Kinh doanh nền tảng: Động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ
Kinh doanh nền tảng (platform) là mô hình kinh doanh mới, phát triển dựa trên công nghệ số, dữ liệu và hỗ trợ nền tảng, kết nối người bán sản phẩm, dịch vụ và người mua.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) các năm từ 2022 - 2023 lần lượt là 12,63% và 12,33%. Nửa đầu năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 18,3%. Trong đó số liệu năm 2022 cho thấy, ngành kinh doanh nền tảng đóng góp 40,5 tỷ USD vào GDP của Việt Nam, tương đương 9,92%. Hai năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam tăng gấp 3 đến 4 lần tốc độ phát triển GDP. Đây là động lực để Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên BCH Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết: “Để đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế 8%, chúng ta cần có mức tăng trưởng đối với thương mại điện tử và các nền tảng số gấp 3 lần mức tăng trưởng đó, khoảng 24%".
Bên cạnh đó, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng đóng vai trò lớn trong tạo việc làm, tạo động lực cho các ngành sản xuất và hoạt động phân phối tăng trưởng nhanh; từ đó nâng cao mức đóng góp, sức cạnh tranh của thị trường nội địa.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định: "Có rất nhiều cá nhân kinh doanh phi chính thức đã được tạo thu nhập. Nền kinh tế phi chính thức có thể chiếm tới 30% GDP, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam".
Tuy nhiên, thời gian tới, tư duy quản lý và hệ thống pháp luật cần được đổi mới để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế nền tảng.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là phương thức mới, khác với các phương thức truyền thống. Để ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cần có quy trình để cơ chế này được ra đời, thực hiện và triển khai một cách nhanh hơn.
Để tạo động lực phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh tế nền tảng và kinh tế số, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới.