Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Lòng biết ơn và trách nhiệm của người trẻ hôm nay

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một dấu mốc thiêng liêng không chỉ trong dòng chảy lịch sử dân tộc mà còn trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, giáo dục lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm cho người trẻ càng trở nên quan trọng. (Ảnh: Thanh Thủy)

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, giáo dục lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm cho người trẻ càng trở nên quan trọng. (Ảnh: Thanh Thủy)

Mỗi người lựa chọn thể hiện lòng yêu nước khác nhau

Mỗi độ tháng Tư về, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại dâng lên niềm xúc động thiêng liêng, khi nhớ về những năm tháng gian khó mà vĩ đại, khi những con người bình dị đã viết nên bản anh hùng ca bất tử của dân tộc bằng chính máu xương, tuổi trẻ và lòng yêu nước.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một dấu mốc thiêng liêng không chỉ trong dòng chảy lịch sử dân tộc mà còn trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Đó không chỉ là ngày chiến thắng, mà còn để chúng ta tưởng nhớ, tri ân những hy sinh lớn lao của bao thế hệ đi trước, những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Mỗi người có cách thể hiện tình yêu nước khác nhau. Thật xúc động khi hàng nghìn người nô nức với cờ đỏ sao vàng, xếp hàng ngắm những đoàn duyệt binh. Đi khắp các con đường tại TP. Hồ Chí Minh trong những ngày qua, người dân, du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài vô cùng thích thú với hình ảnh bạn trẻ tưng bừng tại các tụ điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm.

"30/4 không chỉ là dịp để nhớ về chiến thắng lịch sử, mà còn để các thế hệ tiếp nối nhau cùng cống hiến sức lực, lòng nhiệt huyết và ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước".

Trong những lần sơ duyệt diễu binh, diễu hành, hình ảnh các chiến sĩ bộ đội, công an nhân dân… luôn được các bạn trẻ chụp, đăng trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân với nhiều chia sẻ cảm xúc: "Tự hào là người Việt Nam", "Nếu có kiếp sau, tôi mong rằng mình vẫn là người Việt Nam”… Dường như, mỗi người đều có cảm nhận sâu sắc với mảnh đất thiêng liêng và truyền thống yêu nước nồng nàn.

Thật cảm động trước hình ảnh của cựu chiến binh Trần Văn Thanh. Ông đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước khi tự đi xe máy từ Nghệ An vào TP. Hồ Chí Minh để “đi ngắm hòa bình đất nước”. Như ông nói: “Tôi thấy mình như một người lính giải phóng năm xưa, tiến vào miền Nam vì hòa bình đất nước. Được đến lễ diễu binh, diễu hành dịp trọng đại này chính là động lực để một cựu chiến binh như tôi vượt qua được hành trình khó khăn".

Lòng biết ơn không chỉ được thể hiện trong những buổi lễ trang trọng, mà còn trong từng hành động nhỏ. Đó có thể là một lời kể cho thế hệ sau về quá khứ, một tấm ảnh cũ được chia sẻ trên mạng xã hội cùng dòng cảm xúc chân thành, hay một hành trình trở về nguồn để lắng nghe những câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Các trường học tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam cho học sinh vô cùng ý nghĩa.

Cô trò lớp mẫu giáo Trường Mầm non Sao Sáng (Thanh Xuân, Hà Nội) trong một hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày 30/4. (Ảnh: Trương Soa)

Cô trò lớp mẫu giáo Trường Mầm non Sao Sáng (Thanh Xuân, Hà Nội) trong một hoạt động ý nghĩa chào mừng ngày 30/4. (Ảnh: Trương Soa)

Nhiều bạn trẻ đã lựa chọn cách riêng để bày tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc từ những bộ ảnh đậm chất truyền thống đến các video lan tỏa cảm hứng trên mạng xã hội. Xuất hiện trên các con phố lớn của Thủ đô, những tà áo dài thướt tha, khăn rằn Nam Bộ hay bộ quân phục màu xanh còn phủ sóng khắp các nền tảng mạng xã hội.

Hàng loạt video, bộ ảnh nghệ thuật lấy cảm hứng từ lịch sử nhận được hàng chục nghìn lượt yêu thích và chia sẻ. Với người trẻ, lịch sử không còn là những dòng chữ khô khan trong sách vở mà là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận...

Bên cạnh những hoạt động tưởng niệm truyền thống, hàng loạt trào lưu mới như nhảy theo nhạc Máu đỏ da vàng, vẽ cờ Tổ quốc hay biến hình cùng bài hát Tự hào Việt Nam đã và đang làm dậy sóng các trang mạng xã hội, thu hút sự chú ý của hàng triệu người. Những giai điệu cách mạng hào hùng là chất xúc tác để các bạn trẻ thể hiện lòng yêu nước, đồng thời bày tỏ sự hưởng ứng đối với một ngày lễ trọng đại của dân tộc.

