GS. Hồ Đắc Di - Người đặt nền móng cho giáo dục ngành Y
Là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, cũng là Hiệu trưởng Trường Đại học Y sau Cách mạng Tháng Tám, GS. Hồ Đắc Di được mệnh danh là người thầy thuốc tiên phong của các công trình y học hiện đại, người mở đường và định hướng cho những nghiên cứu thực hành y học.

GS. Hồ Đắc Di (bên phải) tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên tới thăm Trường Đại học Y. Ảnh: TL
GS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống về GS. Hồ Đắc Di - người thầy có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử y học Việt Nam cũng như tại Trường Đại học Y Hà Nội.
PV: GS. Hồ Đắc Di được coi là một tượng đài của Trường Đại học Y Hà Nội, một trí thức tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ 20. Di sản ông để lại không chỉ trong y khoa mà cả ở cách đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Ông có thể cho biết, GS. Hồ Đắc Di có ảnh hưởng như thế nào đối với ngành Y và trường Đại học Y Hà Nội?
GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: GS. Hồ Đắc Di là người thầy có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử y học Việt Nam cũng như tại Trường Đại học Y Hà Nội bởi những cống hiến, đóng góp cho y học của ông trong vai trò Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội trong 32 năm cũng như trong vai trò là người thầy giáo, thầy thuốc danh tiếng.
Ông đã dành tất cả tâm huyết, trí tuệ và thời gian của mình cho việc đào tạo y khoa, nghiên cứu, khám chữa bệnh và tìm ra những phương pháp phẫu thuật mới.
GS. Hồ Đắc Di là bác sĩ y khoa Việt Nam đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho nhiều trọng trách ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công: Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Tổng Thanh tra Y tế, Tổng Giám đốc Vụ Đại học và Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy (khu vực ngày nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội và Bệnh viện Hữu nghị). Ông được coi là ngọn cờ tiên phong và là trụ cột trong đào tạo từ những ngày đầu của nền y học cách mạng, có công lớn trong cải tổ và xây dựng hệ thống giáo dục Việt Nam hiện đại.
GS. Hồ Đắc Di với châm ngôn làm nghề là "tình thương yêu bệnh nhân và luôn đặt quyền lợi của bệnh nhân làm yếu tố tiên quyết" đã ảnh hưởng tích cực đến việc giáo dục và đào tạo nguồn lực y tế chất lượng cao, coi trọng đạo đức nghề nghiệp của Trường Đại học Y Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
PV: Trước Cách mạng Tháng Tám, việc chúng ta có một Giáo sư y khoa người Việt đầu tiên có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của ngành Y tế, thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: GS. Hồ Đắc Di là Giáo sư duy nhất người Việt tại Trường Đại học Y Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám, cho thấy tài năng và cống hiến to lớn của ông mà các đồng nghiệp Pháp phải thừa nhận. Trước ông, 6 hiệu trưởng của Trường Đại học Y Hà Nội cũng đều là các Giáo sư, bác sĩ người Pháp.
GS. Hồ Đắc Di dành gần như cả cuộc đời mình cho sự nghiệp y học Việt Nam, ông đã cùng các thế hệ thầy cô tiền bối của Trường Đại học Y Hà Nội xây dựng nhà trường với muôn vàn khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám khi tiếp quản từ người Pháp; đào tạo cho hệ thống y tế non trẻ của Việt Nam nhiều y sĩ, bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa có tay nghề và lương tâm cao quý. Ông cũng đã nghiên cứu và để lại nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị bền vững, được xem là nền móng cho sự khai sáng của y học Việt Nam sau này như điều trị ngoại khoa viêm phúc mạc, bệnh lý túi mật, phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật dạ dày - tá tràng... Hiện nay, một số phương pháp, kỹ thuật ngoại khoa mà GS. Hồ Đắc Di tìm tòi và phát triển vẫn được áp dụng trong y học.
PV: Trường Đại học Y Hà Nội hiện tại kế thừa các di sản của GS. Hồ Đắc Di như thế nào, thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Hữu Tú: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Y Dược Việt Nam và sau này là Trường Đại học Y Hà Nội. Trong lịch sử 123 năm của Trường Đại học Y Hà Nội, GS. Hồ Đắc Di là người giữ cương vị Hiệu trưởng lâu nhất từ năm 1945 đến năm 1976 (32 năm) - đi qua cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Đó là giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, Trường Đại học Y Hà Nội là nơi đào tạo phần lớn nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho cả nước cũng như đóng góp quyết định cho việc xây dựng và hình thành các phân hiệu - tiền thân của nhiều trường đại học y trong cả nước. Sự nghiệp và cuộc đời hoạt động khoa học của GS. Hồ Đắc Di gắn liền với lịch sử hào hùng của Trường Đại học Y Hà Nội.
GS. Hồ Đắc Di là Hiệu trưởng người Việt đầu tiên và cũng là người xây dựng nền móng phát triển Trường Đại học Y Hà Nội hiện đại sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Quan điểm phát triển của GS. Hồ Đắc Di được các thế hệ thầy cô Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục giữ gìn và hoàn thiện, phấn đấu phát triển trường thành đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á.
GS. Hồ Đắc Di cũng là người thầy của nhiều Giáo sư, bác sĩ - những người làm rạng danh nền y học Việt Nam. Cụ Di (tên gọi thân mật mà nhân dân, đồng nghiệp và học trò hay gọi) là tấm gương đạo đức về người thầy thuốc, thầy giáo luôn được các thầy cô nhà trường và các thế hệ học viên sinh viên noi theo.
Được coi là cái nôi của nền y học hiện đại Việt Nam với truyền thống lịch sử đầy tự hào, thầy trò Trường Đại học Y Hà Nội luôn nhìn thấy trong hiện tại sức mạnh của truyền thống và trách nhiệm giữ gìn; trân trọng công lao đóng góp to lớn của các bậc tiền bối; vững tin và nỗ lực không ngừng xây dựng và phát triển nhà trường hơn nữa, thực hiện sứ mệnh hơn một thế kỷ phụng sự dân tộc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Nguyễn Hữu Tú!