Xuất khẩu hơn 40 tỷ USD nhưng phụ thuộc, dệt may muốn khắc phục điểm yếu gì?
Ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu hơn 40 tỷ USD nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu và mong muốn tìm giải pháp khắc phục.
Đại bàng tìm đến
Mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Syre về dự án sản xuất vải công nghệ cao. Theo kế hoạch, tập đoàn muốn đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất vải công nghệ cao tại Khu công nghiệp Nhơn Hội A, Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) với công suất 250.000 tấn/năm.
Tại buổi làm việc, ông Tim King - Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre, thông tin, nhà máy sản xuất sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới về bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định của Việt Nam.

Chưa chủ động được nguyên phụ liệu là "điểm yếu" của ngành dệt may nhiều năm qua. Ảnh minh họa
Được biết, dự án sử dụng nguyên liệu đầu vào là quần áo, vải đã qua sử dụng và vải vụn. Mặt hàng này được xếp vào danh mục nguyên liệu tái chế, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định hiện hành. Bản thân lãnh đạo tập đoàn cũng hiểu đây là lĩnh vực đặc thù, quy trình chuẩn bị đầu tư, xin giấy phép cần tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ.
Với tổng vốn đầu tư 700 triệu - 1 tỷ USD, dự án Tổ hợp sản xuất vải công nghệ cao của Tập đoàn Syre có quy mô khá lớn. Nhìn nhận trên góc độ ngành, dự án được triển khai, sản phẩm tạo ra được tiêu thụ tại thị trường trong nước sẽ là lực đẩy tốt cho ngành dệt may hiện thực giấc mơ chủ động nguồn cung nguyên liệu.
Ngành dệt may Việt Nam tự hào sau gần 3 thập kỷ phát triển đã có những bước tiến dài. Nếu như năm 1999 kim ngạch của ngành đạt 1,75 tỷ USD, năm 2024 đã tăng lên gấp 25 lần, đạt 44 tỷ USD; xuất siêu từ 200 triệu USD tăng lên 19 tỷ USD.
Tuy nhiên, thiếu nguyên phụ liệu, hay phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là “điểm nghẽn” của ngành bấy lâu nay chưa được giải quyết triệt để. Nhìn vào quá khứ có thể thấy, năm 2022, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước chao đảo, phải giãn, thậm chí tạm dừng sản xuất do gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu bởi dịch Covid-19. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến ngành dệt may nỗ lực đầu tư công nghệ, cố gắng làm chủ nguồn nguyên liệu.
Hiện thực hóa “giấc mộng” làm chủ nguồn cung
Làm chủ nguồn cung nguyên liệu là cực kỳ khó, bởi thế rất nhiều năm qua dù đã rất nỗ lực nhưng tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may có cải thiện nhưng không nhiều. Cái khó đầu tiên vẫn là vốn và công nghệ, đặc biệt với xu hướng sản xuất xanh, tuần hoàn, thậm chí là sinh thái thì đây vẫn là thách thức vô cùng lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp dệt may trong nước chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính, nhân lực chưa đủ thì thu hút đầu tư nước ngoài cho sản xuất nguyên liệu là cần thiết. Dự án Tổ hợp sản xuất vải công nghệ cao của Tập đoàn Syre là một cơ hội lớn cho ngành.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Nếu không có sự hỗ trợ, chúng ta có thể mất ngành sợi. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thực tế, đã có từng có doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất vải tại Việt Nam từ năm 2018, sau 15 năm, 10% sản phẩm được dùng trong nước. Dù con số 10% không lớn so với tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp này nhưng rõ ràng doanh nghiệp trong nước có cơ hội sử dụng nguồn vải nội địa đạt tiêu chuẩn, kéo theo đáp ứng được quy tắc xuất xứ trong nhiều hiệp định thương mại tự do. Như vậy vừa được lợi về giá, vừa được lợi về thuế.
Bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nguồn nguyên phụ liệu, tháng 9/2024, lãnh đạo Bộ Công Thương đã làm việc với Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cùng doanh nghiệp trong ngành về việc thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang. Dự kiến thành lập trong năm 2025, Trung tâm được kỳ vọng góp sức thúc đẩy hoạt động mua bán, khuyến khích mở rộng sản xuất nguyên phụ liệu trong nước cho ngành dệt may, da giày.
Cho đến nay, dệt may vẫn mang tiếng là ngành có giá trị gia tăng thấp mặc dù luôn nằm trong top có kim ngạch xuất khẩu lớn. Trong bối cảnh đất nước đang được thúc đẩy mạnh mẽ tiến vào kỷ nguyên mới với việc ứng dụng công nghệ, khoa học tiên tiến, chuyển đổi số trong quản trị, sản xuất, ngành dệt may tự tin có thể đồng hành.
Nói như ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam: “Đại bàng không chỉ có ở những ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn mà ngay trong ngành dệt may cũng có đại bàng. Chúng ta chưa bao giờ có ý tưởng đón đại bàng trong ngành thời trang cho nên đây là một điểm cần trong tư duy phải xác định”.
Như vậy, nên chăng tháo dỡ mọi rào cản, hỗ trợ đại bàng làm tổ sẽ giúp ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam hiện thực giấc mơ làm chủ nguồn cung nguyên liệu, tiến tới làm chủ chuỗi cung ứng.
Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong hai ngành.
Như vậy, dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao của Tập đoàn SYRE là phù hợp với định hướng sản xuất vải tại chiến lược phát triển hai ngành. Việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu tái chế, rác thải (nếu có) cần tuân thủ các quy định hiện hành. Bộ Công Thương khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ cao sản xuất vải và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phát triển chuỗi cung ứng; khuyến khích sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu tái chế, rác thải thu gom trong nước để sử dụng cho dự án.