Cần làm rõ những đơn vị cấp 'danh hiệu' để doanh nghiệp làm 'phông bạt' tiêu thụ sữa giả

Để đánh lừa được người tiêu dùng mua sản phẩm sữa bột giả, các đối tượng đã đặt 'mua' danh hiệu để làm 'phông bạt' thu hút niềm tin của người tiêu dùng, từ đó thuận lợi bán ra thị trường trục lợi hàng trăm tỷ đồng.

 Mỗi sản phẩm sữa bột giả thường gắn với một danh hiệu để thu hút niềm tin với người tiêu dùng

Mỗi sản phẩm sữa bột giả thường gắn với một danh hiệu để thu hút niềm tin với người tiêu dùng

Tạo “phông bạt” cho sản phẩm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PNVN, rất nhiều các nhãn hiệu sữa giả được sản xuất ra đều gắn với những danh hiệu rất mỹ miều, từ đó được trưng ra trong các thông tin hình ảnh, clip quảng cáo bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội để đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ tin tưởng đây là sữa thật, có chất lượng tốt, nên đã bỏ tiền ra mua và hy vọng sản phẩm này sẽ giúp họ vượt qua bệnh tật.

Sản phẩm CELAC đạt danh hiệu “Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng Châu Á - Thái Bình Dương năm 2022”

Sản phẩm CELAC đạt danh hiệu “Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng Châu Á - Thái Bình Dương năm 2022”

Cụ thể, sản phẩm Sure IQ được cấp danh hiệu “Thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, dịch vụ tiêu biểu năm 2021”, còn sản phẩm CELAC thì được cấp danh hiệu “Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng Châu Á - Thái Bình Dương năm 2022”.

Anh Nguyễn Phúc Minh, một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, cho biết: “Hầu như các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm chức năng đều “trang bị” cho sản phẩm của công ty mình các danh hiệu để tôn vinh sản phẩm, nâng tầm thương hiệu sản phẩm, từ đó mới thu hút được sự chú ý, sự tin tưởng của người tiêu dùng. Để có những danh hiệu này thì rất dễ dàng, chỉ bỏ ra từ 10 - 20 triệu đồng là có ngay, tùy theo cấp độ của danh hiệu mà thôi”.

"Các danh hiệu này thực chất chỉ là hình thức mua bán, chẳng có Hội đồng bình chọn, đánh giá nào cả, mua danh hiệu nào thì có giá đó, cứ đưa thông tin sản phẩm và nộp tiền, đến ngày tổ chức thì lên sân khấu nhận danh hiệu, sau đó Ban tổ chức cung cấp hình ảnh, clip trả cho khách hàng. Rồi họ mang các hình ảnh, clip đó về chạy quảng cáo khi bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút niềm tin của người tiêu dùng", anh Minh cho hay.

Chị Phạm Mai Hương, ở Q.Long Biên, Hà Nội, bức xúc: “Họ dàn dựng các kịch bản lừa đảo quá tinh vi, đánh vào tâm lý của người bệnh, người lớn tuổi, khiến cho họ tin tưởng rằng các loại sữa này có tác dụng chữa trị bệnh tật thật. Thế nên nhiều người bỏ tiền ra mua về sử dụng, khi chưa dùng hết thì họ lại gọi điện thoại tư vấn khuyên các cụ mua tiếp. Ở khu nhà tôi, có nhiều cụ còn giấu con cháu để mua sữa, khi con cháu phát hiện ra cũng không thể khuyên can được các cụ. May mà các cơ quan chức năng bắt các đối tượng này thì nhiều cụ mới tin đây là sữa giả, không thì còn khổ với các đối tượng làm ăn lừa đảo đó. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải làm rõ cả những đơn vị truyền thông quảng cáo đã cấp danh hiệu làm màu mè cho các nhãn hàng sữa giả này, để rồi khiến người dân sập bẫy lừa”.

Liên tục mở rộng hệ thống mạng lưới tiêu thụ sữa giả

Không chỉ tạo “phông bạt” cho mỗi sản phẩm sữa bột giả khi ra lò, mà các đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất kinh doanh sữa giả này còn rất biết cách tạo “phông bạt” cho chính hệ sinh thái của mình, để từ đó thu hút được ngày càng nhiều nhân viên tham gia hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm.

Liên tục tuyển dụng nhân viên và đào tạo kỹ năng kinh doanh sữa bột giả

Liên tục tuyển dụng nhân viên và đào tạo kỹ năng kinh doanh sữa bột giả

Trên các nền tảng mạng xã hội, họ tung ra nhiều thông tin hình ảnh thể hiện công ty làm ăn phát đạt, thu nhập của nhân viên có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, được hưởng nhiều đãi ngộ của công ty như đi du lịch, nghỉ dưỡng, tham dự các chương trình sự kiện hoành tráng.

Chị Nguyễn Thu H., ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, chia sẻ: “Khi thấy thông tin quảng cáo tuyển dụng hấp dẫn quá, tôi đã đến thử việc ở một đơn vị thuộc hệ thống của tập đoàn dược quốc tế Group này một tuần. Khi vào đó, họ cho tôi tham gia khóa đào tạo dinh dưỡng cho nhân viên, để họ có kỹ năng thuyết trình về dinh dưỡng, từ đó thuyết phục khách hàng tin tưởng và mua sản phẩm khi bán hàng online. Nhưng được một tuần thì tôi thấy mình không phù hợp với công việc này nên tôi đã nghỉ”.

Ngoài ra, các đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất kinh doanh sữa bột giả trong hệ sinh thái 11 công ty còn liên tục tuyển dụng nhân sự mở rộng chi nhánh ở các tỉnh, thành trên cả nước. Chi nhánh nào phân phối đạt doanh số lớn sẽ được thưởng, được vinh danh, từ đó tạo ra sự kích thích phát triển tăng trưởng ganh đua giữa các chi nhánh.

Nhiều người cao tuổi đã trở thành nạn nhân sập bẫy lừa của các đối tượng bán sữa bột giả

Nhiều người cao tuổi đã trở thành nạn nhân sập bẫy lừa của các đối tượng bán sữa bột giả

Mỗi nhãn hàng sữa giả có tới hàng chục trang fanpage quảng cáo bán sản phẩm online nhưng sau khi đường dây này bị Công an triệt phá, các trang fanpage này đều đồng loạt đóng lại, không thể truy cập được.

Bà Hoàng Thị B., ở huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết: "Tôi có mua sữa Talacmum về sử dụng hàng ngày, mặc dù con có can ngăn nhưng tôi không nghe, tôi vẫn tin tưởng đây là sữa tốt. Chỉ đến khi con gái tôi đi làm về mở điện thoại cho tôi xem thì tôi mới biết là lâu nay mình đã bị lừa uống phải sữa giả. Sao họ vì lợi nhuận mà bất chấp, đi lừa cả những người già, trẻ nhỏ, người bệnh như vậy?”.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-lam-ro-nhung-don-vi-cap-danh-hieu-de-doanh-nghiep-lam-phong-bat-tieu-thu-sua-gia-20250412214334303.htm
Zalo