Lễ tế mở cửa đền Trần Thái Bình, lễ rước nước kỷ lục hàng nghìn người

Bắt đầu từ ngày 10/2 (tức 13 tháng Giêng âm lịch), tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra một loạt các hoạt động tâm linh và văn hóa truyền thống mở đầu cho những ngày diễn ra Lễ hội đền Trần năm 2025 đầy sôi động.

Rước nước trong Lễ hội đền Trần Thái Bình.

Rước nước trong Lễ hội đền Trần Thái Bình.

Theo quan sát của phóng viên Báo Nhân Dân, thời tiết trong ngày còn rét đậm nhưng không mưa tạo điều kiện khá thuận lợi cho người dân du xuân, vãn cảnh chung quanh quần thể di tích đền Trần rộng lớn nằm gần sông Hồng, giáp với các tỉnh Hà Nam và Hưng Yên.

Năm nay, Lễ hội đền Trần Thái Bình tiếp tục được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Trước giờ khai mạc diễn ra vào tối 10/2, Ban tổ chức cùng đông đảo người dân quanh di tích đã thực hiện nghi lễ tâm linh riêng có, đó là lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại lăng mộ các vua Trần nằm ngay trước di tích đền Trần.

Dâng hương, dâng hoa và rượu trước lăng mộ các vua Trần. (Ảnh Hoàng Thủy)

Dâng hương, dâng hoa và rượu trước lăng mộ các vua Trần. (Ảnh Hoàng Thủy)

Theo thông lệ, các nghi thức này đều do những bậc cao niên ở thôn Tam Đường, xã Tiến Đức thực hiện, gồm dâng hoa, dâng hương, dâng rượu tại sân tòa trung tế và trước các ngôi mộ vua Trần.

Tất cả thể hiện lòng thành kính, biết ơn các vị vua triều Trần - Một triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam với những vị tướng hiền tài, văn võ song toàn, nổi bật là Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Anh hùng dân tộc có công trạng lớn lao trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược thế kỷ 13.

Lễ rước nước kéo dài hàng km đầy sắc màu văn hóa riêng có.

Lễ rước nước kéo dài hàng km đầy sắc màu văn hóa riêng có.

Chiều cùng ngày, từ 13 giờ đến 17 giờ diễn ra lễ rước nước (rước thủy và rước bộ) kéo dài hàng km từ đền Trần ra bến sông Hồng và ngược lại. Đây là nét văn hóa đặc sắc, đầy màu sắc và linh thiêng trong Lễ hội đền Trần Thái Bình với hàm ý cầu cho mưa thuận gió hòa, âm dương tương hợp; đồng thời mang ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới gắn với sông nước.

Theo truyền thống, nước thiêng được cụ chủ tế lấy từ giữa ngã ba sông Hồng tiếp giáp ba tỉnh (Thái Bình, Hà Nam và Hưng Yên) cho vào vò sứ cỡ lớn, rồi làm các nghi thức tâm linh và rước về đặt tại đền Vua, nằm trong khu di tích đền Trần.

Theo tập tục truyền thống, nước thiêng được rước từ bến sông Hồng về đặt tại đền Vua trong khu di tích đền Trần trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.

Theo tập tục truyền thống, nước thiêng được rước từ bến sông Hồng về đặt tại đền Vua trong khu di tích đền Trần trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.

Tối nay, vào lúc 19 giờ 20 phút tại đền Trần Thái Bình sẽ diễn ra lễ bái yết và dâng hương các vị vua triều Trần. Sau đó, Ban tổ chức tiến hành khai mạc lễ hội kéo dài trong một tiếng rưỡi.

Điểm nhấn được nhiều người chờ đợi là chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề: Rạng rỡ Thái Bình - Miền Thánh Mẫu - Đất Thánh Nhân - Dấu thiêng Phật pháp – Phát tích vương triều Trần, với sự tham gia biểu diễn của nhiều ca sĩ thành danh như: ca sĩ Trọng Tấn, Ngọc Anh, Minh Quân, Tô Minh Đức, Thanh Thanh Hiền, nghệ sĩ Tự Long…

MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-te-mo-cua-den-tran-thai-binh-le-ruoc-nuoc-ky-luc-hang-nghin-nguoi-post859362.html
Zalo