Kiên cường trên không
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ (1965-1972) là một giai đoạn lịch sử để lại những dấu ấn rất sâu đậm đối với Lạng Sơn. Đó là thời kỳ Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dũng cảm, kiên cường chiến đấu chống các cuộc không kích của máy bay Mỹ, viết tiếp chiến công, tô thắm thêm trang sử chống giặc ngoại xâm oai hùng của quê hương, đất nước.

Mảnh xác máy bay Mỹ từ chiếc máy bay dân quân xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng) bắn rơi ngày 5/10/1965
Bị thất bại nặng nề trong “Chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển hướng sang “Chiến tranh Cục bộ”, đưa thêm quân vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Ngày 7/2/1965 đế quốc Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Thời kỳ đầu, không quân Mỹ tập trung đánh phá các tuyến đường giao thông đường sắt, đường bộ, kho tàng, bến cảng từ vùng Vĩnh Linh (Quảng Bình) trở ra Ninh Bình, Nam Định, Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên Phủ, Lao Cai, Phú Thọ, Yên Bái... Một số khu vực dân cư, tập trung các nhà máy, công xưởng cũng bị đánh phá.
Trước tình hình chiến tranh lan rộng ra cả nước, chuẩn bị chuyển từ thời bình sang thời chiến, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ. Tháng 5/1965, Tỉnh đội đã thành lập hai đại đội pháo cao xạ 37mm, một tiểu đoàn súng phòng không 12 ly 7 và một trung đội công binh. Đại đội phòng không 101 (C101) được chọn làm đơn vị điểm, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời quê hương. Bên cạnh đó, Tỉnh đội còn phối hợp với các cấp, các ngành ở địa phương (đặc biệt là các địa bàn xung yếu như thị xã, thị trấn, ven tuyến giao thông huyết mạch) xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ nâng cao tinh thần cảnh giới, sẵn sàng tác chiến với bộ đội địa phương. Đến giữa năm 1965, lực lượng dân quân tự vệ của tỉnh đã lên đến 3.000 người. Trong tháng 7/1965 hơn 600 nam nữ thanh niên đã tình nguyện tham gia ba đơn vị thanh niên xung phong của tỉnh bố trí ở các địa bàn xung yếu.
Là tỉnh địa đầu Tổ quốc nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, tiếp nhận nguồn hàng viện trợ của các nước anh em qua Trung Quốc theo đường bộ vào nước ta, Lạng Sơn trở thành một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Từ ngày 23/8/1965, máy bay Mỹ chuyển trọng tâm đánh phá về Bắc Giang – Lạng Sơn. Ngày 20/9/1965, chính thức bắn phá các mục tiêu dọc tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn thuộc các huyện ở phía Nam của tỉnh như: thị trấn Mẹt, cầu và ga Sông Hóa (huyện Hữu Lũng), thị trấn Đồng Mỏ, ga Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng)…
Ngay trong những ngày đầu xâm phạm vùng trời Lạng Sơn, Không quân Mỹ đã vấp phải tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Xứ Lạng.
Đại đội Phòng không pháo cao xạ 101 đã bắn rơi một máy bay Mỹ - mở đầu cho chiến công bảo vệ vùng trời Xứ Lạng. Ngày 5/10/1965 máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá thị xã Lạng Sơn và các mục tiêu xung yếu ở các huyện phía Nam của tỉnh. Lưới lửa phòng không pháo cao xạ của bộ đội và các đơn vị dân quân chiến đấu ở thị xã và các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng đã bắn cháy hai máy bay phản lực của Mỹ, trong đó có chiếc thứ 50 của quân khu Việt Bắc. Ngày 5/10/1965 Tiểu đội dân quân xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng) bắn rơi một máy bay “thần sấm” F105 bằng súng bộ binh. Với thành tích xuất sắc đó, tỉnh Lạng Sơn đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cờ luân lưu cho Quân khu Việt Bắc về thành tích bắn rơi bốn máy bay Mỹ ngày 5/10/1965, được Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc tặng cờ thi đua dành cho đơn vị bắn rơi chiếc máy bay thứ 50 tại Quân khu Việt Bắc. Đơn vị C101 được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Ba tháng cuối năm 1965, máy bay Mỹ liên tiếp mở những đợt bắn phá ác liệt đối với thị xã Lạng Sơn, thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Mẹt và cầu phà trên trục đường 1A. Những quả bom tấn có sức công phá lớn ném xuống địa bàn đã phá hủy và làm hư hỏng nhiều đoạn đường giao thông, nhà cửa, cầu cống, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Không nao núng trước kẻ thù, quân dân Lạng Sơn đã kiên cường giáng trả những đòn quyết liệt. Không chỉ bộ đội mà dân quân, du kích ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng cũng luôn nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, ngày đêm trực chiến, cảnh giới phát hiện máy bay xâm phạm vùng trời quê hương và tích cực hiệp đồng tác chiến với bộ đội. Thời kỳ đó, du kích Tân Thành (Hữu Lũng), du kích Quang Lang (Chi Lăng) nổi lên như những điển hình tiên tiến về dân quân tự vệ bắn máy bay Mỹ. Ngày 1/12/1965, tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang (huyện Chi Lăng) anh dũng đã bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ bằng súng trường.
Trong suốt những năm 1966- 1968, máy bay Mỹ liên tục đánh phá dữ dội các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng tại các trọng điểm: ga và cầu Sông Hóa, phà Na Hoa, ga Phố Vị, thị trấn Đồng Bành, ga và thị trấn Đồng Mỏ… Đồng thời mở rộng ném bom sang các địa bàn khác của tỉnh như: ị xã Lạng Sơn, huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Bắc Sơn… Liền trong hai ngày 19 và 20/1/1967, máy bay phản lực của Mỹ đánh phá ác liệt từ ga Bản í (Chi Lăng) đến ga Voi Xô và các xã Hòa ắng, Minh Sơn (huyện Hữu Lũng). Trong năm 1967, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá Lạng Sơn một cách hệ thống, quy mô - từ thị xã tỉnh lỵ đến các trục đường 1A, 1B, 4A, 4B... Chúng thả hàng trăm quả bom tấn có sức hủy diệt mạnh xuống địa bàn. Từ tháng 1 đến tháng 3/1968, máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá dọc theo quốc lộ 1A từ thị xã Lạng Sơn đến Chi Lăng làm hệ thống nhà ga từ Lạng Sơn đến Voi Xô bị phá hủy hoàn toàn. Trở thành tiêu điểm ném bom của máy bay Mỹ, cầu Kỳ Cùng, ga Lạng Sơn (thị xã Lạng Sơn), ga Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), khu mỏ Na Dương, cầu Pò Lọi (huyện Lộc Bình), cầu Bản Trại (huyện Tràng Định)… đã bị phá hủy, hư hỏng nặng. Không chỉ đường sá mà các công trình văn hóa tín ngưỡng, trường học, khu dân cư cũng bị phá hủy, hư hỏng. Không nao núng trước kẻ thù, quân dân Lạng Sơn đã anh dũng giáng trả Không quân Mỹ những đòn thích đáng. Các đơn vị pháo cao xạ đã phối hợp với quân dân Lạng Sơn bắn rơi nhiều loại máy bay chiến đấu của Mỹ như: máy bay “thần sấm” F105, máy bay phản lực F4, F4H… Tiêu biểu ngày 20/6 và 5/7/1966 bắn rơi 2 máy bay ở cầu Sông Hóa. Trong trận đối đầu ngày 11/7/1966 tại vùng trời Hữu Lũng, quân ta đã bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ. Từ ngày 4 đến 20/9/1966, các đơn vị Phòng không của ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 5 chiếc máy bay của địch, trong đó có chiếc thứ 1400 bị bắn rơi trên miền Bắc… Trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm, gan dạ: Thượng sĩ Nông Văn Nghi phá bom Mỹ ném xuống đường sắt tại Chi Lăng, Hữu Lũng để đảm bảo giao thông vận tải thông suốt; xạ thủ Hồ Văn Tài (đơn vị C101) tuy bị thương nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu không rời trận địa… Thời kỳ này, lực lượng thanh niên xung phong đã tích cực tham gia sửa chữa đường sá, làm phà và bến phà, bắc cầu phao ở những đoạn đường xung yếu để thông đường. Các phong trào thi đua yêu nước cũng dấy lên sôi nổi trong các đơn vị, đoàn thể, từ tỉnh xuống cơ sở, thành thị đến nông thôn. Đó là các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba điểm cao”, “Ba Đảm đang” “Ba giỏi”…
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968 của quân ta, Mỹ buộc phải ngừng ném bom trên miền Bắc. Tuy nhiên, từ tháng 4/1972, máy bay Mỹ đánh phá trở lại với mức độ và cường độ mạnh hơn. Sau khi Mỹ bắn phá miền Bắc lần 2, các cảng biển tiếp tục bị phong tỏa, Lạng Sơn lại đảm nhiệm vai trò “cảng nổi” tiếp nhận hàng hóa của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam nên trở thành mục tiêu đánh phá. Ngày 11/5/1972 máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá tại khu vực phía Nam của tỉnh thì ngày 12/5/1972 Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban giải tỏa và điều hòa hàng hóa. Từ tháng 5/1972, hàng ngàn người gồm cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương đã tham gia giải tỏa, vận chuyển, cất giấu hàng viện trợ vào nơi an toàn. Trung tuần tháng 6/1972 Trung ương thành lập Ban điều hòa vận tải Trung ương đóng tại Lạng Sơn. Hàng nghìn nhân lực ở vùng xuôi đã lên tham gia giải tỏa hàng hóa, bốc xếp ở các kho ga của tỉnh.
