Tuyển sinh dễ dãi, thí sinh chịu thiệt
Tình trạng 'vơ bèo vạt tép' trong tuyển sinh ĐH dẫn đến nhiều hậu quả, trong đó có việc sinh viên bỏ học giữa chừng hoặc thất nghiệp khi ra trường.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhìn lại phổ điểm giữa kì thi THPT và điểm đánh giá bằng học bạ trong những năm qua, có thể thấy đánh giá học bạ luôn cao hơn đánh giá qua kết quả kì thi THPT. Đành rằng có yếu tố may rủi trong thi cử, và việc đánh giá cả quá trình và đánh giá qua một kì thi có khác nhau, nhưng về cơ bản phải có sự tương đồng.
Ví dụ, một thí sinh học giỏi, điểm thi môn nào đó “chẳng may” có thể đạt điểm khá, chúng ta hiểu được. Nhưng không thể có chuyện hầu hết học sinh THPT được đánh giá qua học bạ là giỏi, xuất sắc, mà điểm thi lại ở mức trung bình, dưới trung bình. Thực tế là vẫn có chuyện dễ dãi trong đánh giá bằng học bạ. Trong khi đó, đề thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng giáo dục chung toàn quốc.

Thí sinh nên cân nhắc nhiều yếu tố khi chọn ngành/trường học Ảnh: NGHIÊM HUÊ
Những năm qua, do tuyển sinh đầu vào ĐH dễ dãi, nhiều sinh viên phải bỏ học, chuyển ngành, chuyển trường, nhất là với khối các ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật công nghệ.
Do đó, việc loại bỏ hình thức xét tuyển bằng học bạ, tập trung dùng kết quả thi THPT, cũng như các bài thi đánh giá năng lực để nâng cao chất lượng đầu vào ĐH là phù hợp, nhất là trong bối cảnh năm nay, như đã công bố, Bộ GD&ĐT có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và sự phân hóa các đề thi tốt nghiệp THPT.