Chợ Thiếc có nghiệp đoàn, tiểu thương thêm chỗ tựa
Sự ra đời của nghiệp đoàn thương nhân chợ Thiếc được xem là điểm tựa tập thể, giúp tiểu thương gắn kết, hỗ trợ nhau giữ lửa nghề.
Hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận 11 đã tổ chức lễ ra mắt Nghiệp đoàn thương nhân chợ Thiếc vào ngày 14-5.
Sự ra đời của Nghiệp đoàn thương nhân chợ Thiếc được xem là điểm tựa tập thể cho tiểu thương, nơi gắn kết, bảo vệ quyền lợi và tiếp thêm động lực để giữ gìn ngọn lửa nghề truyền thống.
"Có tổ chức đại diện, bà con tiểu thương mình an tâm hơn"
Gắn bó với ngành buôn bán quần áo may sẵn hơn 30 năm tại chợ Thiếc (quận 11), bà Nguyễn Thị Thúy Nga (ngụ quận 11) vẫn đều đặn mở sạp mỗi ngày, xem việc buôn bán như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Ban đầu, bà chưa từng nghĩ đến việc tham gia nghiệp đoàn thương nhân. Tuy nhiên, sau buổi họp do LĐLĐ quận 11 phối hợp cùng Ban quản lý chợ Thiếc tổ chức, bà nhận thấy những lợi ích thiết thực nên quyết định xin vào nghiệp đoàn. Không chỉ tham gia, bà còn vận động hơn 10 đồng nghiệp cùng vào nghiệp đoàn.


Bà Nga tại sạp bán hàng đã hơn 30 năm. Ảnh: HẢI NHI
Theo bà Nga, khi gặp khó khăn hay có điều gì cần góp ý, tiểu thương giờ đây có thể phản ánh trực tiếp với nghiệp đoàn. Điều này giúp việc giải quyết khó khăn trở nên thuận tiện và rõ ràng hơn so với trước.
“Quyền lợi của mình thì mình phải tự lo, chứ đợi ai kêu thì biết đến bao giờ. Tôi nói vậy, mấy chị em thấy hợp lý nên tham gia. Điều mà tôi cảm thấy rõ ràng nhất chính là việc tiểu thương hiện nay đã có một tổ chức đại diện trực tiếp, bà con tiểu thương mình an tâm hơn.
Mới đây, Ban quản lý chợ sửa lại bãi giữ xe, đường làm lại, cửa mở rộng ra. Từ đó, chợ khởi sắc lên chút khiến không khí chợ sáng sủa và khách vãng lai đông hơn” - bà Nga bày tỏ.
Tương tự, chị Lê Nguyễn Anh Thơ (ngụ quận 11) cho biết chị là con của một thương nhân truyền thống, gia đình có truyền thống bán thịt. Việc buôn bán tại chợ Thiếc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị.

Bà Phan Thị Minh Duyên, Chủ tịch LĐLĐ quận 11 tặng quà cho chị Thơ (bên phải).
"Tôi bán ở chợ này cũng hơn 20 năm rồi, từ hồi còn nhỏ theo mẹ đi bán đến giờ. Làm nghề lâu năm, tôi chứng kiến nhiều thăng trầm của tiểu thương, nhất là sau đại dịch COVID-19. Giờ sức mua ở chợ truyền thống giảm mạnh, nhiều sạp phải đóng cửa vì không trụ nổi" - chị Thơ bộc bạch.
Chính vì vậy, khi được liên hệ để tham gia vào nghiệp đoàn chợ Thiếc, chị Thơ đồng ý ngay. Chị cho rằng đây là lần đầu tiên bà con tiểu thương có một tổ chức đại diện rõ ràng, có người đứng đầu, có nơi để bày tỏ mong mỏi, đề đạt ý kiến một cách trực tiếp và chính thức.
“Công nhân thì xưa giờ có LĐLĐ rồi. Còn tiểu thương mình thì không có ai đại diện. Bà con mong mỏi nhiều lắm. Có nghiệp đoàn, có tổ chức thì người ta sẽ hỗ trợ mình kịp thời hơn. Chỉ mong chợ truyền thống mình được duy trì tốt hơn” - chị Thơ chia sẻ.
Nghiệp đoàn đầu tiên dành riêng cho tiểu thương
Ông Lương Phương Quân, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 11, cho biết việc thành lập nghiệp đoàn thương nhân là chủ trương triển khai theo kế hoạch của LĐLĐ TP.HCM nhằm phát triển công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn và đoàn viên.
Qua khảo sát thực tế, LĐLĐ quận xác định ba chợ chính trên địa bàn gồm chợ Thiếc, chợ Bình Thới và chợ Phú Thọ. Trong đó, chợ Thiếc được đánh giá có điều kiện thuận lợi nhất để thành lập nghiệp đoàn thương nhân do nhận được sự đồng thuận cao từ tiểu thương.
"Sau hơn một tháng vận động, nghiệp đoàn thương nhân chợ Thiếc đã ra mắt, thu hút 55 thương nhân tham gia" - ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, trong quá trình khảo sát, LĐLĐ quận phối hợp với cấp ủy và Ban quản lý chợ tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động tiểu thương. Khi tham gia nghiệp đoàn, đoàn viên sẽ được phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và được chăm lo khi gặp khó khăn đột xuất như bệnh hiểm nghèo, khó khăn về nhà ở. Nếu đủ điều kiện, đoàn viên còn có thể được hỗ trợ “Mái ấm công đoàn”.
"Quận 11 hiện nay có sáu nghiệp đoàn gồm: Nghiệp đoàn xe ôm, nghiệp đoàn cắt tóc, hai nghiệp đoàn giữ trẻ, nghiệp đoàn sửa xe gắn máy và nghiệp đoàn thủy tinh. Nghiệp đoàn thương nhân chợ Thiếc là nghiệp đoàn thứ bảy và đầu tiên dành riêng cho tiểu thương" - ông Quân cho biết.
Ông Phạm Hữu Hạnh, Trưởng ban Quản lý chợ Thiếc (UBND quận 11), cho biết nghiệp đoàn thương nhân chợ Thiếc sẽ là cánh tay nối dài của Ban quản lý, góp phần xây dựng cộng đồng tiểu thương ổn định, văn minh và phát triển bền vững.
Mở ra hướng đi mới trong việc chăm lo đời sống, an sinh
Trao đổi với PLO, ông Trương Hồng Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP.HCM, cho biết nghiệp đoàn thương nhân chợ Thiếc là nghiệp đoàn đầu tiên trên địa bàn TP. Đối tượng là các tiểu thương, người buôn bán nhỏ lẻ tại một chợ truyền thống lâu đời của thành phố.
Đây cũng là tổ chức nghiệp đoàn đầu tiên trên cả nước dành cho nhóm lao động tự do, được thành lập để đưa họ vào tổ chức Công đoàn Việt Nam một cách hợp pháp.
Mục tiêu của nghiệp đoàn là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lực lượng lao động tự do – những người đang ngày ngày bám chợ mưu sinh, cung ứng nhu yếu phẩm và thực phẩm cho người dân khu vực.
“Mô hình này không chỉ tạo sự gắn kết trong cộng đồng tiểu thương, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc tập hợp người lao động, triển khai chăm lo đời sống, an sinh một cách thiết thực trong bối cảnh kinh tế thị trường” - ông Sơn khẳng định.
Nghiệp đoàn là gì?
Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của công đoàn. Nghiệp đoàn tập hợp những người lao động tự do cùng ngành nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất 10 người, có người đứng đầu. Tính đến hết năm 2024, toàn hệ thống công đoàn cấp trên đang quản lý trực tiếp 160 nghiệp đoàn cơ sở với 17.941 đoàn viên.