ 40-80mm, có nơi cao hơn; tổng lượng mưa tháng 4 phổ biến từ 70-120mm, vùng núi có nơi trên 150mm). Tháng 5/2025 tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ cho đến cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm, riêng vùng núi có nơi thấp hơn 5-15% (tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, vùng núi có nơi trên 300mm).

Khu vực Trung Bộ trong tháng 3, tổng lượng mưa khu vực Bắc Trung Bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ 40-80mm, có nơi cao hơn; tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ cao hơn từ 5-10mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, phổ biến 40-70mm. Tháng 4/2025, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, khu vực Nam Trung Bộ cao hơn 10-20mm so với trung bình nhiều năm.

Cụ thể, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến 60-100mm, có nơi cao hơn, khu vực Nam Trung Bộ phổ biến 30-60mm, có nơi cao hơn. Tháng 5/2025, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi cao hơn).

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa trong tháng 3 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10mm; phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm. Tháng 4, tổng lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30mm (tổng lượng mưa phổ biến 70-120mm, riêng Nam Tây Nguyên phổ biến 130-200mm, có nơi cao hơn. Tháng 5, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi cao hơn).

Nhiệt độ mùa hè nhiều khu vực cao hơn trung bình nhiều năm

Nhận định về xu thế khí tượng, thủy văn, hải văn từ tháng 6-8, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thời kỳ này hiện tượng ENSO có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính. Hoạt động bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền ở mức tương đương trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông: 5,2 cơn, đổ bộ vào đất liền: 1,9 cơn).

Ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, nắng nóng diện rộng có khả năng chấm dứt từ tháng 6/2025. Từ tháng 6-8/2025, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng có khả năng còn duy trì. Trong các tháng mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm do gió mùa Tây Nam hoạt động yếu hơn bình thường.

Bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển Biển Đông; hiện tượng nắng nóng, mưa lớn và dông, lốc, sét có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.

Tháng 6, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; từ tháng 7-8 cao hơn 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tháng 6-7, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa tháng 6 phổ biến từ 150-250mm, khu vực vùng núi 250-500mm, có nơi trên 500mm; tháng 7-8 phổ biến: 250-500mm, có nơi cao hơn).

Khu vực Trung Bộ tháng 6-8, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa tháng 6 phổ biến 70-150mm, có nơi cao hơn; tháng 7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Huế phổ biến 150-250mm, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phổ biến 60-130mm, có nơi cao hơn; tháng 8, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến 150-300mm, khu vực Nam Trung Bộ phổ biến 60-130mm, có nơi cao hơn).

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 6-8, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm tháng 6 phổ biến 200-300mm, tháng 7-8 phổ biến 250-400mm, có nơi cao hơn).

Lưu vực sông Mê Kông, tổng lượng mưa trên hầu khắp lưu vực sông trong các tháng từ 6-8 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Bắc Bộ từ tháng 6-8 trên các sông có khả năng xuất hiện 3-4 đợt lũ, mực nước có xu thế lên dần. Tình hình nguồn nước trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-40%, riêng sông Cầu tại Gia Bảy và sông Lục Nam tại Chũ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5%.

Từ tháng 6-8, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ nhỏ, các sông ở Hà Tĩnh xuất hiện một số đợt dao động mạnhLượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An tăng dần, các sông ở Hà Tĩnh ít biến đổi. Lưu lương trên các sông ở Thanh Hóa cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 5-10%; các sông ở Nghệ An thấp hơn từ 25-40%; các sông ở Hà Tĩnh: sông Ngàn Phố thấp hơn từ 30-65%, sông Ngàn Sâu thấp hơn từ 10-30%.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-nao-xuat-hien-nang-nong-bat-dau-mua-he-nam-2025-169250214211640976.htm
Zalo