Để ngăn chặn con đường viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho Việt Nam qua Lạng Sơn, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá các ga tàu, đường sắt và đường bộ. Ga Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, ga Lạng Sơn, ga Đồng Mỏ, cầu Mẹt, Mai Sao bị không kích, ném bom dữ dội. Có đợt máy bay Mỹ ném bom hủy diệt xuống Mỏ Chảo, thị trấn Đồng Mỏ trong ba ngày liên tiếp (từ 27 đến 29/10/1972) gây nhiều thiệt hại về tài sản, con người. Không nao núng trước kẻ thù, quân dân Lạng Sơn đã anh dũng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ các mục tiêu trọng điểm trong những ngày giải tỏa hàng hóa. Ngày 25/8/1972, các đơn vị phòng không đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi tại chỗ một máy bay F4H, bắt sống giặc lái Mỹ khi chúng đến đánh phá ga Lạng Sơn, cầu Kỳ Cùng. Ngày 19/12/1972, máy bay Mỹ đánh phá thị xã Lạng Sơn, các đơn vị phòng không đã anh dũng bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3900 trên miền Bắc, bảo vệ an toàn cho ga Lạng Sơn và cầu Kỳ Cùng...
Trong những ngày máy bay Mỹ bắn phá “cảng nổi” Lạng Sơn, quân dân trong tỉnh vừa chiến đấu bảo vệ mục tiêu vừa tích cực giải tỏa hàng hóa, bảo quản, cất giấu vào nơi an toàn. Tỉnh thường xuyên huy động hàng ngàn nhân lực cùng các phương tiện vận tải tới các trọng điểm: ga Đồng Đăng, ga Lạng Sơn, ga Đồng Mỏ bốc xếp, vận chuyể̉n hàng hóa. Ty Giao thông điều xe trực tiếp vận chuyển hàng viện trợ về các tỉnh Hà Bắc, Thái Nguyên, Hà Nội; lên vùng Tây Bắc… Bên cạnh đó, các đơn vị công binh, công nhân cầu đường, lực lượng thanh niên xung phong không quản ngại bom đạn, gian khổ bám trụ đường tại các vị trí trọng yếu. Mỗi khi địch rút, bất kể ngày đêm băng ra lấp hố bom, sửa chữa cầu đường hoặc mở thêm những cung đường mới. Lực lượng thanh niên xung phong còn tích cực khai thác đá, tre gỗ để xây dựng bến bãi, kho hàng, sửa chữa cầu đường, tham gia làm cầu cáp qua sông, qua suối đảm bảo giao thông liên tục, thông suốt.
Bị thất bại lớn trong chiến tranh phá hoại, không thể đạt mục tiêu chiến dịch, ngày 15/1/1973 Mỹ tuyên bố chấm dứt vô điều kiện hoạt động đánh phá miền Bắc. Ngày nay, chúng ta còn có thể hình dung một cách đầy đủ, rõ nét cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ thời kỳ 1965-1972 tại Lạng Sơn qua bộ ảnh tư liệu chân thực, giàu tính thời sự của cố nhà báo Vũ Bách (phóng viên chiến trường của Báo Lạng Sơn); qua những hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn... Hình ảnh Lạng Sơn “cảng nổi” trung dũng, kiên cường nơi tuyến đầu Tổ quốc gắn với những cống hiến, hy sinh và chiến công oanh liệt của các thế hệ cha anh mãi là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn