Tín dụng mở rộng đáp ứng cho tăng trưởng kinh tế
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho rằng chính sách tiền tệ năm 2025 tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng phát triển kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Kinh tế số, kinh tế xanh, động lực mới tăng trưởng của ngân hàng
![Tiền gửi ngân hàng ổn định sẽ tiếp tục củng cố cho tăng trưởng tín dụng cao hỗ trợ phát triển kinh tế](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_59_51437435/2cc6d7fdecb305ed5ca2.jpg)
Tiền gửi ngân hàng ổn định sẽ tiếp tục củng cố cho tăng trưởng tín dụng cao hỗ trợ phát triển kinh tế
Đổi mới cấp hạn mức tín dụng
Định hướng tăng trưởng tín dụng 16% của toàn ngành Ngân hàng được công bố đầu năm 2025 phù hợp với các diễn biến và tình hình thực tế.
Theo đó, Ngân hàng Trung ương đổi mới điều hành tăng trưởng tín dụng trên cơ sở giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm trong hai năm qua.
Ông Lệnh cho rằng, mỗi tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng phù hợp với khả năng hiệu quả hoạt động kinh doanh của từng đơn vị sẽ tạo thế chủ động trong quá trình khai thác và sử dụng vốn, chủ động mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả.
Kinh tế tăng trưởng sẽ là điều kiện tiên quyết cho các ngân hàng thương mại phát triển dịch vụ ngân hàng, đi cùng với mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng áp dụng công nghệ đổi mới phương thức giao dịch với khách hàng để nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay bền vững.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Đai diện Ngân hàng Nhà nước thành phố cho rằng, về định hướng chính sách trong năm nay có những yếu tố thuận lợi là tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng phát triển.
Để phát huy hiệu quả chính sách, ông Lệnh cho rằng cần sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt là sử dụng vốn vay hiệu quả từ doanh nghiệp và khách hàng, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế.
Tập trung huy động vốn cho tăng trưởng tín dụng cao
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành Ngân hàng năm 2025 cao hơn năm 2024 để phục vụ tăng trưởng kinh tế cao, đòi hỏi một nguồn lực vốn lớn hơn rất nhiều.
Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 2/2025, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, năm 2024 tăng trưởng GDP trên 7,09%, tín dụng tăng trưởng 15,08%. Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 16% đáp ứng cho tăng trưởng GDP 8%, tuy nhiên nếu nền kinh tế tăng trưởng hai con số (tức là ít nhất 10% - PV), nhu cầu vốn tín dụng sẽ tăng 18-20%.
Trả lời Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo các ngân hàng thương mại quy mô lớn cho rằng tăng trưởng tín dụng cao đi đôi với nhu cầu vốn vào ngân hàng, trong khi trên thị trường vốn hiện nay đang có nhiều kênh cạnh tranh với vốn huy động ngân hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các kênh đầu tư đang cạnh tranh hút vốn rất mạnh trên thị trường, nhưng ngân hàng không thể tăng lãi suất tiết kiệm quá cao bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn đầu vào và qua đó làm tăng lãi suất cho vay.
Các ngân hàng thương mại cho rằng tăng trưởng tín dụng cao là một nhu cầu tích cực cho mỗi đơn vị kinh doanh, nhưng trong xu hướng thị trường bất định từ các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng vào trong nước, theo đó cần có dự báo đầy đủ và chính xác hơn để ngân hàng giữ vững ổn định thanh khoản, tiếp tục duy trì lãi suất cho vay ở mức nền kinh tế chấp nhận được.
Các nhà nghiên cứu của ngân hàng UOB dự báo về một đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản của Cục Dữ trữ Liêng bang Hoa Kỳ (Fed) trong năm nay, hiện đang trái ngược rõ rệt với mức dự kiến cắt giảm 75 điểm cơ bản từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), 100 điểm cơ bản từ Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) và 125 điểm cơ bản từ Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) trong thời gian còn lại của năm 2025.
Sự chênh lệch lãi suất ngày càng mở rộng này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy đồng USD so với các đồng tiền chính khác, củng cố thêm sức mạnh của USD trong nửa đầu năm 2025. Tính đến đầu tháng 2/2025, chỉ số đồng USD (DXY) có thời điểm tăng lên mức 109, mức cao nhất trong bốn tháng gần đây.