'Nợ các anh tôi không thể trả'

LTS: Bài viết của bà Nguyễn Thị Trâm, người vợ của cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, về câu chuyện cảm động về bức ký họa 'Trao đổi tình hình chiến đấu'...

Ký họa "Trao đổi tình hình chiến đấu" bản gốc.

Ký họa "Trao đổi tình hình chiến đấu" bản gốc.

Trong Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước diễn ra sáng nay tại TP Hồ Chí Minh, khi nhạc Quốc ca cử lên, tôi thấy trong ánh mắt của những người dự Lễ niềm tri ân Tổ quốc, tri ân các vị tiên liệt, các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu của mình cho màu cờ đỏ, cho đất nước hòa bình phát triển hôm nay. Và trong tôi, bỗng hiện về một ký ức khó phai mờ…

Đó là ký ức về một thời đạn bom trên đất lửa Quảng Trị qua vài trăm bức ký họa mà chồng tôi, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, đã vẽ khi là sinh viên mỹ thuật năm thứ ba đi thực tế chiến trường năm 1972 - 1973. Trong đó có một bức ký họa mà tôi từng nghe anh ấy kể nhiều lần về nó. Bởi nó có gì đó rất đặc biệt, cả yếu tố tâm linh khó lý giải.

Ký họa phóng to trên toan.

Ký họa phóng to trên toan.

Và chồng tôi đã kể chuyện đi vẽ ở chiến trường, đăng lần đầu tiên trên tạp chí Cửa Việt. Đoạn viết về bức ký họa “Trao đổi tình hình chiến đấu” như sau:

“Cho đến tận bây giờ, gần 40 năm đã trôi qua, tôi vẫn không thể quên được những kỷ niệm của một thời ác liệt nhưng rất hào hùng và trong trẻo ấy. Những kỷ niệm đó trở thành điểm tựa tinh thần, thành hành trang cho tôi trên hành trình theo nghiệp vẽ với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Và cũng từ những kỷ niệm ấy, với tôi, Quảng Trị trở nên rất đỗi thân thương.

… Đầu năm 1973, ngay sau mấy ngày đình chiến để hai bên cùng được ăn Tết Nguyên đán, tôi đi vẽ ở một trận địa chốt trên sân bay Ái Tử. Cuộc giao ban trao đổi tình hình nhiệm vụ của một tiểu đội diễn ra trong phần nổi của căn hầm chữ A. Người thì ngồi trên bao cát, người ngồi trên cuộn dây bọc, người khoác súng chếch, người lại kẹp súng ở hai đùi, người đứng dựng khẩu B40 như cầm thanh long đao…Một bố cục tự nhiên rất sinh động và rất chặt chẽ. Tôi ghi nhanh toàn bộ bối cảnh này. Giao ban xong, từng người còn nán lại giúp tôi hoàn thiện nốt chi tiết dáng, anh nào xong trước rời vị trí trước. Và cuối cùng, tôi chia tay anh em với thuốc lào và nước chè rừng mà không thể chờ được đến bữa cơm. Tôi còn phải tới tiểu đội khác.

Vừa rời khỏi căn hầm ấy vài phút, một loạt pháo từ sân bay Ái Tử dội xuống trận địa của ta. Những quả đạn bội ước mở đầu năm mới đã rót chính xác xuống những căn hầm, trong đó có căn hầm tôi vừa vẽ cuộc giao ban. Cả tiểu đội ấy đã ra đi khi chưa kịp ăn bữa sáng. Tôi rưng rưng nhìn lại chân dung từng người vừa phác họa. Họ là những người lính trẻ đẹp trai, thông minh vừa rời ghế nhà trường. Mới đây thôi, mà bây giờ họ chỉ còn hiển hiện trong bức ký họa của tôi. Nhưng họ sống mãi trong lòng tôi, trong sự ghi công của Tổ quốc. Một lần nữa, tôi lại ân hận vì đã không kịp ghi tên từng người trong tranh, vì tôi không có được thói quen rất đáng trân trọng của các nhà báo. Sau này, mỗi lần xem lại bức ký họa này, ấn tượng về những người lính trẻ đẹp thông minh ấy lại sống dậy trong tôi. Và họ cũng sống lại trong những lần tôi công bố bức tranh này tại các triển lãm chung cũng như triển lãm cá nhân của tôi. Tôi vẫn giữ gìn một cách trân trọng, như giữ gìn phần hồn của những người đã mất”.

Bức ký họa này đã được anh trân trọng bày nhiều lần trong các triển lãm chung và riêng, như anh nói. Nhưng, có một lần đặc biệt vào tháng 7/2013, có một triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của cựu chiến binh, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu đã quyết định in trên toan khổ lớn bức ký họa này, và anh dùng bút xóa ghi mấy dòng chữ: “Những con người này, vĩnh viễn tôi không còn cơ may gặp lại. Nợ các anh tôi không thể trả. Thành tâm kính cẩn”.

Bức ký họa như được thổi vào một cảm xúc mới, thiêng liêng. Nhiều người xem đã xúc động. Hiện nay, bức tranh in khổ lớn này được treo trong phòng lưu niệm của họa sĩ tại gia đình.

Tháng 11/2013, anh phát hiện K phổi giai đoạn cuối. Bệnh tiến triển khá nhanh. Hai tháng sau đó, khi bệnh đã di căn vào cột sống làm anh bị liệt nửa người, rất mệt, nhưng vẫn tỉnh táo, anh nói với tôi: “Em tìm bức ký họa đó, đặt lên ban thờ, và khấn linh hồn các anh ấy phù hộ cho anh”. Tôi ngay lập tức làm theo lời anh, vừa khấn vừa khóc như mưa.

Mà anh không qua khỏi. Và đi về miền mây trắng để gặp lại đồng đội anh, để anh lại cùng các chiến sĩ trẻ mãi uống nước chè rừng, chia nhau điếu thuốc.

Tranh của họa sĩ Đinh Công Khải, vẽ từ bức ký họa của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.

Tranh của họa sĩ Đinh Công Khải, vẽ từ bức ký họa của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.

Hôm nay 30/4/2025, đúng là hôm nay chứ không phải hôm nào khác, họa sĩ Đinh Công Khải từ TP Hồ Chí Minh gửi ra cho tôi bức ảnh này, với những dòng tin nhắn kể lại:

“Năm 2010, khi anh Liệu vào TP Hồ Chí Minh triển lãm cùng một nhóm họa sĩ Hà Nội, tôi có gặp anh. Anh rất xúc động kể với tôi về bức ký họa đặc biệt này. Và anh nói rất áy náy khi chưa chuyển được thành tranh. Tôi có nói với anh là “nếu anh muốn, em sẽ thể hiện bức tranh này. Anh cứ suy nghĩ, có gì thì gọi lại cho em”. Nhưng sau đó tôi không thấy anh hồi âm. Khi biết tin anh mất, tôi cứ băn khoăn, coi việc này như một món nợ với anh Liệu. Nay tôi vẽ lại, như tấm lòng tôi dâng lên hương hồn các liệt sĩ và anh Liệu. Chẳng biết anh có ưng không, chỉ mong chị và các cháu vui lòng nhận cho”.

Tôi đã khóc khi nhận bức tranh này. Cảm ơn họa sĩ Đinh Công Khải, tôi sẽ treo bức tranh này bên cạnh bức ký họa, ngay trong phòng lưu niệm của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu ở gia đình, và thắp một nén hương báo cáo anh Liệu và các liệt sĩ...

Nguyễn Thị Trâm

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/no-cac-anh-toi-khong-the-tra-20250430190520055.htm
Zalo