Kiến nghị đường dây nóng phản ánh vi phạm dạy thêm, học thêm
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ 14/2 thu hút sự chú ý từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có đường dây nóng để người dân, phụ huynh, học sinh phản ánh trường hợp vi phạm.
Từ 14/2, Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực, quy định chỉ cho phép ba nhóm học sinh được học thêm trong trường và không thu phí, gồm: có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi.
Với hoạt động dạy thêm ngoài trường, cá nhân, tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và công khai mức học phí, môn học, thời gian. Đồng thời, giáo viên không được thu tiền dạy thêm từ học sinh do chính mình dạy chính khóa.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, mục tiêu của Thông tư 29 không phải là "siết" dạy thêm mà nhằm quản lý chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công khai và tránh tình trạng ép buộc học sinh tham gia các lớp học thêm không cần thiết.
Bộ GD-ĐT mới đây cũng thành lập đoàn kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm tại các địa phương từ 20/2 đến 20/3, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Thực tế, sau khi VietNamNet đăng loạt bài làm rõ Thông tư 29 cũng như phản ánh thực trạng áp dụng các quy định trong thực tế, nhiều độc giả đã bày tỏ sự đồng tình với các quy định mới của văn bản này. Theo độc giả Hương Sen, Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT "đảm bảo tính khoa học, tính lý luận và tính thực tiễn, nhằm làm cho môi trường giáo dục tiến bộ và hợp xu thế quốc tế".
Cho rằng Thông tư 29 có thể hạn chế tình trạng học sinh học thêm tràn lan và không cần thiết, cũng như tạo cơ hội cho giáo viên có năng lực phát huy khả năng, một người đọc khác bày tỏ: "Đây là thời của những người thực lực. Ai giỏi thực sự, muốn dạy thêm bên ngoài trường xin hãy nghỉ việc mở ngay trung tâm tư".
Tuy nhiên, cũng có không ít băn khoăn về tính hiệu quả của các quy định. Một số ý kiến cho rằng, gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm là do chương trình học tập nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp còn khá phổ biến.
Việc kiểm tra, giám sát thực hiện Thông tư 29 cũng gặp nhiều thách thức. Nhiều độc giả phản ánh tình trạng "lách luật" tinh vi để duy trì các lớp học thêm, gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý vi phạm. Thậm chí, có trường hợp giáo viên còn công khai dạy thêm trái quy định.
Độc giả Hằng Nguyễn phản ánh: "Ở tỉnh tôi có thầy nhắn lên nhóm học thêm là 'thầy đã xin được giấy phép dạy thêm nên lớp vẫn học bình thường nhé phụ huynh, học phí là 400 nghìn'. Tôi không hiểu ai có thẩm quyền cấp giấy phép cho thầy dạy học tại nhà dân khi không đủ điều kiện".
Một độc giả giấu tên bày tỏ: "Từ lâu, không ít giáo viên đã vi phạm Thông tư 17 ban hành năm 2012 về dạy thêm, học thêm. Mong lần này, năm 2025, các cơ quan sẽ nghiêm túc trong công tác quản lý, ai không hoàn thành nhiệm vụ phải đứng sang một bên".
Kiến nghị về việc cần có đường dây nóng giám sát
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên, cần thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, phụ huynh, học sinh. Đường dây nóng này sẽ là kênh thông tin quan trọng, giúp cơ quan chức năng nắm bắt tình hình kịp thời, xử lý các trường hợp vi phạm nhanh chóng và hiệu quả.
Gửi tâm tư tới VietNamNet, độc giả Việt Nhật cho rằng: "Chỉ cần công khai số điện thoại của Bộ hoặc các Sở GD-ĐT để mọi người dân có thể phản ánh".
Việc thiết lập đường dây nóng cần đi kèm quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh minh bạch, bảo mật. Thông tin cần được xác minh và xử lý nghiêm túc, tránh tình trạng "bình mới rượu cũ".
Một số độc giả khác cho rằng cần tạo kênh tiếp nhận phản ánh trực tuyến, như nhóm Zalo hoặc cổng thông tin điện tử, để người dân dễ dàng chia sẻ thông tin.
Ngoài ra, nhiều độc giả đề xuất ngành giáo dục cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, kể cả việc thu hồi giấy phép của các trung tâm dạy thêm không đúng quy định. Độc giả Lại Tuân nêu quan điểm: "Nếu dạy thêm bị cấm, phải cấm triệt để. Giáo viên muốn dạy thêm nên nghỉ ra ngoài dạy tư, tránh tình trạng hợp thức hóa bằng giấy phép kinh doanh".
Còn độc giả Thanh Trung chia sẻ: Hiện có rất nhiều trường hợp “lách luật” để tiếp tục dạy thêm không đúng quy định, vì vậy, có thể đưa ra quy định yêu cầu cơ sở dạy thêm phải lắp đầy đủ camera giám sát.
Theo một số độc giả, đường dây nóng của Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng bên cạnh vai trò giúp người dân phản ánh những trường hợp vi phạm về dạy thêm, học thêm, còn có thể hỗ trợ giải đáp những thắc mắc liên quan tới các vấn đề này.
Một người đọc tên Hoàng Thị Huyền cho biết, chị tìm hiểu thông tin nhưng vẫn có nhiều điều chưa hiểu rõ. "Bản thân tôi yêu thích công việc hướng dẫn các bé tiểu học (là con họ hàng, người quen) làm bài tập về nhà, không thu phí. Nhưng tôi không hiểu rõ các quy định của pháp luật nên lo ngại việc mình làm vô tình vi phạm quy định nào đó", chị bày tỏ.
Về điều này, độc giả Hải Trịnh đề xuất: "Bộ GD-ĐT nên có đường dây nóng để tư vấn trực tiếp, chứ nhiều giáo viên, gia sư, phụ huynh thấy băn khoăn lắm, có khi vi phạm quy định mà không biết".
Việc thực hiện nghiêm Thông tư 29 không chỉ cần sự giám sát từ cơ quan chức năng còn cần sự chung tay từ phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Chỉ khi có sự minh bạch và đồng thuận cao, môi trường giáo dục mới thực sự trong sạch và hiệu quả, giúp học sinh phát triển toàn diện mà không bị áp lực từ việc học thêm tràn lan.