Niềm tin vào người trẻ

Giữa thời bình, hình ảnh của tình quân dân, một giá trị đã làm nên sức mạnh của người Việt suốt bao cuộc chiến như được tái hiện đầy chân thực giữa đời thường. Đó là những bạn trẻ xung phong về vùng sâu, vùng xa dạy học, là những đoàn thanh niên tình nguyện băng qua bão lũ để hỗ trợ đồng bào, là các kỹ sư trẻ ngày đêm sáng tạo vì một Việt Nam xanh, sạch và hiện đại. Tình quân dân không còn là ký ức, mà đang hiện hữu trong hình hài của sự sẻ chia, gắn bó và tinh thần trách nhiệm.

Lòng biết ơn hôm nay không còn là điều chỉ được nhắc lại trong sách giáo khoa hay các buổi lễ tưởng niệm mà đang sống và trở thành một phần trong ý thức sống của thế hệ trẻ. Đó là khi họ hiểu rằng, hòa bình không phải là kết thúc của một câu chuyện, mà là khởi đầu của một sứ mệnh làm sao để đất nước không chỉ giữ được hòa bình mà còn phát triển.

Tình yêu nước của thế hệ trẻ không chỉ là sự tưởng nhớ về quá khứ, mà còn là cách thể hiện trách nhiệm với hiện tại và tương lai của đất nước.

Nói cách khác, tình yêu nước của thế hệ trẻ không chỉ là sự tưởng nhớ về quá khứ, mà còn là cách thể hiện trách nhiệm với hiện tại và tương lai của đất nước. Trong bối cảnh hiện đại, tình yêu nước của giới trẻ không chỉ thể hiện qua lòng biết ơn, mà còn qua những hành động cụ thể.

Lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm của người trẻ hôm nay cần được bắt đầu từ những hành động nhỏ. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm của người trẻ hôm nay cần được bắt đầu từ những hành động nhỏ. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Trong bài viết với tiêu đề "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một",Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Thế hệ hôm nay – từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, mọi tầng lớp nhân dân đều là con Rồng cháu Tiên – cần ý thức sâu sắc rằng: chúng ta đang thừa hưởng những giá trị di sản vĩ đại từ cha ông, và chúng ta có trách nhiệm làm rạng danh đất nước trong thời đại mới. Mỗi hành động hôm nay phải xứng đáng với máu xương đã đổ xuống, với những hy sinh mất mát mà cả dân tộc đã từng gánh chịu...

Nhìn về phía trước, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào tin tưởng vào sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam – một dân tộc đã bao lần đánh thắng ngoại xâm và đứng dậy từ chiến tranh, khẳng định mình trước lịch sử và trước thế giới. Với truyền thống nghìn năm dựng nước và giữ nước, với khát vọng vươn lên không ngừng, với thế hệ trẻ tài năng, hoài bão, yêu nước, sáng tạo và đầy bản lĩnh – Việt Nam nhất định sẽ thành công".

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thế hệ trẻ sống tử tế, sống có lý tưởng, dấn thân và cống hiến cũng là yêu nước. Bởi chính điều đó là cách chân thực nhất để bày tỏ lòng tri ân với những người đã làm nên lịch sử, đồng thời viết tiếp một chương mới, bình yên và phát triển cho mảnh đất hình chữ S. Người trẻ học cách biết ơn qua từng trang sách lịch sử, qua những bộ phim tài liệu, qua những lời kể chân thực từ ông bà, cha mẹ, những người đã sống qua chiến tranh để hiểu rằng tự do không phải điều hiển nhiên, hòa bình hôm nay là cái giá của máu xương và nước mắt ngày hôm qua.

Chúng ta tin rằng, người trẻ hôm nay cảm nhận được họ đang sống tiếp một phần của câu chuyện đất nước. Một câu chuyện chưa dừng lại mà luôn tiếp diễn qua từng hành động tử tế và những sáng tạo nhỏ bé nhưng đầy tâm huyết, từng giấc mơ không chỉ cho riêng mình mà cho cả cộng đồng. Lòng biết ơn là sợi dây bền chặt kết nối các thế hệ. Nó giúp chúng ta không quên mình là ai, đến từ đâu và phải sống sao cho xứng đáng với những gì cha ông để lại...

Tuấn Kiệt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-long-biet-on-va-trach-nhiem-cua-nguoi-tre-hom-nay-311945.html
Zalo