Điều chưa biết về ngôi chùa hàng trăm tuổi vừa bị cháy ở Bắc Giang
Chùa Vẽ (Bắc Giang) hiện lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị, tiêu biểu nhất là hệ thống tượng Phật cổ. Mỗi pho tượng đều được tạc quy chuẩn, tinh tế, sơn thếp đẹp màu mận chín. Rạng sáng 10/2, ngôi chùa bất ngờ bốc cháy. Gian tiền đường và hậu cung bị thiêu rụi.
Rạng sáng 10/2, chùa Vẽ (Huyền Khuê tự) thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) bất ngờ bốc cháy. Gian tiền đường và hậu cung bị thiêu rụi. Chùa Vẽ được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12/2/1994.
Chùa Vẽ là ngôi chùa cổ kính, có giá trị về văn hóa, nghệ thuật điêu khắc với kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”. Chùa Vẽ có đủ các hạng mục công trình: tam quan, khuôn viên sân vườn, tòa Tam bảo, hai dãy hành lang, nhà chung kiểu chồng diêm. Phía sau hậu đường là nhà thờ Tổ năm gian, cạnh có nhà trai, nhà in kinh, nhà tạo soạn, nhà khách và bên dưới là điện thờ Mẫu.
![Chùa Vẽ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12/2/1994.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_20_51439582/b875ffa8cbe622b87bf7.jpg)
Chùa Vẽ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12/2/1994.
Theo UBND phường Thọ Xương, dựa theo các hiện vật có dấu tích như chuông đồng, bát hương, chùa có thể được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 thời Lê Trung Hưng. Trên các cấu kiện gỗ của chùa chạm khắc hình vân mây, lá lật.
Năm 2018, khi tu sửa chùa Vẽ, nhân dân địa phương phát hiện ba bệ chân tảng đá hoa sen mang phong cách thời Trần (thế kỷ 13-14) dưới phần nền tòa Tam bảo. Bệ đá chân tảng có cạnh hình vuông, chất liệu đá xanh, bề mặt trang trí hình hoa sen, nét chạm tỉ mỉ, tinh tế.
Chùa Vẽ hiện lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị, tiêu biểu nhất là hệ thống tượng Phật cổ. Mỗi pho tượng đều được tạc quy chuẩn, tinh tế, sơn thếp đẹp màu mận chín.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_20_51439582/f8afb8728c3c65623c2d.jpg)
![Hệ thống tượng ở chùa Vẽ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_20_51439582/d17090ada4e34dbd14f2.jpg)
Hệ thống tượng ở chùa Vẽ.
Các tài liệu, hiện vật khác như bát hương, mõ gỗ, nhang án thời Nguyễn (thế kỷ 19), chuông đồng thời Tây Sơn và đặc biệt là cây hương đá thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1720)… có giá trị lịch sử văn hóa và giá trị nghiên cứu khoa học.
Ngày hội chùa được tổ chức vào Mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Dân làng cho mở cửa chùa từ Mùng 6, trước sân chùa có dựng phướn và cắm cờ hội lớn, cờ thần. Các cụ bà ra chùa tụng kinh, lễ Phật và đón khách thập phương đến dự.
Lễ hội chùa Vẽ có nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian đặc sắc, điển hình là trò kéo chữ Hán “Thiên hạ thái bình” hoặc “Toàn dân khai hội”… Mỗi chữ 30 người, 4 chữ một lần xếp, nam nữ thanh niên tay cầm cờ quạt, hoa, mặc đồng phục theo sự chỉ dẫn của hai tổng cờ. Người chơi xuống đứng lên 3 lượt, tung hoa, hô vang chữ mình được xếp, đi quanh bãi xếp chữ theo lệnh tổng cờ.
Người dân địa phương cũng chơi cướp cầu, với ý nghĩa mong mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu.