Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: Kết nối tri thức và thực tiễn

Hoạt động liên kết giữa trường ĐH và doanh nghiệp được đánh giá là xu thế tất yếu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp cho sinh viên bền vững.

Dự án Bộ khớp đa năng - Hỗ trợ cho người khuyết tật vận động chi trên của bạn trẻ Nguyễn Ngọc Nhứt đã đạt ngôi vị Quán quân HUTECH Startup Wings 2024. Ảnh: Đ.H

Dự án Bộ khớp đa năng - Hỗ trợ cho người khuyết tật vận động chi trên của bạn trẻ Nguyễn Ngọc Nhứt đã đạt ngôi vị Quán quân HUTECH Startup Wings 2024. Ảnh: Đ.H

Dẫu vậy, hoạt động này còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Chìa khóa bền vững

“Trong tháng 1, Trường Đại học Công Thương TPHCM ra mắt hệ sinh thái SIB (Social Business Impact) - những cộng đồng, doanh nghiệp tạo tác động xã hội và ra mắt Dự án công dân bền vững. Đây là dịp để kết nối hệ sinh thái bên ngoài (doanh nghiệp, chuyên gia) với nguồn lực chuyên gia trong nhà trường và các dự án khởi nghiệp của sinh viên”, ThS Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TPHCM, thông tin.

Theo bà Thoa, hợp tác với doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp là một trong những mục tiêu nhà trường đặc biệt quan tâm. “Thông qua chương trình như hội thảo, tọa đàm… về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà trường đã mời các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp trong các hệ sinh thái khởi nghiệp, đại diện các quỹ đầu tư về tham dự để từ đó tạo môi trường gắn kết với doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn lực nhà trường tại các dự án khởi nghiệp”, bà Thoa khẳng định.

Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) có học phần “Đổi mới sáng tạo và tư duy khởi nghiệp”. Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông HUTECH, với học phần đặc thù này, sinh viên gặp gỡ và lắng nghe các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm chia sẻ những chủ đề liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở đa lĩnh vực; ứng dụng lý thuyết đã tích lũy để tham gia vào đề xuất các giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo phục vụ cộng đồng và trình bày poster, thuyết trình trước doanh nghiệp…

Qua đó, người học bước đầu phát triển kỹ năng giao tiếp - thuyết trình, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, tư duy logic, phản biện - những tố chất vô cùng quan trọng với nguồn nhân lực hiện đại.

Còn PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng nhận định, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt và toàn cầu hóa mạnh mẽ, liên kết với doanh nghiệp không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn là cách hiệu quả để tích hợp các nguồn lực, kinh nghiệm và thị trường. Đây là yếu tố không thể thiếu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, đặc biệt với các trường đại học, nơi tập trung nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo và tri thức.

Theo ông Quỳnh, liên kết với doanh nghiệp giúp mang lại nguồn lực cần thiết để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

“Tại Trường Đại học Lạc Hồng, các dự án nghiên cứu không chỉ tập trung vào lĩnh vực lý thuyết mà còn được định hướng ứng dụng thực tiễn, nhờ sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp lớn và đối tác quốc tế. Nhà trường được tài trợ các phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại - đây là cơ sở để sinh viên, giảng viên thực hiện nghiên cứu, triển khai các ý tưởng khởi nghiệp có tính ứng dụng cao”, ông Quỳnh thông tin.

 Các dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giải quyết bài toán thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: NTT

Các dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giải quyết bài toán thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: NTT

Khó khăn và cơ hội

Theo các chuyên gia giáo dục và lao động việc làm, liên kết với doanh nghiệp được xem như chìa khóa để xây dựng các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, qua đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho hay, liên kết với doanh nghiệp là chiến lược không thể thiếu trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tại các trường đại học. “Sự hợp tác này không chỉ thúc đẩy nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà còn mang lại nhiều lợi ích trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế địa phương và quốc gia. Đây chính là minh chứng cho sức mạnh của sự kết nối tri thức và thực tiễn, mở ra cơ hội phát triển vượt bậc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu”, ông Quỳnh, nhận định.

Từ thực tế đơn vị, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TPHCM nêu vấn đề, thiếu vốn chỉ là phần nhỏ trong khó khăn của các dự án khởi nghiệp sinh viên. “Điều khó nhất là thiếu đội ngũ. Sinh viên thường chưa sẵn sàng và việc tạo ra một ‘team khởi nghiệp’ bền vững là thử thách lớn”, ThS Hoàng Thị Thoa chia sẻ.

Theo đó, sau các cuộc thi khởi nghiệp, sinh viên thường chia tay và nếu dự án muốn phát triển, người lãnh đạo phải kiên trì tuyển chọn thêm thành viên. Nhiều dự án của sinh viên tại trường đang được ươm tạo, nhưng bà Thoa phải thường xuyên ghép nhóm và động viên các em tiếp tục. Quan trọng nhất, để thành công, sinh viên cần kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, cùng đam mê, nhiệt huyết và sự kiên trì.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM đặt vấn đề: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp “lo chuyện của họ chưa xong” thì có thực sự quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp của sinh viên.

“Tôi chưa thấy các doanh nghiệp có chính sách rõ ràng về việc này. Thế nên, tôi cho rằng muốn đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên thì bắt buộc phải có sự góp mặt của các tổ chức Nhà nước, đoàn thể… để quy tụ các doanh nghiệp cùng đứng trong một hệ thống để tư vấn, cố vấn, hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn”, ông Tuấn nói.

Cũng theo quan sát của chuyên gia này, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đưa ra tiêu chí giúp đỡ bạn trẻ khởi nghiệp, thậm chí quy tụ các bạn trẻ lại để tư vấn đi bán hàng, rồi gọi là khởi nghiệp.

“Nên có những cuộc khảo sát, đánh giá, kiểm định lại để rút ra kinh nghiệm trong việc phối hợp giữa các bên. Bởi hiện nay khởi nghiệp giống như phong trào, nhiều doanh nghiệp mới ra đời cũng tự nhận khởi nghiệp, thậm chí một số đơn vị tư vấn du học cũng lấy chiêu bài khởi nghiệp. Trong cuộc chơi này, không khéo lại dẫn dắt sinh viên vào lĩnh vực bán hàng, bỏ vốn ra rồi mất thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết: Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm chủ đề khởi nghiệp để sinh viên có dịp lắng nghe những chia sẻ thiết thực nhất từ chuyên gia đến từ các tập đoàn, công ty uy tín trong các lĩnh vực.

Những cuộc thi học thuật chuyên ngành, khởi nghiệp đa quy mô như HUTECH Startup Wings, BIZ Got Talent, Ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh… luôn có sự đồng hành trực tiếp của chuyên gia đến từ doanh nghiệp ở vai trò người hướng dẫn hay ban giám khảo, mang đến nhiều nhận xét, góp ý thiết thực về tính khả thi để các bạn thêm hoàn thiện kỹ năng.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-ket-noi-tri-thuc-va-thuc-tien-post718723.html
Zalo