Khối ngoại bán ròng 10 phiên liên tiếp
Khối ngoại vừa có phiên bán ròng thứ 10 liên tiếp, tuy nhiên quy mô đã thu hẹp đáng kể.
![Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn "miệt mài" xả cổ phiếu. Ảnh: Nam Khánh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51478284/358e9e1dac53450d1c42.jpg)
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn "miệt mài" xả cổ phiếu. Ảnh: Nam Khánh.
Thị trường chứng khoán hôm nay (ngày 14/2) ghi nhận phiên bán ròng thứ 10 liên tiếp của khối ngoại. Tuy nhiên, điểm sáng là quy mô bán ròng đã được thu hẹp còn hơn 200 tỷ đồng.
Trong đó, danh mục bị nhóm này hạ tỷ trọng gồm VNM (-284 tỷ đồng), MWG (-162 tỷ đồng), CTG (-60 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, dòng tiền của nhà đầu tư ngoại đã chảy vào FPT (+115 tỷ đồng), HPG (+66 tỷ đồng), BID (+50 tỷ đồng).
Nhìn chung, thị trường có diễn biến tương đối khởi sắc. Sự đồng thuận của dòng tiền tại các nhóm ngành vốn hóa lớn như tiêu dùng, tài chính - ngân hàng giúp VN-Index di chuyển ổn định trên tham chiếu xuyên suốt phiên.
Rung lắc nhẹ diễn ra vào cuối giờ giao dịch, chủ yếu do áp lực chốt lời tại các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó như xây dựng và đầu tư công. Dẫu vậy, dòng tiền vẫn sẵn sàng nâng đỡ chỉ số và giảm thiểu rủi ro "trượt chân".
Kết phiên, VN-Index tăng 5,73 điểm (+0,45%) lên 1.276,08 điểm và có thời điểm vượt mốc 1.280 điểm; HNX-Index tăng 1,7 điểm (+0,74%) lên 231,22 điểm; UPCoM-Index tăng 0,61 điểm (+0,63%) lên 98,35 điểm.
Sự chủ động của các nhà đầu tư giúp thanh khoản trên cả 3 sàn cải thiện và nới rộng lên 17.300 tỷ đồng.
Bảng điện tử tràn ngập sắc xanh với 540 mã tăng (gồm 61 mã tăng trần), 750 mã giữ tham chiếu và 317 mã giảm (gồm 13 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 16 mã tăng, 6 mã đứng giá và 8 mã điều chỉnh. Dẫu vậy, chỉ số đại diện rổ chỉ có thể tăng nhẹ gần 3 điểm và tạm dừng ở mốc 1.340 điểm.
![VN-Index rung lắc trước mốc 1.280 điểm. Ảnh: TradingView.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51478284/0f47a0d4929a7bc4228b.jpg)
VN-Index rung lắc trước mốc 1.280 điểm. Ảnh: TradingView.
Động lực đưa chỉ số vươn cao hôm nay chủ yếu đến từ các mã BID (+1,6%), HVN (tăng trần), GVR (+3,1%), FPT (+1,3%), GAS (+1,5%), SSB (+2,4%), HPG (+0,8%), VPB (+0,5%), BSR (+1,3%) và KBC (+2,6%).
Trái ngược, cổ phiếu CTG (-0,7%) dẫn đầu nhóm tác động tiêu cực lên chỉ số cùng với MSN (-1,2%), STB (-1,4%), VNM (-0,7%), LPB (-0,5%), MBB (-0,2%), CTR (-1,8%), VTP (-1,1%), DGC (-0,5%) và REE (-0,6%).
Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến sự đột biến ở nhiều nhóm cổ phiếu, điển hình có năng lượng với PVD (+3,2%), PVS (+1,2%), PLX (+0,8%), PVT (+1,3%), AAH (+9,8%), PVP (+1,2%).
Các cổ phiếu bán lẻ thiết bị công nghệ, gia dụng như MWG (+0,7%), FRT (+0,2%), DGW (+0,2%) cũng hồi phục nhẹ trở lại sau chuỗi ngày bị bán "không thương tiếc".
Trước xu hướng giá heo hơi tăng cao, các cổ phiếu ngành chăn nuôi như DBC (+1,6%), BAF (+1%), MML (+7,2%) vẫn được hưởng lợi.
Ở nhóm khai khoáng, cổ phiếu MSR của CTCP Masan High-Tech Materials có phiên tăng kịch biên độ thứ 2 liên tiếp và tiến lên mốc 19.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất 8 tháng qua. Kể từ sau Tết Nguyên đán, thị giá MSR đã tăng hơn 82%.
Hiện vốn hóa của doanh nghiệp này đã vượt qua mốc 21.600 tỷ đồng. Nếu duy trì đà tăng liên tục thời gian qua, doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Masan có thể đạt mốc vốn hóa tỷ USD ngày trong tuần tới.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền thoái lui khỏi một số cổ phiếu xây dựng, đầu tư công như VCG (-1,1%), HHV (-0,7%), ACV (-2,8%), GEX (-0,9%), PC1 (-0,8%), GEE (-1,1%).