Kinh phí hỗ trợ SV sư phạm theo Nghị định 116 nên giao cho đơn vị nào thu hồi?
Lãnh đạo trường đại học cho rằng có thể cân nhắc đến việc chuyển từ hỗ trợ trực tiếp đối với sinh viên sư phạm sang cơ chế cho vay tín dụng lãi suất 0%.
Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022 đã góp phần thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.
Tuy nhiên, thực tế, trong quá trình triển khai, Nghị định này vẫn tồn tại một số vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định này.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh chỉ ra một số hạn chế của Nghị định 116/2020/NĐ-CP khi triển khai trong thực tế.
“Theo quy định, hình thức thi tuyển với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp được đào tạo theo nhu cầu xã hội và diện đặt hàng là như nhau. Về nguyên tắc khi đặt hàng giáo viên, cơ sở phải tiếp nhận đúng người mà đơn vị đặt hàng đào tạo, tuy nhiên có trường hợp xảy ra là sinh viên tốt nghiệp được đặt hàng đào tạo lại không đạt yêu cầu, không trúng tuyển. Xét về tình và lý cũng khó để có thể yêu cầu sinh viên đó bồi hoàn học phí và chi phí sinh hoạt được hỗ trợ", ông Sơn nêu thực tế.
Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét có thêm những phương thức tuyển dụng sao cho phù hợp với đối tượng sinh viên tốt nghiệp theo diện được đặt hàng đào tạo.
![Ông Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_231_51473882/21613f740e3ae764be2b.jpg)
Ông Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh)
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Sơn cũng chỉ ra một thực trạng là ngân sách chi hỗ trợ hàng năm cho sinh viên sư phạm theo diện đặt hàng đào tạo của địa phương được cấp về các cơ sở giáo dục còn chậm dẫn tới việc thực hiện chi trả cho sinh viên chưa đáp ứng đúng tinh thần hỗ trợ người học. Điều này gây khó khăn cho những sinh viên thuộc vùng khó khăn và sinh viên là con em người dân tộc thiểu số.
"Hiện tại về phía tỉnh Bắc Ninh, giáo viên của tỉnh cơ bản đảm bảo về số lượng, không gặp tình trạng thiếu giáo viên. Khi tổ chức tuyển dụng, nguồn tuyển cũng đáp ứng đủ nhu cầu dạy học tại địa phương. Do đó, tỉnh chưa tính đến phương án đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh thông tin.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hoàng, Phó trưởng phòng, Phòng Tổ chức - Hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên bày tỏ: “Nghị định 116 là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn phát sinh nhiều vướng mắc. Khâu tuyển dụng sau khi sinh viên tốt nghiệp cần tính đến phương án tối ưu hơn để các em có tinh thần cống hiến, giảm bớt áp lực. Để tránh mất cân bằng giáo viên ở các địa phương, theo tôi nên có những ưu tiên đặc biệt dành cho sinh viên tốt nghiệp ở địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Tiếp đến là việc thống kê nhu cầu đào tạo giáo viên nên được giao cho phía địa phương tổng hợp. Số lượng chỉ tiêu đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm cần có sự phù hợp với từng địa phương tránh lãng phí nhân lực và kinh tế”.
Phó trưởng phòng, Phòng Tổ chức - Hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết thêm, hiện tại, Thái Nguyên đang có số lượng lớn giáo viên hợp đồng tại các trường trên địa bàn tỉnh. Các giáo viên có hợp đồng theo định mức khoán, hưởng chế độ chính sách của tỉnh, hiện vẫn đang được duy trì hiệu quả nên việc đặt hàng giáo viên chưa quá "bức thiết" ở thời điểm này.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhận định, Nghị định 116 có tác động tích cực trong việc thu hút học sinh có năng lực vào ngành sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh của các cơ sở đào tạo giáo viên nói chung và Trường Đại học Hạ Long nói riêng. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhà trường còn gặp một số khó khăn cần tháo gỡ.
“Theo quy định sau khi sinh viên trúng tuyển, nhà trường cần báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả tuyển sinh và danh sách sinh viên đăng ký thụ hưởng chính sách theo Nghị định 116. Với cách thức tuyển sinh như hiện nay, các trường đại học khó tuyển sinh sát với chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt vì số lượng hồ sơ ảo cao. Do đó có tình trạng tuyển thiếu hoặc tuyển thừa chỉ tiêu. Trong khi địa phương chỉ phê duyệt chỉ tiêu để cấp kinh phí đúng bằng số phê duyệt, điều này gây khó khăn trong việc xét duyệt số sinh viên được thụ hưởng chính sách.
Ngoài ra, việc theo dõi sinh viên sau khi tốt nghiệp có thực hiện đúng cam kết hay không cũng gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục do mức độ phản hồi thông tin việc làm của sinh viên sau khi ra trường chưa đầy đủ. Mặt khác chế tài bồi hoàn cũng chưa mạnh để thu hồi lại số tiền của người học đã nhận nếu vi phạm cam kết”, thầy Tiệp chia sẻ.
![Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh: Phạm Linh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_231_51473882/64e141f470ba99e4c0ab.jpg)
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh: Phạm Linh)
Bên cạnh đó, một thực trạng phổ biến hiện nay là dù nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng lại không tham gia đặt hàng đào tạo vì lo lắng sinh viên học xong không quay về địa phương làm việc.
Chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho rằng: “Trước hết là do nhu cầu về nguồn lực giáo viên, nhiều địa phương đã đủ hoặc thiếu ít nên không có nhu cầu đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó là kinh phí hỗ trợ cho người học theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP cũng là khoản chi tương đối lớn (mỗi năm 1 sinh viên được hưởng trên dưới 50 triệu đồng, tùy mức thu học phí từng cơ sở đào tạo nên kinh phí cho 4 năm học khoảng 200 triệu đồng). Điều này cũng gây áp lực cho ngân sách địa phương”.
Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long đề xuất bổ sung nội dung tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm như sau:
"Cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí hỗ trợ tiền học phí và sinh hoạt phí, gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán bổ sung trong năm đối với các trường hợp sinh viên sư phạm nghỉ học tạm thời, sinh viên sư phạm dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định và tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định này".
Theo thầy Tiệp bổ sung nội dung này nhằm đảm bảo nguồn kinh phí chi trả thực tế cho sinh viên theo năm tài chính.
Nên giao cho đơn vị nào thu hồi kinh phí hỗ trợ Nghị định 116?
Việc bồi hoàn kinh phí được quy định tại Điều 9, Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Theo đó, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gia đình nếu sinh viên không tốt nghiệp hoặc không công tác trong ngành giáo dục sau tốt nghiệp.
Tuy nhiên thực tế triển khai đang gây bất cập, do đó có ý kiến đề xuất rằng nên giao cho ngân hàng chính sách là đơn vị trực tiếp thực hiện thu hồi, bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đối với các trường hợp đã đăng ký thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt sau khi tốt nghiệp vi phạm cam kết.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh nhận định: “Việc thu hồi kinh phí hỗ trợ của Nghị định 116 đối với sinh viên không tốt nghiệp hoặc không công tác trong ngành giáo dục sau tốt nghiệp có thể gặp các tình huống như: sinh viên không còn làm việc trong nước, thời điểm phải thu hồi kinh phí thì gia đình người học lại không đủ điều kiện tài chính, khó liên hệ với sinh viên sau khi tốt nghiệp dẫn đến thời gian thu hồi kéo dài. Các trường đào tạo giáo viên tại địa phương cũng cảm thấy bất cập ở khâu này. Để giải được bài toán đó, cần làm rõ cam kết của sinh viên sư phạm với mức hỗ trợ hỗ trợ được nhận”.
Trong khi đó, Phó trưởng phòng, Phòng Tổ chức - Hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên nêu quan điểm: “Việc thực hiện thu hồi, bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đối với các trường hợp đã đăng ký thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt sau khi tốt nghiệp vi phạm cam kết được đề xuất giao cho ngân hàng chính sách đảm nhiệm, theo tôi là chưa hợp lý bởi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, không quy định cấp kinh phí qua ngân hàng chính sách.
Nếu để một đơn vị cấp và một đơn vị lại thu riêng thì chưa thống nhất và có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Do vậy cần có sự thống nhất chỉ đạo chung ở lãnh đạo từng địa phương và các cơ quan hành chính liên quan để việc thực hiện được hiệu quả.
Bên cạnh đó, do chưa có phương án cụ thể trong việc xác thực mức độ hoàn thành nghĩa vụ sau khi tốt nghiệp của người học nên để thu hồi chi phí bồi hoàn còn gặp nhiều khó khăn”.
![Sinh viên Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh: website nhà trường)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_231_51473882/3897148225cccc9295dd.jpg)
Sinh viên Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh: website nhà trường)
Từ tình hình thực tiễn, Hiệu trường Trường Đại học Hạ Long đề xuất, việc sửa đổi Nghị định 116 cần theo hướng gắn trách nhiệm của người học với số tiền được hỗ trợ: “Có thể cân nhắc đến việc chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang cơ chế cho vay tín dụng với lãi suất 0%. Sinh viên các ngành sư phạm được vay số tiền tương ứng với mức hỗ trợ như hiện nay tại ngân hàng thương mại. Khi sinh viên ra trường có việc làm tại cơ sở sở giáo dục thì hợp đồng sẽ được tất toán. Nếu sinh viên vi phạm sẽ phải hoàn trả lại số tiền vay. Việc giải ngân sẽ theo kỳ học (hoặc năm học) khi sinh viên có xác nhận của cơ sở giáo dục là đang theo học tại trường”.