Tăng thuế thuốc lá có thể giảm gánh nặng chi phí y tế

Bằng cách giảm tỷ lệ tiêu thụ thông qua việc tăng thuế thuốc lá, chính phủ có thể giảm gánh nặng chi phí y tế, giúp các nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển khác.

Tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam (khoảng 15 triệu người) đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe. Báo cáo mới nhất năm 2024 của WHO cho biết, chi phí y tế và kinh tế hàng năm của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP năm 2022. Con số này lớn hơn 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Để hạn chế việc tiêu thụ thuốc lá, thời gian qua Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó tăng thuế thuốc lá được xem là một trong những biện pháp hiệu quả nhất. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có nhiều chuyển biến quan trọng; xu hướng chính sách tài khóa ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững, việc phân tích vai trò của thuế thuốc lá trong hệ thống tài chính quốc gia là cần thiết.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) tổ chức ngày 25/2 về chính sách thuế đối với thuốc lá, ông Đào Thế Sơn - Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi cho biết, nếu tăng thuế sẽ giảm số người hút thuốc lá, từ đó nâng cao sức khỏe và lực lượng lao động. Trong trường hợp không tăng thuế, từ nay tới năm 2030 Việt Nam sẽ có thêm 2,46 triệu người hút thuốc lá.

“Đề xuất theo phương án 2 của Bộ Tài chính so với tỷ lệ gia tăng dân số sẽ giữ nguyên số người hút thuốc từ nay đến năm 2030 (khoảng 15 triệu người), gián tiếp giảm được 2,46 triệu người hút thuốc so với không tăng thuế. Đề xuất của Bộ Y tế và WHO sẽ giảm được 3,16 triệu người so với không tăng thuế. Khi giảm số người hút có thể giảm được bệnh tật, tạo ra lực lượng lao động khỏe mạnh và giảm được số ca tử vong sớm, bởi qua nghiên cứu có đến 50% số người hút sẽ rơi vào tình trạng tử vong sớm”, ông Sơn cho biết.

Các đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Bộ Tài chính và Bộ Y tế

Các đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Bộ Tài chính và Bộ Y tế

Khẳng định việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam là một lựa chọn Chính sách tài khóa bền vững cho phát triển, ông Đào Thế Sơn phân tích, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu năm 2026 tỷ lệ tính thuế là 75% cộng với mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau mức thuế tuyệt đối tăng thêm 1.000 đồng/bao và đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao sẽ giúp giảm 2,9 điểm phần trăm tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc vào năm 2030 so với năm 2020 và đóng góp thêm 21.800 tỷ đồng tăng thu ngân sách.

“Theo tính toán của WHO, để có thể đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngoài mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với tỉ lệ 75%, mức thuế tuyệt đối cần thiết áp dụng đến năm 2030 là 15.000 đồng/bao, khi đó ngân sách nhà nước có thể tăng thu thêm 29.000 tỷ đồng”, ông Sơn nêu rõ.

Đề cao việc đóng góp của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong phát triển kinh tế bền vững, sẽ giúp định hướng giảm tiêu dùng thuốc lá, tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, khung chính sách cho phòng chống tác hại của thuốc lá đã liên tục được Việt Nam điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn trong những năm qua.

“Việt Nam cần vững tin rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Ngoài ra, các nguồn thu từ tăng thuế thuốc lá còn giúp bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững, trong đó có giảm tỉ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng thu nhập”, ông Dương nêu quan điểm.

Kiến nghị một số thay đổi về chính sách trong lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, ông Dương cho rằng Việt Nam cần cân nhắc tích cực việc chuyển sang áp dụng cơ chế thuế TTĐB hỗn hợp đối với thuốc lá. Cần rà soát, điều chỉnh quy định về chi ngân sách, để tăng cường tính gắn kết giữa thu thuế thuốc lá với chi cho các cho các chương trình mục tiêu phát triển bền vững.

Các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng, việc trì hoãn tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng hút thuốc tại Việt Nam, đặc biệt đối với nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Khi Nghị quyết về việc cấm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng đã được Quốc hội ban hành, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá truyền thống là cần thiết để có thể ngăn chặn việc gia tăng tỉ lệ hút thuốc.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tang-thue-thuoc-la-co-the-giam-ganh-nang-chi-phi-y-te-post1157176.vov
Zalo