Kinh tế học cho người mới bắt đầu
Trong đời sống xã hội, các hoạt động kinh tế diễn ra hằng ngày, thế nhưng không phải ai cũng có thể cân đong đo đếm hợp lý trong chi tiêu, biết tư duy mua bán linh hoạt, hay có những quyết định đầu tư mang lại lợi ích cho cá nhân và gia đình.
Những cuốn sách kinh tế cho người mới bắt đầu mang lại cho người đọc những kiến thức cơ bản và dễ tiếp cận.

Một số đầu sách kinh tế cho độc giả phổ thông.
“Nếu bạn được tặng 20 bảng trong ngày sinh nhật của mình thì bạn làm sao để quyết định chi nó vào thứ gì?”, hoặc nếu “bạn chỉ còn đúng năm phút để tới kịp lễ khai mạc buổi hội thảo vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp của mình trong khi vẫn đang loay hoay tìm chỗ đậu xe” thì bạn sẽ lựa chọn thế nào, “chấp nhận bị phạt hành chính vì đỗ xe sai nơi quy định để tới hội thảo đúng giờ hay tiếp tục tìm kiếm bãi đỗ xe và đến muộn?”. Đây chỉ là hai ví dụ trong vô số tình huống mà thực ra chính là bài toán kinh tế mà mỗi người trong chúng ta đều phải tìm lời giải hằng ngày. Tác giả cuốn “Lược sử kinh tế học” (NXB Thế giới) Niall Kishtainy cho rằng: “Từ kinh tế học nghe có thể hơi khô khan và khiến bạn nghĩ đến hàng đống số liệu thống kê nhàm chán. Nhưng thực ra nó chỉ đề cập đến việc làm thế nào để giúp mọi người sống sót, khỏe mạnh và được giáo dục. Nó đề cập đến việc mọi người có được những gì họ cần để sống cuộc đời trọn vẹn và hạnh phúc như thế nào - và tại sao một số người thì không có được những thứ đó. Nếu chúng ta có thể giải quyết các câu hỏi kinh tế cơ bản, có lẽ chúng ta có thể giúp mọi người sống tốt hơn”. Nhận thức được tầm quan trọng của những hiểu biết kinh tế học căn bản đối với mỗi người, tác giả Niall Kishtainy mang đến cho độc giả những diễn giải cuốn hút và dễ hiểu về hình thái, học thuyết, vấn đề và quy luật kinh tế then chốt kèm những ví dụ minh họa sinh động và gần gũi.
Theo các chuyên gia, từ “economic” (kinh tế học) được bắt nguồn từ chữ “oeconomicus” trong tiếng Hy Lạp, trong đó “oikos” là ngôi nhà và “nomos” là luật hay quy tắc. Vì vậy, đối với người Hy Lạp, ban đầu kinh tế học bàn về cách các hộ gia đình quản lý tài nguyên của họ, còn ngày nay, kinh tế học bao gồm cả việc nghiên cứu các công ty và các ngành công nghiệp. Bộ đôi sách “Kinh tế - Khái lược những tư tưởng lớn” và “Kinh doanh - Khái lược những tư tưởng lớn” của NXB DK biên soạn, do Đông A và NXB Dân trí chuyển ngữ, được viết với văn phong đơn giản, cách giải thích ngắn gọn, súc tích về các lý thuyết kinh tế quan trọng giúp người đọc tiếp cận những kiến thức cốt lõi về kinh tế, kinh doanh và thị trường thế giới. Điều gì xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế? Tiền tệ vận hành ra sao? Vì sao chúng ta phải đóng thuế? Thế nào là giá công bằng?... - những thắc mắc này sẽ được giải thích trong bộ sách với các biểu đồ dễ hiểu, các câu trích dẫn kinh điển dễ nhớ, và các hình minh họa dí dỏm nhằm mang lại niềm hứng thú cho độc giả. Bộ sách giúp người đọc nhận ra kinh tế học ảnh hưởng đến từng khía cạnh của đời sống hằng ngày, từ việc đi làm đến cách tiêu tiền và các ý tưởng kinh tế lớn vẫn đang tiếp tục định hình thế giới ngày nay.
Kinh tế học không phải là lĩnh vực cao siêu, xa vời chỉ dành riêng cho các nhà kinh tế học, chính trị gia hay doanh nhân mà các hoạt động của kinh tế hiện diện trong mọi quyết định lớn nhỏ của mỗi người trong đời sống. Mỗi cá nhân nếu hiểu biết phần nào về kinh tế học sẽ thấy được vị trí của mình trong bức tranh chung và những làn sóng lớn đang đẩy dạt mình về đâu. Đó là thông điệp trong cuốn sách “Kinh tế học thời khó nhọc” (NXB Trẻ) của hai tác giả Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo. Cuốn sách trình bày những nghiên cứu kinh tế mới nhất để gợi mở giải pháp cho những vấn đề kinh tế trọng yếu như nhập cư, thương mại, tăng trưởng, bất bình đẳng, môi trường, ở nhiều quốc gia trên thế giới qua các bài viết: “Từ hàm cá mập”, “Nỗi đau thương mại”, “Sở thích, ước muốn, và nhu cầu”, “Dấu chấm hết cho tăng trưởng?”, “Giữa cảnh nước sôi lửa bỏng”, “Đưa tiền đi liền chăm nom”...
Abhijit V. Banerjee cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Hiểu nghèo thoát nghèo” (NXB Trẻ). Đây là cuốn sách có nội dung phong phú, ra đời từ những hiểu biết sâu sắc về đời sống kinh tế của người nghèo. Mỗi chương sách đi vào từng vấn đề nổi cộm, bắt đầu từ những khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống gia đình: Tại sao người nghèo khi có thêm tiền thì mua ti vi thay vì mua thực phẩm? Họ làm gì để giải quyết vấn đề học hành của con cái, sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình họ? Phải chăng việc sinh con là lý do thực sự khiến gia đình nghèo đi?... Sau đó cuốn sách phân tích bằng cách nào thị trường và các thể chế tác động đến người nghèo. Với lối hành văn khoa học, mạch lạc và đơn giản, cuốn sách mang lại cho người đọc cái nhìn rõ nét và khoa học hơn về nghèo đói và thoát nghèo. Quan trọng nhất, cuốn sách làm sáng tỏ câu hỏi tại sao cần phải hy vọng và không ngừng học hỏi, tại sao phải tiếp tục cố gắng mỗi khi thách thức tưởng như quá sức chịu đựng, và thành công không phải lúc nào cũng xa xôi như ta tưởng.
Đi sâu vào việc tìm hiểu về cuộc đời và công trình của các nhà kinh tế học nổi tiếng như Adam Smith, John Maynard Keynes, Amartya Sen, Karl Marx, Friedrich Hayek... cuốn sách “Tư duy như kinh tế gia” (NXB Thế giới) được viết bởi Robbie Mochrie dẫn dắt người đọc tìm hiểu về nguồn gốc, sự phát triển của các lý thuyết kinh tế quan trọng và ảnh hưởng của kinh tế học trong thế giới hiện đại mà chúng ta đang là một phần của nó. Cuốn sách phù hợp cho các độc giả phổ thông muốn bắt đầu tìm hiểu hoặc mở rộng kiến thức về kinh tế.