Không nên tích trữ thuốc điều trị cúm
Trong bối cảnh dịch cúm gia tăng, nhiều người dân đã đổ xô mua thuốc Tamiflu dự trữ, lo ngại giá sẽ tăng và thuốc sẽ khan hiếm nếu dịch bùng phát. Trên các trang mạng xã hội, một số cửa hàng thuốc cũng đang rao bán Tamiflu, thậm chí khuyến cáo người dân nên dự trữ 1-2 vỉ thuốc tại nhà. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, người dân không nên tự ý sử dụng Tamiflu để điều trị cúm.
BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, Tamiflu là thuốc kê đơn và cần phải có đơn thuốc từ bác sỹ trước khi sử dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp nhiễm cúm đều cần đến thuốc kháng virus đặc hiệu này. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, giúp giảm tình trạng khó chịu trong giai đoạn nhiễm cấp tính. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng Tamiflu.
BS Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc Phòng lý giải: “Đầu tiên, phải xác định oseltamivir (Tamiflu) là thuốc ức chế nhân lên của virus cúm (cả cúm A và cúm B), bản thân nó không tiêu diệt được virus cúm. Chính vì vậy, thuốc chỉ có tác dụng trong vòng 48 giờ đầu khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh cúm. Quá thời gian đó, thuốc vừa không có tác dụng, gây ra nhiều tác dụng phụ đối với người dùng. Các tác dụng phụ của Tamiflu bao gồm buồn nôn và nôn, tiêu chảy, nhức đầu... và tăng thêm gánh nặng với gan. Tamiflu là thuốc kê đơn, chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, với liều lượng chính xác theo cân nặng và độ tuổi. Không dùng Tamiflu cho trẻ dưới 6 tháng. Với đa số mọi người, bệnh cúm có thể hồi phục sau 5-7 ngày bằng việc điều trị các triệu chứng”.
“Lạm dụng Tamiflu, ngoài việc tốn tiền còn không mang lại hiệu quả, đồng thời khiến tình trạng kháng thuốc gia tăng, trong khi bệnh nhân phải chịu thêm nhiều tác dụng phụ không cần thiết” – BS Hoàng nhấn mạnh.
Trước tình hình nói trên, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm.
Theo Cục Quản lý Dược, gần đây, một số tỉnh thành ghi nhận số ca mắc cúm mùa, đặc biệt là cúm A, có xu hướng gia tăng. Để đảm bảo việc cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt là thuốc điều trị cúm A (Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir).
Trước thực tế đó, Cục này yêu cầu các đơn vị, trong đó có Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương triển khai thực hiện các Công văn số 3847/QLD-KD ngày 2/12/2024 và Công văn số 414/QLD-KD ngày 7/2/2025 của Cục về việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị cúm.