Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm, BOJ khó ra quyết định lãi suất
Nền kinh tế Nhật đã bắt đầu mất đi sự hỗ trợ từ nhu cầu bên ngoài trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào đầu tháng 4...

Quận Minato ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản - Ảnh: Bloomberg.
Nền kinh tế Nhật Bản đã có quý suy giảm lần đầu tiên trong vòng 1 năm trở lại đây trong quý 1 vừa qua, với mức giảm sâu hơn so với dự báo. Dữ liệu này cho thấy sự phục hồi kinh tế Nhật đang trở nên mong manh trước mối đe dọa thuế quan từ Mỹ.
Theo số liệu sơ bộ được Chính phủ Nhật Bản công bố sáng 16/5, tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực của nước này giảm 0,7% trong 3 tháng đầu năm. Đây là số liệu tính theo phương pháp hiệu chỉnh theo các yếu tố mùa vụ để phản ánh biến động theo kỳ 1 năm (SAAR). Trước đó, thị trường dự báo kinh tế Nhật giảm 0,2% trong quý 1 sau khi tăng 2,4% trong quý 4/2024.
Sự suy giảm này chủ yếu do tiêu dùng của khu vực tư nhân trong nước trì trệ và xuất khẩu giảm, cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu mất đi sự hỗ trợ từ nhu cầu bên ngoài trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào đầu tháng 4.
Nhật Bản là một nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu ô tô. Các kế hoạch thuế quan của ông Trump vì thế đang phủ bóng lên trên vọng tăng trưởng của kinh tế Nhật. Đàm phán thương mại Mỹ - Nhật đang được tiến hành, nhưng chưa đi đến được một thỏa thuận nào sau 3 cuộc gặp cấp cao. Tokyo mới đây bày tỏ hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với Mỹ vào tháng 6.
“Kinh tế Nhật đang thiếu động lực tăng trưởng vì xuất khẩu và tiêu dùng đều yếu. Nền kinh tế sẽ rất dễ tổn thương trước những cú sốc như thuế quan Mỹ”, nhà kinh tế cấp cao Yoshiki Shinke của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life với hãng tin Reuters.
“Các số liệu vừa công bố có thể dẫn tới những lời kêu gọi Chính phủ Nhật tăng chi tiêu tài khóa”, ông Shinke nhận định, nói thêm rằng nền kinh tế có thể lại suy giảm trong quý 2 tùy thuộc vào mức độ tác động của thuế quan.
Nếu so với quý trước, kinh tế Nhật Bản giảm 0,2% trong quý 1, sâu hơn mức giảm 0,1% mà giới phân tích đưa ra.
Tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực đóng góp hơn một nửa sản lượng kinh tế của Nhật, đi ngang trong quý 1, thay vì tăng 0,1% như dự báo của thị trường. Đầu tư cơ bản tăng 1,4%, cao hơn so với dự báo tăng 0,8%.
Nhu cầu bên ngoài làm giảm 0,8 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Nhật do xuất khẩu giảm 0,6% mà nhập khẩu tăng 2,9% trong quý 1. Ngược lại, nhu cầu trong nước mang lại 0,7 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP.
“Đầu tư cơ bản tăng có thể liên quan đến việc đẩy mạnh xuất khẩu trước khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực. Nền kinh tế có thể tăng trưởng dương trở lại trong quý 2, nhưng động lực sẽ yếu”, nhà kinh tế trưởng Takeshi Minami của Viện nghiên cứu Norinchuki đánh giá.
“Nếu ảnh hưởng của thuế quan Mỹ là nhẹ nhàng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tăng lãi suất vào tháng 9 hoặc tháng 10. Nhưng nếu thuế quan ảnh hưởng mạnh tới đầu tư cơ bản và xuất khẩu, việc tăng lãi suất có thể bị trì hoãn”, ông Minami nói thêm.
Các chính sách thuế quan của Mỹ đang khiến BOJ khó đưa ra quyết định về việc lúc nào nên tiến hành đợt tăng lãi suất tiếp theo và tăng đến mức nào là đủ.
Sau khi chấm dứt chính sách lãi suất âm kéo dài nhiều năm vào năm ngoái, BOJ tăng lãi suất lên 0,5% vào tháng 1 năm nay và phát tín hiệu sẵn sàng tăng lãi suất thêm nếu sự phục hồi kinh tế diễn ra vừa phải giúp Nhật Bản đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Tuy nhiên, mối lo ngại về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu do thuế quan đã buộc BOJ giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 30/4-1/5. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cũng bày tỏ hoài nghi về việc xu hướng tăng của tiền lương có thể hỗ trợ tiêu dùng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận hòa hoãn thuế quan trong 90 ngày mới đây đã mang lại cho thị trường và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ một sự giải tỏa nhất định. Tuy nhiên, chưa ai có thể dám chắc Nhật Bản có thể đạt được một thỏa thuận giảm thuế quan với Mỹ hay không.
Ngoài ra, dữ liệu GDP ảm đạm cũng có thể gia tăng sức ép đối với Thủ tướng Shigeru Ishiba trong việc đáp ứng yêu cầu của các nghị sỹ về cắt giảm thuế hoặc soạn thảo một gói kích thích kinh tế mới.