Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý lỗi thường mắc khi ra đề Ngữ văn
PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018, nêu một số vấn đề còn tồn tại khi ra đề thi Ngữ văn theo yêu cầu đánh giá năng lực.

PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống chia sẻ tại tập huấn xây dựng câu hỏi thi, đề thi phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Từ 20- 23/2, Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) tiến hành tập huấn xây dựng câu hỏi thi, đề thi phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 cho giáo viên lớp 12 của 26 tỉnh phía Bắc. Tập huấn đợt 2 sẽ được tổ chức tại Cần Thơ cho các tỉnh Nam bộ và đợt 3 tại TP.Huế cho các tỉnh miền Trung.
Theo PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống, đây là một đợt tập huấn có ý nghĩa và cần thiết để tiếp tục chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 sắp tới. Mô hình, phạm vi, cấu trúc, định dạng của đề thi đã rõ, giáo viên và học sinh đã được làm quen và nắm được vì Bộ GD&ĐT đã thông báo từ cuối năm 2023, đề thi tham khảo của Bộ cũng đã công bố 10/2024… Tuy nhiên, trong thực tế giáo viên vẫn còn rất lúng túng, sai sót trong việc ra đề luyện tập cho học sinh cách làm bài thi mới.
Cụ thể, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nêu lên một số vấn đề còn tồn tại khi ra đề thi Ngữ văn theo yêu cầu đánh giá năng lực.
Về văn bản và câu hỏi đọc hiểu
Về văn bản và câu hỏi đọc hiểu, hạn chế đầu tiên là chất lượng văn bản đọc hiểu chưa cao. Nhiều đề thi chọn văn bản cho phần đọc hiểu và viết chưa hay, chưa tiêu biểu. Hiện tượng nhiều giáo viên biên soạn đề thi chỉ tập trung vào các ngữ liệu của văn học đương đại, chưa chú trọng đúng mức văn bản ngữ liệu các giai đoạn, tác giả và tác phẩm “kinh điển”, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc; nhiều tác giả, tác phẩm mới xuất hiện năm mười năm lại đây, chưa qua thử thách của thời gian. Một số đề văn chưa chú ý đúng mức các nội dung nhạy cảm, tính giáo dục và tính thẩm mỹ...
Hạn chế thứ hai là kỹ thuật trình bày văn bản còn hạn chế. Một số đề thi tự thêm vào văn bản gốc như đánh số đoạn/câu/khổ hoặc dùng chữ in đậm trong văn bản nhưng không có cước chú để học sinh biết đó là dụng ý của người ra đề; việc chú nguồn dẫn còn sơ sài, không đúng quy cách, thiếu độ tin cậy…
Phần tóm tắt bối cảnh văn bản (đoạn trích văn xuôi) còn dài dòng, hoặc tóm tắt không đủ thông tin, không giúp học sinh hiểu được đoạn trích liền mạch, không bảo đảm tính chỉnh thể của tác phẩm; không chú ý trình bày để phân biệt giữa tóm tắt và văn bản chính; không xác định đúng từ khó để chú thích, chú thích cả những từ phổ thông. Nhiều đề thi giới thiệu quá nhiều thông tin tiểu sử tác giả không có ích gì trong việc giúp học sinh hiểu văn bản.
Thứ ba, câu hỏi đọc hiểu đã tuân thủ quy định, tuy nhiên nhiều câu hỏi chưa hay, một số câu quá dễ, nhàm chán và thiếu liên kết với văn bản đọc. Câu hỏi tiếng Việt chưa chú ý tới quy định: trước hết các đơn vị kiến thức tiếng Việt học ở lớp 12, sau đó mới đến lớp 11, 10 và các lớp THCS. Nhiều đề câu hỏi đọc hiểu chưa bám sát đặc trưng thể loại của văn bản đọc, chỉ tập trung hỏi các yếu tố hình thức thể loại, ít chú ý hỏi nội dung …
Thứ 4, nhiều đề văn diễn đạt thiếu chính xác các yêu cầu khi sử dụng các thuật ngữ khái niệm. Ví dụ, cảm xúc và mạch cảm xúc; tâm lý và diễn biến tâm lý… trong thơ, truyện dễ lẫn với nội dung, sự việc trong văn bản.
Thứ 5, đề văn chưa nhất quán trong diễn đạt khi yêu cầu đọc văn bản và trả lời các câu hỏi bên dưới; 5 câu hỏi bên dưới lại có cả câu lệnh trong khi lẽ ra tất cả phải bằng câu hỏi .
Về câu hỏi phần viết
Về câu hỏi phần viết, PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống nhận định, nhìn chung giáo viên đã nắm rõ yêu cầu viết với 2 dạng chính nghị luận xã hội, nghị luận văn học và 2 cấp độ đoạn và bài.
Một số vấn đề PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống cho rằng cần tiếp tục chú ý như sau:
Thứ nhất, yêu cầu viết đoạn, bài nghị luận xã hội cần chú ý cả 2 dạng: có liên quan (link) và không link với văn bản đọc hiểu. Cần hướng dẫn để học sinh phân biệt đoạn và bài. Đoạn chỉ tập trung vào phát triển 1 luận điểm, có lý lẽ và bằng chứng, theo 1 kiểu đoạn văn ( diễn dịch, quy nạp, tổng hợp…); trình bày bằng 1 đoạn không xuống dòng. Bài có nhiều luận điểm, trình bày theo 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài).
Thứ 2, đề nghị luận xã hội thường nêu câu dẫn trước câu lệnh. Nhưng câu dẫn phải hay, gợi được cảm hứng, cảm xúc cho học sinh; ưu tiên những câu danh ngôn, có nguồn rõ ràng; thông điệp chính của câu dẫn cần thống nhất với câu lệnh, liên quan chặt chẽ với câu lệnh… Câu lệnh cần rõ ràng, tránh sử dụng nhiều từ ngữ đồng/ gần nghĩa trong câu lệnh…Ví dụ: “Nêu và phân tích vai trò, tác dụng, ý nghĩa của các yếu tố tượng trưng trong đoạn thơ sau:…”. Với lệnh này, học sinh sẽ rất khó khăn trong việc xác định 3 khái niệm: vai trò, tác dụng, ý nghĩa…
Thứ 3, nhiều đề nghị luận xã hội đã chú ý vào các vấn đề xã hội liên quan đến tuổi trẻ, nhưng ít chú ý tới bối cảnh chính trị xã hội của đất nước để lựa chọn được những vấn đề nóng, thiết thực, hấp dẫn…
Thứ 4, về yêu cầu viết nghị luận văn học, có thể link và không link với văn bản đọc hiểu; yêu cầu viết 1 trong 3 kiểu bài (phân tích tác phẩm, so sánh 2 tác phẩm và làm rõ đặc trưng thể loại của một văn bản), nhưng giáo viên thường chú ý đề về thơ nhiều hơn; đề yêu cầu phân tích, cảm nhận tác phẩm nhiều hơn đề yêu cầu so sánh 2 tác phẩm. Nhiều đề yêu cầu quá cao chưa phù hợp với thời lượng làm bài và trình độ học sinh…