TP. Hồ Chí Minh kiến nghị chính sách thu hút người tài phát triển Trung tâm tài chính
TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển Trung tâm tài chính, Việt Nam cần chính sách thu hút người tài, chuyên môn cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng...
Thu hút người tài
Việc thành lập Trung tâm tài chính (TTTC) tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là một chiến lược tiên quyết nhằm nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo kế hoạch, các trung tâm này sẽ chính thức thành lập, vận hành trong năm nay.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng, tập trung vào việc làm rõ quyền hạn, trách nhiệm quản lý của địa phương, bổ sung chính sách thu hút nhân tài và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...

Việc thành lập Trung tâm Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh là một chiến lược tiên quyết nhằm nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế - (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo UBND TP. Hồ Chí Minh, bản dự thảo lần thứ 12 của Nghị quyết về việc thành lập và vận hành TTTC chỉ đang phân công cho thành phố xây dựng đề án thành lập, thực hiện các nhiệm vụ về hạ tầng, thực hiện chính sách an sinh và chính sách tiền lương. Dự thảo chưa quy định rõ quyền hạn quản lý của địa phương, điều này có thể hạn chế tính chủ động của thành phố trong việc phân bổ nguồn lực, bố trí kinh phí quản lý và điều hành trung tâm.
Vì vậy, chính quyền thành phố kiến nghị, cần quy định rõ vai trò và trách nhiệm của HĐND và UBND, nhằm đảm bảo quá trình triển khai Nghị quyết khi ban hành được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Về chính sách thu hút nhân tài, UBND thành phố cho rằng để phát triển TTTC, Việt Nam cần xây dựng nguồn lực nhân sự trẻ, có điều kiện tiếp xúc với những quốc gia có nền kỹ thuật tiên tiến, chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. UBND thành phố nhấn mạnh, đội ngũ nhân sự giỏi luôn có doanh nghiệp săn đón, họ không phải chủ đồng đi "xin", tìm việc nên nếu không có chính sách thu hút các vị trí việc làm thì sẽ dễ dàng bỏ lỡ những con người này.
UBND thành phố nêu thực trạng việc du học sinh đi du học nước ngoài và không trở về phục vụ đất nước hiện nay là rất phổ biến, chủ yếu do mức lương thấp so với chi phí khi đi du học. Họ chưa được đãi ngộ và tạo điều kiện khuyến khích phát triển chất xám, có chế độ ưu đãi về thu nhập tương xứng.
Vì vậy, kiến nghị xây dựng cơ chế để thu hút các chuyên gia và người tài giỏi để xây dựng và vận hành TTTC, ưu tiên du học sinh sau khi tốt nghiệp về nước, mang theo công nghệ, kiến thức về hỗ trợ cùng xây dựng TTTC theo chuẩn quốc tế, là rất cần thiết.
Tạo đà cho các startup
Một nội dung đáng chú ý khác từ UBND TP. Hồ Chí Minh, đó là việc khuyến khích và tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND thành phố đã đề xuất bổ sung thêm quy định về “Chính sách cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp” trong dự thảo Nghị quyết lần thứ 12. Đây được xem là một bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho TTTC.

Giảm bớt áp lực tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp trẻ đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, từ đó tạo ra những giá trị bền vững cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia - (Ảnh minh họa)
Trong đó, thành phố đề nghị xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp với đầy đủ cơ sở vật chất và tiện ích hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sáng tạo. Những không gian này cần được trang bị phòng họp chuyên dụng, khu vực hội thảo và các thiết bị công nghệ tiên tiến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình trao đổi ý tưởng, thử nghiệm và phát triển sản phẩm.
Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị chính sách ưu đãi về thuế. Cụ thể, đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm đầu kể từ khi thành lập đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động tại TTTC.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng hỗ trợ phi tài chính thông qua việc cung cấp không gian làm việc chung, dịch vụ tư vấn khởi nghiệp và thiết lập mạng lưới kết nối giữa các doanh nghiệp với nhà đầu tư tiềm năng. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp non trẻ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đồng thời có cơ hội học hỏi từ những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm.
Đặc biệt, một điểm nhấn quan trọng trong kiến nghị lần này là đề xuất hỗ trợ lên tới 70% chi phí cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp khởi nghiệp đặt tại TTTC. Ngoài ra, thành phố cũng đưa ra đề xuất cung cấp các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển sản phẩm mới.
Chính sách này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính mà còn khuyến khích họ đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, từ đó tạo ra những giá trị bền vững cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.
Một đề xuất đáng chú ý khác là việc xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến hoạt động liên tục 24/7 để các giao dịch thông suốt, tạo nền tảng phát triển vững mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của TTTC trong môi trường tài chính toàn cầu.