Không có chuyện vay tiền Bà rồi tự nhiên giàu
Theo Ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, du khách thập phương nên hiểu đúng về Lễ hội đền Bà Chúa Kho.
Những ngày đầu năm mới, ông Nguyễn Văn Trang, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho luôn tất bật việc tiếp đón công đức của du khách thập phương đến đền.
Theo ông Trang, đền Bà Chúa Kho là công trình được nhân dân dựng lên để tôn thờ, ngưỡng vọng một vị nhân thần là Bà Chúa Kho. Đó là một phụ nữ nhan sắc, đảm đang, tài giỏi đã có công chiêu dân, dựng lập làng xóm vùng Quả Cảm - Cô Mễ - Thượng Đồng, giúp dân làm ăn, mang lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ. Bà trở thành Hoàng Phi triều Lý, giúp vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương của triều đình ở vùng núi Kho thuộc làng Cô Mễ. Sau đó, bà anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đánh giặc cứu nước vào ngày 12 tháng Giêng (năm 1077), nhà vua thương tiếc phong bà là Phúc Thần. Nhân dân ghi nhớ công ơn bà, lập đền thờ ở núi Kho. Đây là nơi đặt kho ngày xưa và trở thành trung tâm của lễ hội. Mọi người vẫn gọi bà với niềm tôn kính là Bà Chúa Kho.
![Người dân cần hiểu đúng ý nghĩa lễ hội. Ảnh: Nguyễn Thắng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_20_51435153/d19758d663988ac6d389.jpg)
Người dân cần hiểu đúng ý nghĩa lễ hội. Ảnh: Nguyễn Thắng
Ông Trang cho biết, hằng năm, vào ngày 12 tháng Giêng là ngày giỗ của Bà Chúa Kho. Từ năm 1997, khi kinh tế bắt đầu phát triển, đời sống người dân có của ăn của để thì du khách thập phương đến đền Bà Chúa Kho ngày càng đông và nhộn nhịp. Người dân địa phương tổ chức Lễ hội đền Bà Chúa Kho là tưởng nhớ công ơn của bà với dân, với nước. Việc du khách thập phương đến vay tiền, xin Bà Chúa Kho cấp vốn đầu năm để làm ăn là do quan niệm của người dân, người này truyền miệng đến người kia. Bởi vậy, du khách cần hiểu đúng về ý nghĩa tốt đẹp của Lễ hội và đền Bà Chúa Kho để tránh mê tín.
“Để tránh người dân hiểu chưa đúng về Lễ hội đền Bà Chúa Kho, chúng tôi in tờ rơi có thông tin về lịch sử, ý nghĩa về cụm di tích để phát cho du khách đến lễ hội”.
Ông Nguyễn Văn Trang
Ông Nguyễn Văn Bưu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) cho biết, đầu những năm 1990 đền Bà Chúa Kho chưa đông du khách đến vào đầu năm như bây giờ. Sau này, khi kinh tế phát triển nên người dân, nhất là những người làm kinh doanh, buôn bán mới nghĩ rằng đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền, xin bà cấp vốn làm ăn cả năm, đến cuối năm trả lễ.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Cương Nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh cho biết, thành phố rất quan tâm công tác quản lý lễ hội tại các di tích trên địa bàn vào dịp đầu năm, trong có đền Bà Chúa Kho nhằm đảm an toàn về giao thông, vệ sinh thực phẩm, cháy nổ, tuyên truyền tránh mê tín dị đoan. Đặc biệt, dịp Lễ hội đền Bà Chúa Kho, thành phố Bắc Ninh phối hợp với phường Vũ Ninh thành lập một đội túc trực để ngăn chặn việc lôi kéo, chặt chém người dân mua lễ vào đền, tuyên truyền để du khách hạn chế mua vàng mã gây lãng phí. Các điểm bán đồ lễ vào đền Bà Chúa Kho đều phải công khai giá cả.
Ông Nghị cho biết thêm, việc du khách thập phương đến đền Bà Chúa Kho vay tiền, xin cấp vốn làm ăn là quan niệm, ý nghĩ của người dân, thành phố Bắc Ninh và địa phương nơi có đền Bà Chúa Kho không tuyên truyền như vậy. Ngày xưa, có người đến đền Bà Chúa Kho mua lễ là vàng mã đồ sộ như ô tô. Bây giờ, du khách đã có thay đổi, việc mua lễ vào đền gọn gàng hơn, mua vàng mã ít hơn trước.
“Lễ hội và đền Bà Chúa Kho tưởng nhớ công ơn bà có công giúp dân và đất nước. Người dân phải chăm chỉ làm ăn, không nên nghĩ đi vay tiền Bà Chúa Kho là tự dưng giàu có được”, ông Nghị chia sẻ.