Ngành làm đẹp: Nhân lực 'tay ngang', luật pháp lỏng lẻo, quản lý rối rắm
Ngành làm đẹp Việt Nam đang đối mặt thực trạng là doanh nghiệp chật vật với thủ tục pháp lý chồng chéo, thiếu đầu mối hỗ trợ rõ ràng, lực lượng lao động chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản.
Thực trạng này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Đây là vấn đề được đưa ra tại Hội nghị đối thoại “Hành lang pháp lý đối với ngành làm đẹp” do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM ngày 12/4.
"Bất cập" bao trùm ngành làm đẹp
Theo thống kê, cả nước có 28 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, khoảng 70% bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa thẩm mỹ hoặc cung cấp dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, da liễu, cùng với 412 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được cấp phép.
Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thực trạng vi phạm quy định trong lĩnh vực thẩm mỹ vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp.
Tình trạng vi phạm bao gồm: cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động; thực hiện vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; không đảm bảo điều kiện hoạt động; sử dụng người không có giấy phép hành nghề hoặc hành nghề khi chưa đăng ký.

Một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép, không biển hiệu ở TP.HCM (Ảnh tư liệu)
Đáng lo ngại hơn, nhiều cơ sở thẩm mỹ sử dụng phẩm màu, thuốc, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng quá hạn để can thiệp trực tiếp vào cơ thể người.
Tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng cũng diễn ra tràn lan. Một số cơ sở còn ngang nhiên đào tạo học viên trái phép, không có chương trình đào tạo chính quy, khiến hoạt động làm đẹp trở nên thiếu kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cộng đồng.
Thậm chí, không ít cơ sở thẩm mỹ "chui" núp bóng dưới dạng spa, chăm sóc da, tóc… vẫn hoạt động bất chấp quy định. Khi lực lượng thanh tra đến kiểm tra, họ thường đóng cửa và không hợp tác.
Ông Nguyễn Ngọc Thành Chung, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng hiện nay Việt Nam chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa ngành thẩm mỹ và ngành chăm sóc sắc đẹp, dẫn đến nhiều bất cập trong công tác đào tạo, cấp phép và quản lý hoạt động hành nghề.
Theo ông Chung, khái niệm “thẩm mỹ” thường dùng để chỉ cảm nhận về vẻ đẹp, trong khi “chăm sóc sắc đẹp” bao gồm các hoạt động tác động trực tiếp bằng công cụ, thiết bị và kỹ thuật để cải thiện sức khỏe và vẻ đẹp.
Việc chưa phân định rõ ràng giữa hai khái niệm này đang khiến công tác quản lý ngành còn lỏng lẻo, đặc biệt là đối với cơ sở như: spa, viện chăm sóc sắc đẹp, làm nail, phun xăm…
Ông Chung dẫn chứng mô hình đào tạo và quản lý tại Hàn Quốc - một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về ngành công nghiệp làm đẹp.
Ngay cả lĩnh vực làm móng (nail) cũng có chương trình đào tạo bài bản, từ sơ cấp đến tiến sĩ.
Chính nhờ việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khung pháp lý rõ ràng, ngành thẩm mỹ Hàn Quốc đã đạt được vị thế toàn cầu như hiện nay.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc đào tạo vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền đạt từ người đi trước, thiếu tính bài bản và chuyên sâu.
Bản thân những người đi trước cũng chỉ được đào tạo sơ cấp, thiếu chương trình đào tạo chính quy.

Lãnh đạo Cục phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp chia sẻ tại Hội nghị (Ảnh Kim Dung)
“Hiện nay trường chúng tôi mở hệ cao đẳng nhưng rất khó tìm được giáo viên có bằng cấp phù hợp trong lĩnh vực thẩm mỹ hoặc chăm sóc sức khỏe. Bởi vì từ trước đến nay Việt Nam chỉ đào tạo bác sĩ thẩm mỹ. Đây là một tồn tại, nếu chúng ta không mở rộng về đào tạo thì đừng nói đến được hành lang pháp lý ngành, vì có nguồn nhân lực thì mới quản lý được ngành”, ông Chung cho biết thêm.
Doanh nghiệp "mắc kẹt" trong thủ tục pháp lý
Bà Bùi Thị Thu Trang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sol (Thái Lan) tại Việt Nam, chia sẻ gần như toàn bộ thời gian qua, doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc xin giấy phép, xử lý hồ sơ và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sản phẩm có thể được phân phối hợp pháp.

Bùi Thị Thu Trang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sol (Thái Lan) tại Việt Nam cho hay, cơ sở phải mất 2 năm để đầy đủ các thủ tục pháp lý để đi vào hoạt động (Ảnh Kim Dung)
Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt là việc thiếu một đầu mối liên hệ rõ ràng khi cần hỗ trợ.
Bà Trang nhấn mạnh rằng, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, việc tiếp cận cơ quan chức năng đôi khi là "điều không tưởng".
Tình trạng chung của nhiều đơn vị mới gia nhập ngành là không biết nên hỏi ai, gửi hồ sơ cho ai và mất bao lâu để nhận được phản hồi.
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn cũng kiến nghị giảm bớt những thủ tục rườm rà, phức tạp, đồng thời có chính sách hỗ trợ về thuế và ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ phát triển bền vững, từ đó đóng góp vào sự phát triển lành mạnh và an toàn của ngành làm đẹp:
“Chúng tôi mong rằng các bộ ban ngành sát hơn với các doanh nghiệp, hành lang pháp lý cụ thể hơn, để thường xuyên trao đổi được, nếu có vấn đề cần cập nhật thì báo cho ai, bao nhiêu lâu thì được giải quyết, có nghĩa là cần phải cụ thể hóa. Nếu thiếu những thông tin rõ ràng đó, doanh nghiệp rất dễ lâm vào cảnh chưa thu hồi vốn đã phải đóng cửa. Cần phải tránh được tình trạng này”, bà Trang chia sẻ.